Rồi chúng ta sẽ thành những kẻ ‘like dạo’

Ngày 15/01/2018 16:11 PM (GMT+7)

Cô bạn tôi dạo này rất vui vì anh bạn trai quan tâm tới cô hơn hẳn. Mỗi lần cô đăng cái gì lên Facebook, anh luôn là người đầu tiên like. Nhưng cô không hiểu, ngay đến sự like đó có muôn hình vạn trạng: like tự động, like dạo, mua like...

Mỗi ngày chúng ta đọc nhanh hơn, nể nang hơn, tiện tay like xã giao thêm một nút, rồi có thể tới một ngày, chúng ta sẽ thành những kẻ 'like dạo'.

Trở lại câu chuyện cô bạn tôi. Cô ấy vui lắm, vì nghĩ rằng người yêu đang quan tâm tới cô nhiều hơn, chăm đọc những gì cô ấy viết và nhấn Like hơn, nhưng với kinh nghiệm lâu năm làm công nghệ, tôi biết ngay tất cả đều do một tay phần mềm “Like tự động” (auto-like) sắp đặt.

Loại phần mềm auto-like này rất đặc biệt. Khi bạn cài đặt và chỉ định một tài khoản cần theo dõi, thì mỗi lần người kia đăng bất cứ cái gì lên, một cái Like sẽ ngay lập tức được tự động gửi tới. Còn việc có đọc nội dung hay không là tùy bạn, miễn sao cái like đã được gửi. Dù thế, điều đó vẫn làm cô bạn tôi vui vẻ.

Nhưng liệu có thực sự cần thiết khi một phần mềm được tạo ra chỉ để đi ‘like dạo’?

Rồi chúng ta sẽ thành những kẻ ‘like dạo’ - 1

Ảnh minh họa

Thực tế, cơn nghiện mạng xã hội đang bắt đầu chi phối quá nhiều cuộc sống.

Theo thống kê, hiện có 38 triệu người Việt dùng mạng xã hội, trong đó phần lớn người trẻ sử dụng Facebook với trung bình 5 giờ lướt mạng/ngày. Người sử dụng mạng xã hội thường like, share, comment rất nhiều, thậm chí người ta còn coi trọng cái Like, comment trên Facebook nhiều khi hơn cả đời thực. Người ta làm mọi thứ để câu like, kể cả mạo hiểm tính mạng hay cắt đứt tình nghĩa. Đã có không ít bạn trẻ tham gia vào những thử thách ‘tự sướng’ (selfie) mạo hiểm để giành lấy ‘phần thưởng’ là những like, share trên mạng xã hội. Nhưng những bức ảnh này đôi khi có giá bằng cả mạng sống.

Tháng 9/2015, một sinh viên Nga trèo lên tòa nhà 9 tầng ở Moscow và đu mình ra ngoài bờ tường chụp ảnh giả vờ như anh đang rơi xuống. Không may, nam sinh trượt tay, rơi xuống và qua đời khi mới 17 tuổi.

Hay một cặp vợ chồng người Ba Lan đã kết liễu cuộc đời họ cùng tấm ảnh cuối cùng tại mũi biển Cabo da Roca, điểm cực Tây của lục địa châu Âu trước khi kịp đăng lên mạng xã hội.

Có lẽ khi thực hiện những hành động selfie này, những người trẻ đã quên đi một sự thật rằng: Giá trị sống của một con người không được đo đếm bằng những chiếc “like”.

Như một hệ quả, việc điên cuồng câu like của người tham gia mạng xã hội sẽ dẫn tới việc like dạo, comment lấy lòng mà không thèm đọc nội dung. Khi con người ta chỉ thích like, không quan tâm nội dung, những phần mềm kiểu ‘auto like bạn gái’ này sẽ ra đời như một điều tất yếu. Những kiểu phần mềm này tạo ra để thỏa mãn nhu cầu “thích like” của người sử dụng mạng xã hội do họ bị chi phối bởi “hiệu ứng tâm lý đám đông”. Khi bất kì một dòng chia sẻ hay hình ảnh nào đăng tải trên mạng được nhiều like, comment thì họ sẽ có cảm giác sung sướng, vui vẻ, thậm chí chỉ với những giá trị không có thực.

Theo Simon Sinek, diễn giả nổi tiếng của Ted Talk, mạng xã hội sẽ khiến cơ thể người sử dụng tiết ra Dopamine - một chất khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn tương tự như khi hút thuốc hay uống rượu. Vậy nên khi có ai đó vừa like bài đăng mới của bạn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.

Hiện tượng Like dạo một mặt nêu lên “sự quan tâm giả tạo” trong thế giới ảo khi người dùng nhấn like ra vẻ quan tâm chứ không hề để ý đến nội dung. Thậm chí nhấn nút Like chỉ để biểu thị tôi đã thấy, đã nhìn, đã biết được vấn đề đó chứ không hẳn là sự biểu đạt trạng thái thích thú, chia sẻ hay ủng hộ. Mặt khác, nó phản ánh sự hời hợt, qua loa của người tham gia mạng xã hội, những con người mắc căn bệnh “hình thức quan trọng hơn nội dung”, chỉ cần nhiều like, không cần biết người ta có đọc những gì mình viết hay không.

Like dạo vẫn cứ diễn ra hàng ngày, đồng nghĩa với việc các phần mềm kiểu auto-like cũng đang tồn tại mỗi ngày. Một phần là do những người sử dụng mạng xã hội chưa ý thức được tác hại chết người của nút “like”. Nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn đe dọa sự an toàn của cá nhân người sử dụng mạng xã hội.

Một phụ nữHà Nội vừa được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần do quá đam mê Facebook. Có những đêm chị thức đến 2, 3 giờ sáng chỉ để đếm và xem những ai đã like ảnh của mình. Một ngày không sờ vào điện thoại, không lướt Facebook chục lần thì chị không ăn, không ngủ, bứt rứt không yên.

Tuần trước, bệnh viện Tâm thần Trung ương vừa thông báo đã tiếp nhận bệnh nhân bị tâm thần vì thói quen nghiện Facebook. Cô gái 18 tuổi ở Hà Nội thường xuyên thức đêm đăng ảnh để chờ nút "like" trên facebook.

Nút Like có vẻ không còn là bày tỏ sự yêu thích, ủng hộ bài đăng với nội dung người đọc quan tâm nữa. Nó đã biến thành một chất gây nghiện, lôi kéo người ta ấn vào một cách vô thức mà không thèm quan tâm đến nội dung thực là gì. Có người nói rằng: Khi một số người sẵn sàng đổi tất cả, kể cả sức khỏe, mạng sống của mình để lấy cái Like, như thế số ‘like dạo’ sẽ càng ngày càng nhiều lên.

Nhưng vấn đề là, hiện tượng ‘like dạo’ trên mạng có liên quan gì đến đời thực không? Có bao nhiêu người trong chúng ta gặp nhau và hỏi “Khỏe không?”, “Mọi sự tốt chứ?” mà không cần nhìn vào mắt nhau. Bởi vì có một sự thật, có mấy ai hỏi mà không phải vì giao đãi đâu.

‘Like dạo’ trên mạng và “giao đãi” ngoài đời, theo tôi, nó gần giống nhau. Nhưng ‘like dạo’ có thể gây bệnh tâm thần, vì công nghệ đã giúp “giao đãi” tăng theo cấp số nhân. Và người trong cuộc không còn làm chủ được mình nữa.

Cái gì giả cũng tất nhiên không tốt, nhưng nếu công nghệ hỗ trợ cho cái giả thì càng tệ hơn, mà tâm thần chỉ là một ví dụ.

Pham Thu Ha
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Facebook