Một thanh niên ở tỉnh Đồng Tháp tìm việc làm qua mạng, sau đó bị bán sang nhiều nước như Myanmar, Campuchia, Lào… và bị đánh đập, ép sử dụng ma túy.
Lời kể của nạn nhân chạy trốn khỏi "địa ngục" của ổ nhóm lừa đảo ở nước ngoài
Từ ép sử dụng ma tuý... đến bệnh tật đầy người
33 tuổi với mong muốn có việc làm, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phúc, thường trú tại ấp 6, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã lên mạng kiếm thông tin, và rồi từ đó trở thành những ngày đen tối trong cuộc đời Phúc.
Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Phúc nhớ như in quãng thời gian “lập nghiệp” không mong muốn ấy.
Nguyễn Văn Phúc tại cơ quan Công an.
Tháng 7-2023, Nguyễn Văn Phúc liên hệ với một tài khoản trên mạng xã hội Facebook có bài viết tuyển việc làm trong Casino tại Campuchia.
Theo hướng dẫn của tài khoản Facebook này, Phúc bắt xe khách lên khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được một người đàn ông dẫn qua Campuchia theo đường tiểu ngạch.
Đến Campuchia, Nguyễn Văn Phúc không được đưa đến Casino như hứa hẹn ban đầu mà bị đưa đến một địa điểm của Trung Quốc do người nước ngoài quản lý.
Phúc được giao nhiệm vụ sử dụng mạng xã hội Facebook gắn hình ảnh đại diện là nữ làm quen với các nạn nhân là nam giới ở Việt Nam, sau đó phát triển thành mối quan hệ yêu đương nam nữ. Khi nạn nhân đã phát sinh tình cảm thì tiến hành kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền ảo.
Quá trình làm việc hơn 1 tháng, Phúc đã không phát triển mối quan hệ "yêu đương" nào nên các đối tượng yêu cầu nộp số tiền 70.000 triệu đồng mới cho về Việt Nam. Do không có tiền nộp nên các đối tượng chuyển Phúc sang Myanmar và tiếp tục bị ép thực hiện các hành vi lừa đảo như tại Campuchia.
Sau hơn 3 tháng làm việc, do không đáp ứng được chỉ tiêu nên Phúc bị các đối tượng người nước ngoài yêu cầu nộp số tiền 370.000.000 đồng để được tự do nhưng do không có tiền nên Phúc bị chuyển sang làm việc trong một đặc khu tại tỉnh Bò Kẹo, nước CHCDND Lào với nhiệm vụ thực hiện các hành vi lừa đảo như lúc ở Campuchia.
Tại đây, các đối tượng ép người lao động, trong đó có Phúc, sử dụng ma túy nhằm bị lệ thuộc và giảm thời gian ngủ để thực hiện nhiệm vụ lừa đảo.
Làm việc được 20 ngày, do bị bệnh ngoài da, các đối tượng sợ bị lây nhiễm nên Phúc được cho đi chữa bệnh ngoài đặc khu. Lợi dụng việc này, Nguyễn Văn Phúc đã mang theo tư trang cá nhân trong đó có hồng phiến rồi trốn về Việt Nam.
Đến khoảng 9h30 ngày 3-1-2024, khi Phúc đang làm thủ tục nhập cảnh tại Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Phúc về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Lời cảnh tỉnh cho những "giấc mộng" ảo
Trong Trại tạm giam Công an tỉnh, mặc dù bị vướng vào lao lý, nhưng Nguyễn Văn Phúc lại có được cảm giác an toàn khi được trở về Việt Nam. Phúc quá sợ cảnh làm việc cho người nước ngoài, cảnh ép sử dụng ma túy, cảnh bị đánh đập, bị chích điện. Có lẽ những điều đó chỉ những ai là nạn nhân của tội phạm lừa đảo, “việc nhẹ lương cao” mới cảm nhận được.
Nguyễn Văn Phúc cảm thấy may mắn khi còn cơ hội sống và trở về Việt Nam.
Từ nạn nhân trở thành tội phạm, Nguyễn Văn Phúc mong muốn mọi người tìm việc không đi vào "vết xe đổ" của mình: Khi tìm việc làm mọi người cần cân nhắc, tìm những địa chỉ rõ ràng, đừng vì những lời dụ dỗ mà trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
"Thời gian qua, xuất hiện tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội về việc đưa người lao động sang nước ngoài làm việc với những lời hứa hẹn " việc nhẹ, lương cao", nhiều nạn nhân đã bị lừa sang Campuchia, Myanmar, Lào và sau đó bị bán vào các sòng bài để làm việc. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm và là thực trạng đáng báo động trong thời gian qua, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
Nhiều đối tượng đã bị khởi tố về tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép", nhiều nạn nhân đã được giải cứu, tuy nhiên tình hình và diễn biến của loại tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, hiện vẫn còn nhiều nạn nhân bị "sập bẫy" - Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết.
Lợi dụng mạng xã hội, rất nhiều tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật, kể cả lập các trang website, nhóm trên Zalo, Facebook hoặc móc nối, lôi kéo và hình thành các "chân rết" để dụ dỗ, tạo ra lòng tin của người lao động với những lời hứa thiếu căn cứ như công việc thì nhẹ nhưng lương lại cao; làm việc theo sở trường, sở thích...
Tuy nhiên, khi nạn nhân đã "sập bẫy" thì giấc mơ "đổi đời" đâu không thấy mà chỉ thấy bị đưa vào các sòng bạc làm việc; bị hành hạ, ngược đãi, chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập; nếu bỏ trốn sẽ bị đánh đập và bán sang cơ sở khác và tiếp tục bị bóc lột; muốn về phải nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình phải vay mượn với số tiền lớn để chuộc nạn nhân về.
Theo Thượng tá Hà Hải Long để ngăn chặn tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” người dân cần phải hết sức cảnh giác, nhất là những thanh niên đang độ tuổi lao động và có nhu cầu lao động, nếu muốn tìm việc làm ở nước ngoài thì nên liên hệ với các cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình.
Khi được Nhà nước cấp phép đi xuất khẩu lao động thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần liên hệ cơ quan Công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân.
Đồng thời, nhân dân cần tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép để cơ quan Công an có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Thông tin về tuyến đường sắt mới đi qua 10 tỉnh thành phía Bắc
Liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (GTVT) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) vừa trình Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đi qua 10 tỉnh, thành phố
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được nghiên cứu lập quy hoạch toàn bộ các đoạn tuyến, ga trên tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc), điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) và các đoạn tuyến đi qua 10 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo tư vấn, trục hành lang Đông Tây có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt, đường bộ tại cửa khẩu Lào Cai.
Khối lượng dự báo nhu cầu giai đoạn ngắn hạn của tuyến này ước tính là 16 đôi/ngày đêm đối với tàu khách, 7,28 triệu tấn/năm đối với khối lượng hàng hóa và 23,28 triệu tấn/năm đối với lượng hàng hóa quy đổi (cả hành khách và hàng hóa).
Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Do vậy, tư vấn đề xuất định hướng quy hoạch tuyến khổ 1.435 mm, điện khí hóa; là đường đơn trong ngắn hạn và đường đôi trong dài hạn. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441 km. Đặc biệt, để đảm bảo cạnh tranh với tuyến cao tốc đường bộ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tổ tư vấn đề xuất vận tốc thiết kế ban đầu là 160km/h, trong tương lai có thể nâng tốc độ lên 200 km/h.
Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5 km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các chạy qua các đoạn đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, qua các đường quốc lộ và một số đường tỉnh; đồng thời có 11 hầm với chiều dài khoảng 10km.
41 ga trên toàn tuyến
Tư vấn cũng đề xuất hướng tuyến, quy hoạch ga khi qua các tỉnh, thành phố. Cùng đó, trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai là ga lập tàu khách và lập tàu hàng suốt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tàu khu đoạn Lào Cai - Hà Nội; là ga giao tiếp liên vận quốc tế với ga Hà Khẩu Bắc của đường sắt Trung Quốc.
Ga Yên Thường là ga lập tàu khách và tàu hàng khu đoạn Yên Thường - Lào Cai và Yên Thường - Nam Hải Phòng, ngoài ra ga Yên Thường còn có chức năng là ga lập tàu khu đầu mối Hà Nội cho các tuyến phía Bắc như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long - Cái Lân.
Để cạnh tranh với đường bộ, tổ tư vấn đề nghị thiết kế tốc độ ban đầu 160 km/h, tương lai có thể lên tới 200 km/h.
Ga Nam Hải Phòng lập tàu khách và tàu hàng đi suốt tuyến như ga Lài Cai đồng thời lập tàu khu đoạn khách và hàng cho đoạn Hải Phòng - Yên Thường và tàu khu đoạn ngắn Nam Hải Phòng - Hạ Long - Cái Lân.
Ga Hạ Long là ga lập tàu khách đoạn ngắn Hạ Long - Hải Phòng; ga Cái Lân lập tàu hàng đoạn ngắn cho đoạn Hải Phòng - Cái Lân.
Trên toàn tuyến có 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Lạc Đạo, Hải Dương.
Ga cảng phục vụ xếp dỡ cho các cảng bao gồm 4 ga: ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Có 27 ga nhường tránh tàu (có tác nghiệp hành khách và hàng hóa phục vụ dân cư lân cận) gồm: Thái Niên (mới), Sơn Hà, Cam Cọn, Bảo Hà (mới), Châu Quế Thượng, Đông An, Tân Hợp, Yên Hợp, Y Can, Lệnh Khánh, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phú Thọ, Lập Thạch, Bình Xuyên, Phúc Yên, Thạch Lỗi, Bắc Hồng, Đông Anh, Trung Màu, Lương Tài, Bình Giang, Tứ Kỳ, Tân Viên, Phong Hải, Quảng Yên, Minh Khai.
Cũng theo tư vấn, tuyến mới đảm nhận công tác chở khách trong hành lang Đông Tây, cũng như khối lượng vận chuyển hàng hóa các địa phương dọc tuyến, theo mô hình khai thác hỗn hợp hành khách và hàng hóa để tổ chức vận tải. Còn đường sắt hiện có khổ 1.000mm đảm nhận vận chuyển các mặt hàng rời truyền thống đến các địa phương dọc tuyến, tổ chức vận tải theo mô hình tuyến chuyên hàng.
Khởi tố 'Tuấn Phò Mã'
Chiều 6/3, theo nguồn tin của PV, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Đình Tuấn (tức "Tuấn Phò Mà", 40 tuổi, quê Thanh Hóa, trú tại thị trấn Chờ, Yên Phong ) về tội "Đánh bạc".
Theo nguồn tin, Tuấn bị điều tra liên quan đến hành vi cá cược tiền trong lúc chơi bida tại một quán trong khu đô thị mới của thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Số tiền cá cược chưa được tiết lộ. Khoảng 9h sáng nay, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở của Tuấn.
Được biết "Tuấn Phò Mã" tên thật là Hoàng Đình Tuấn, sở hữu kênh Tiktok, YouTube và Facebook có lượng lớn người theo dõi.
"Tuấn Phò Mã" bị bắt để điều tra về hành vi đánh bạc.
Các nội dung mà Tuấn đăng tải thường là quay lại quá trình làm việc của Cảnh sát giao thông, giải thích về luật giao thông đường bộ... thu hút nhiều người theo dõi và bình luận trên mạng xã hội.
Thông tin "Tuấn Phò Mã" bị bắt hiện đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Giá vàng hôm nay 6/3: "Cơn điên" chưa dứt, giá vàng tăng vù vù
Giá vàng thế giới vẫn tăng "điên cuồng". Thời điểm 8h40 sáng nay ngày 6/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.126 USD/ounce, tăng 14 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Đã có lúc giá vàng tăng vọt lên chạm ngưỡng 2.141 USD/ounce rồi quay đầu về vùng giá sáng nay.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá vàng SJC đã tăng vượt mức 81 triệu đồng. Giá vàng nhẫn vẫn tăng vù vù, chưa thấy điểm dừng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79 - 81,02 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 78,95 - 80,95 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua. Vàng nhẫn Doji 9999 tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 67,3 - 68,5 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 600.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 650.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,8 -80,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 66,6 - 67,85 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 79 - 81 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên liền trước.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 67,43 - 68,63 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng mạnh 750.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới.
Chiến lược gia hàng hóa Bart Melek của TD Securities cho rằng, yếu tố chính đẩy vàng lên cao trong hai phiên mới đây là kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường ngày càng tin rằng Fed sẽ sớm đưa ra quyết định nới lỏng. Chuyên gia này dự báo, với niềm tin như vậy, giá vàng thế giới có thể được đẩy lên mức 2.300 USD/ounce trong quý II năm nay.
Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại liên quan đến cuộc xung đột ở Trung Đông cũng hỗ trợ mạnh cho kim loại màu vàng. Vàng, thường được sử dụng như một phương tiện lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng hơn 300 USD kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel-Hamas.
Hiện tại, thị trường đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần này để biết rõ hơn về lộ trình lãi suất của Mỹ. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm tháng 2 dự kiến được công bố vào thứ Sáu cũng là thông tin thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vì dữ liệu này có thể thay đổi tâm lý thị trường và đẩy vàng về phạm vi gần đây.