Chẳng ai ngờ được rằng bên dưới ruộng lúa này lại là một "kho báu" vô cùng to lớn.
Theo Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vào năm 2014, các chuyên gia khảo cổ đã tới xem xét một địa điểm tại khu Chu Nguyên, thuộc thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây. Sau khi xem xét những bức ảnh chụp từ trên cao, các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi thấy một khoảnh ruộng lúa mì tươi tốt bất thường, khác hẳn những vùng bên cạnh. Chuyên gia tin chắc bên dưới ruộng lúa này có ẩn chứa điều gì đó nên quyết định đào lên khám phá.
Sau khi đào phần ruộng lúa mì này lên, các chuyên gia khảo cổ đã thốt lên kinh ngạc khi tìm được một cỗ xe cổ xưa, có niên đại khoảng 2.800 năm trước. Cỗ xe này được cho là có từ thời Tây Chu (1046-771 trước Công nguyên), có thể coi là một trong những cỗ xe lâu đời và xa hoa nhất Trung Quốc.
Cỗ này này được khai quật vào năm 2014 nhưng thời điểm đó, nó đã bị vỡ thành hàng nghìn mảnh. Bên cạnh cỗ xe này, xương của 4 con ngựa kéo cũng được tìm thấy. Trong vòng 3 năm từ 2017-2019, các nhân viên tại Viên khảo cổ tỉnh Thiểm Tây đã nỗ lực làm sạch và phục dựng lại cỗ xe này. Từ đó, những bí ẩn về cỗ xe thời Tây Chu dần dần được hé lộ.
Theo tờ Tân Hoa Xã đưa tin, cỗ xe này có chiều dài 3,13 m, rộng 2,7 m và cao 1,5 m. Cỗ xe được trang bị khoảng 400 phụ kiện bằng đồng, hầu hết đều được khảm ngọc lam. Các cạnh bên ngoài của bánh xe cũng được làm bằng đồng, nhiều bộ phần khác được làm từ ngọc bích. Điều này khiến công việc trùng tu và phục dựng càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn, đòi hỏi các nhân viên phải vô cùng tỉ mỉ và chuyên nghiệp.
Ngày 30/7/2020, bánh xe của cỗ xe này đã được khôi phục lại và trưng bày tại một cơ sở của Viện khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây ở thành phố Tây An.
Huang Xiaojuan, một nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học tỉnh, cho biết: "Điều làm tôi ấn tượng nhất là viên ngọc lam này. Không dễ dàng để nhìn thấy vài trăm viên ngọc lam dát trên một hiện vật. Chúng ta không phải chỉ cần bảo vệ bản thân các di tích văn hóa. Chúng ta cũng phải lưu giữ và bảo tồn tất cả những thông tin có thể phản ánh được của các di tích văn hóa. Đây là tư liệu rất cơ bản để các nhà khảo cổ học sau này đưa ra nhận định hoặc nghiên cứu các di tích văn hóa".
Phân tích ADN cho thấy 4 con ngựa được chôn bên cạnh cỗ xe cổ đại này không chỉ đều là ngựa đực trưởng thành mà còn là những con ngựa đen rắn chắc, khỏe mạnh. Ngoài việc được trang trí bằng ngọc lam, điều ấn tượng nhất của cỗ xe này là toàn bộ bánh xe đều được làm bằng đồng. Rất hiếm khi có cỗ xe bánh răng bằng đồng được bảo tồn nguyên vẹn như thế này.
Theo Wang Zhankui, một nhà nghiên cứu của Viện khảo cổ Thiểm Tây, theo những dấu vết trên bánh xe, cỗ xe này rất hiếm khi được sử dụng và là phương tiện nghi lễ dành cho giới quý tộc cấp cao. Vì vậy, cỗ xe này hẳn phải thuộc về một nhân vật cấp cao trong xã hội, thậm chí có thể thuộc về hoàng đế. "Việc phục chế cỗ xe ngựa này có giá trị lớn trong việc nghiên cứu về nghi lễ thời Tây Chu", ông Wang Zhankui nói.
Hiện tại, công việc dọn dẹp và trùng tu cỗ xe cổ đại này về đúng cấu trúc và hình dáng ban đầu đã gần như hoàn tất. Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây dự định sẽ trưng bày cỗ xe này trước công chúng trong thời gian tới.
Được biết, địa danh Chu Nguyên - nơi tìm thấy cỗ xe vô cùng quý hiếm trên - được biết đến là cái nôi của triều đại Tây Chu, một trong những thời kỳ sớm nhất trong lịch sử thành văn của Trung Quốc. Đây cũng là nơi ở của Công tước Danfu, thủ lĩnh đầu tiên của gia tộc họ Chu. Vì vậy, những tàn tích về thời đại này vẫn còn sót lại rất nhiều tại mảnh đất này.
Hồi tháng 9/2021 vừa qua, các nhà khảo cổ học tiếp tục phát hiện ra những cái ao và mương lớn tại Chu Nguyên. Phó giám đốc Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây Chong Jianrong cho hay, tàn tích của 4 ao nước và hơn 40 mương nước đã được phát hiện. Một ao rộng 32.000 m2 với mương hướng đông kéo dài 1.700 m và mương hướng nam trải dài 1.500 m.
Nghiên cứu cho thấy những ao và mương nước này là một phần của hệ thống thoát nước của khu di chỉ khảo cổ Chu Nguyên. Các nhà khảo cổ nhận định, có khả năng có các chuyên gia và tổ chức chuyên biệt đảm nhận nhiệm vụ vận hành hệ thống này trong thời Tây Chu, theo ông Chong Jianrong.
Dựa trên khai quật sơ bộ, các nhà khảo cổ cũng tin rằng hệ thống nước tự nhiên và hệ thống nước nhân tạo, các hồ chứa và kênh đào đã tạo nên toàn bộ mạng lưới nước của khu Chu Nguyên.