Không chỉ tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác cũng đón rằm tháng 7 theo những cách hoàn toàn khác nhau.
Rằm tháng 7 được cho là ngày dành cho người âm và tháng 7 cũng được coi là tháng âm (tháng cô hồn). Ở một số nước châu Á, người ta tin rằng trong suốt thang 7 và đặc biệt là ngày rằm tháng 7, cổng Địa ngục sẽ được mở ra, những linh hồn của tổ tiên và cô hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế. Để không bị những cô hồn này làm hại, con người sẽ tổ chức nhiều lễ hội, đốt tiền giấy, cúng đồ ăn thức uống và tiến hành nhiều hình thức giải trí.
Rằm tháng 7 hay còn được gọi là lễ "xá tội vong nhân" là một ngày lễ lớn và quan trọng trong văn hóa của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia hay Việt Nam...
1. Trung Quốc
Rằm tháng 7 được gọi là Hungry Ghost Festival (Lễ hội ma đói) hay Zhongyuan Festival hoặc Yulanpen Festival. Đây được coi là một trong những lễ hội thờ cúng tổ tiên lớn nhất tại Trung Quốc. Trong dịp này, người dân sẽ chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, thức uống, bày ra ngoài trời và cúng 3 lần mỗi ngày. Người Trung Quốc cũng đốt rất nhiều tiền giấy trong rằm tháng 7.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn có tục thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu dạt biết đường trở về âm phủ trước khi cửa đóng hẳn. Một số địa phương còn tổ chức lễ hội văn nghệ và trò chơi truyền thống.
Tương tự như "tháng cô hồn" ở Việt Nam, người Trung Quốc cũng có rất nhiều điều kiêng kỵ, ví dụ như: Tránh về quá khuya, tránh đi xa, không khởi sự việc lớn, tránh đi rừng, tránh đi bơi, không nhặt đồ vương vãi trên phố (đặc biệt là tiền lẻ), tránh huýt sáo/đàn hát về đêm, không chửi thề, không phơi quần áo ban đêm, không che ô/chụp ảnh ban đêm, không cắm đũa vào bát cơm, không nói lẩm bẩm một mình...
2. Nhật Bản
Nhật Bản cũng đón rằm tháng 7 nhưng có cái tên khác là lễ Obon (ngày của người chết), thường diễn ra từ ngày 13-16/7 âm lịch. Đây là lễ hội Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên cội nguồn, tưởng nhớ cha mẹ, gần giống như lễ Vu Lan ở Việt Nam.
Lễ Obon là một trong 3 dịp lễ lớn nhất tại Nhật Bản. Người dân thường làm đồ cúng với nhiều loại bánh, đi viếng mộ, dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thả đèn hoa đăng, sau đó cùng nhau nhảy múa. Ngoài ra, lễ Obon cũng là dịp nhiều người con đi xa trở về, đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm ấm áp.
3. Hàn Quốc
Rằm tháng 7 tại Hàn Quốc được gọi là Bách Trung (Baekjung) hay Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Lễ hội Baekjung có nguồn gốc từ Phật giáo và cũng liên quan tới người chết nhưng lại mang yếu tố của một ngày lễ nông nghiệp hơn.
Trong lễ Baekjung, người dân xứ sở kim chi sẽ đi sám hối, tự thú lỗi lầm của mình, sau đó đi cầu nguyện, tặng quà báo hiếu cho cha mẹ.
Ở nhiều địa phương, người dân sẽ tổ chức lễ hội với những điệu múa truyền thống như Hallyangmu, Pyongshinchum, tiếp đến là các trò chơi sinh hoạt tập thể. Cuối cùng, lễ hội khép lại với màn biểu diễn Vũ điệu Năm trống (Obuk-chum) để cầu nguyện cho sức khỏe dồi dào và mùa màng bội thu.
4. Malaysia
Tương tự như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, Malaysia cũng tổ chức đón rằm tháng 7 như một lễ hội quan trọng trong năm. Nó cũng có tên là Hungry Ghost Festival (Lễ hội ma đói), do đó người dân thường làm rất nhiều món ăn thịnh soạn để cùng bái tổ tiên.
Ngoài ra, người dân Malaysia cũng đốt những hình nộm lớn, ăn mừng bằng tiệc ngoài trời, tổ chức các chương trình biểu diễn và cùng nhau cầu nguyện.