Nhiều người bán hàng “khóc ròng” khi phát hiện mình bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, một người bán hàng tại chợ đầu mối ở Thanh Hóa vừa bị lừa mất 300 triệu đồng vì chiêu lừa qua mạng này. “Tôi không biết phải làm thế nào, mấy ngày mất ăn mất ngủ mà không biết giãi bày cùng ai. Sau một tuần, tôi mới dám nói cho em gái để cùng tìm cách”, chị Yên (Thanh Hóa) chia sẻ.
Chị đã nhiều năm bán thực phẩm tại một chợ đầu mối ở Thanh Hóa. Vừa bán ở chợ, chị vừa đăng bán trên mạng để mở rộng thị trường. Ra Tết, có một vị khách lạ nhắn tin muốn đặt mua mấy nghìn trứng và cả nghìn chiếc giò nạc. Chị kể vị khách đó tự xưng là làm trong doanh trại quân đội và muốn mua về để làm thức ăn cho mọi người trong doanh trại.
“Sau đó, họ có nhờ tôi mua hộ thịt hộp trong siêu thị nhưng là siêu thị họ đưa cho mình. Tôi cũng nói chuyện và bên siêu thị đó yêu cầu là phải chuyển tiền trước khi giao hàng và sẽ có chiết khấu cao. Vậy là, tôi tin và chuyển 300 triệu”, chị nói.
Khi chuyển tiền xong, chị đợi mãi không thấy ai giao hàng nên liên lạc lại thì không được. Gọi điện cho khách hàng, chị cũng không thể liên lạc được. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa.
Cũng bị lừa mất 350 triệu vào thời điểm cận Tết Nguyên đán 2024, chị Nguyễn Dịu – chủ một cơ sở mắm ở Thanh Hóa, bàng hoàng kể lại vụ việc. “Thật ra, tôi đinh không nói vì chẳng có gì tốt đẹp vì lỗi tại ở mình nhưng bài học quá lớn cho bản thân nên tôi muốn nói ra để mọi người cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới qua mạng rất tinh vi”, chị chia sẻ.
Chị Dịu kể lại câu chuyện mình bị lừa mất 350 triệu đồng vì tin người ở trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Theo đó, chị là chủ một cơ sở làm mắm truyền thống ở Thanh Hóa. Thông thường, khách gọi điện đến đặt mắm nhà chị rất nhiều. Hôm đó, có một vị khách gọi điện bảo đang làm trong ban hậu cần quân đội và được giới thiệu mua mắm làm quà biếu Tết cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.
“Sau khi kết bạn trên mạng xã hội, tôi báo giá các kiểu xong thì họ chốt 200 set, có địa chỉ, số điện thoại. Cái này thì tôi không nghi ngờ gì, chỉ thấy hơi nhiều hơn năm ngoái, năm kia vì mọi năm cứ gần Tết, tôi cũng có một vài đơn hàng đặt hàng biếu khoảng hơn trăm chai. Nên cũng có lọc và dự trữ sẵn mấy chum thành phẩm rồi. Ngày hôm sau trước khi gọi xe bốc hàng để gửi đơn, họ gọi nhờ tôi mua thêm ít đồ là trà, đông trùng hạ thảo và rượu rồi gửi cùng đơn luôn. Không hiểu sao đến đoạn này, tôi cũng mù quáng nghe theo”, chị kể lại.
Cách liên lạc của họ chủ yếu gọi qua mạng xã hội. Thông tin quan trọng là họ gọi và nói rất thuyết phục làm cho chị nghe và làm theo. “Tôi lúc đó chỉ nghĩ mình có thể giúp họ và mình cũng bán được hàng ngày Tết, họ lại có chút tiền hoa hồng”, chị nói.
Sau đó, chị liên hệ đến cửa hàng họ đưa cho, chị đặt mua đúng số lượng đồ mà họ nhờ. Trước khi chuyển hàng, cửa hàng yêu cầu phải chuyển khoản trước. Vì số tiền lên đến 350 triệu đồng, chị phải vay mượn người nọ người kia để chuyển khoản.
Địa chỉ nhận hàng trà, rượu và đông trùng hạ thảo, chị Dịu để là địa chỉ của khách. Sau đó, người nhà chị thuê xe để chuyển những chai mắm đến địa chỉ khách đặt. Đến lúc đó, chị gọi điện không được mới biết mình bị lừa.
Chị lúc này vô cùng hoang mang, không biết phải xử lý ra sao. Chị cũng đã lên công an trình bảo vụ việc xảy ra với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất.
Theo tìm hiểu, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi gây ra nhiều hậu quả lớn, bức xúc cho xã hội. Để phòng ngừa, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người chưa xác thực.
Hiện tại, cơ quan Công an các địa phương trong cả nước đều tiếp nhận khá nhiều vụ trình báo bị lừa qua mạng nhưng rất ít kẻ lừa đảo bị sa lưới. Bởi những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong, chúng sẽ khóa tài khoản, rất khó để tìm kiếm.