Tòa đã bốn lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng viện kiểm sát và cơ quan điều tra không đáp ứng được khiến tòa không thể xử nên phải trả hồ sơ lần nữa.
Ngày 22-6, TAND tỉnh Bình Phước đã trả hồ sơ vụ Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố về tội giết người để điều tra bổ sung nhiều nội dung còn chưa rõ. Đây là lần thứ năm tòa trả hồ sơ sau bốn lần VKS và CQĐT cùng cấp chưa làm rõ.
ADN tại hiện trường không liên quan đến bị cáo
Cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước mô tả bị cáo Tuấn giết nạn nhân Nguyễn Ngọc Thái với những tình tiết khá rùng rợn. Do những tình tiết này cần thiết phải mổ xẻ vì nó liên quan đến việc chứng minh bị cáo có tội hay không nên buộc lòng chúng tôi phải đề cập đến.
Theo cáo trạng, bị cáo Tuấn và nạn nhân Thái cùng cạo mủ cao su thuê và cùng ở trọ trong chòi của một công ty cao su tại thôn 5, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Trưa 12-1-2014 sau khi lấy tiền công, Tuấn, Thái và một số người rủ nhau nhậu, hát karaoke. Đến chiều cùng ngày, Tuấn chở Thái về thì bạn gái Tuấn gọi điện thoại nói té bị thương nên Tuấn mượn xe máy của Thái đi.
Do Thái không đồng ý nên hai bên cãi nhau. Tuấn đã dùng dao Thái Lan dắt ở cột chòi đi lên chòi đâm trúng ngực Thái. Sau đó Tuấn đâm hai nhát nữa vào ngực và bả vai Thái. Liền đó, Tuấn đi ra vườn vứt dao cách chòi khoảng 120 m nhờ một người ở chòi khác cách đó khoảng 600 m chở ra ngã ba lâm trường Nghĩa Trung rồi xuống xe đi bộ. Đi được một đoạn thì bạn gái đến đón nên Tuấn chở về nhà.
Chiều hôm sau có hai người vào chòi thì phát hiện Thái đã chết trên gác trong chòi. Công an thu giữ một lưỡi dao, một cán dao dính máu và một số vật dụng khác như xe máy, áo, quần lửng, chăn, gói thuốc lá…
Ngày 17-1-2014, Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM kết luận ADN trong mẫu phết lên bề mặt lưỡi dao chính là của bị hại Thái; trong mẫu phết lên bề mặt của cán dao có hiện diện ADN của bị hại Thái với xác suất 1/1,249 tỉ người xảy ra; ADN của người khác (không phải là của Thái). Ngày 24-1-2014, trung tâm này cũng kết luận ADN của Tuấn không hiện diện trên mẫu máu phết trên bề mặt của cán dao...
Tuấn bị bắt. Ban đầu Tuấn không nhận tội nhưng sau đó thừa nhận và lý giải tại tòa việc nhận tội này sau khi bị ép cung, dụ cung. Cáo trạng truy tố Tuấn theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết tăng nặng có tính chất côn đồ, khung hình phạt đến tử hình.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn tại phiên xử ngày 22-6 (ảnh nhỏ). Căn chòi giữa vườn cao su nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: T.TÙNG
Hàng loạt vấn đề chưa rõ
Từ khi thụ lý vụ án đến nay TAND tỉnh Bình Phước đã từng trả hồ sơ tổng cộng năm lần. Lần thứ nhất vào tháng 8-2014 với yêu cầu điều tra bổ sung các nội dung: ADN trên cán dao không phải của Tuấn thì của ai; xác minh đối tượng hay chửi nhau, dọa đánh nhau với nạn nhân Thái; xác minh tại cơ quan viễn thông dữ liệu thông tin của các số điện thoại của bị cáo, bị hại, nhân chứng; làm rõ vết xước trên người bị cáo Tuấn do đâu; xác định dấu vân tay trên cán dao; làm rõ mâu thuẫn về thời gian rời khỏi chòi của bị cáo; xác định rõ nguồn gốc của con dao.
Lần trả hồ sơ thứ hai là sau khi mở phiên tòa vào tháng 10-2014, tòa yêu cầu điều tra bổ sung nhiều vấn đề, trong đó có các yêu cầu ở lần trả hồ sơ trước chưa bổ sung được. Cụ thể: Xác minh đối tượng LVT vì trước đó bị hại có đánh và dìm nước người này; cần đối chất, nhận dạng để xác định nguồn gốc con dao Thái Lan; xác định rõ vết thương vùng chẩm sưng nề, bầm tụ máu da đầu do ai gây nên vì bị cáo Tuấn khai chỉ đâm ba nhát; làm rõ cơ chế hình thành vết thương do người thuận tay trái hay tay phải gây ra…
Tháng 2-2015, tòa trả hồ sơ lần thứ ba yêu cầu điều tra bổ sung những nội dung: Làm rõ thời gian rời khỏi chòi của bị cáo vì căn cứ vào nhật ký điện thoại, lời khai các nhân chứng thì chênh lệch rất lớn. Ngoài ra xác định nội dung các cuộc gọi của bị cáo và nạn nhân; đối chất để xác định nguồn gốc con dao; xác định cơ chế vết đâm, vết máu trên mái tôn; giải thích tại sao không thu giữ, niêm phong điện thoại của nạn nhân. Đồng thời điều tra làm rõ hành vi cầm chai xăng lên chòi và các hành vi khác của một người tên P.; xác định rõ các vết rách của màn (mùng) ngủ nạn nhân có phù hợp với các vết đâm không; 10 dấu vân tay thu giữ tại hiện trường là của ai…
Tám tháng sau, VKS tỉnh gửi lại hồ sơ truy tố sang tòa. Mấy ngày sau, cơ quan này lại có công văn yêu cầu rút hồ sơ để điều tra thêm một số vấn đề. Vì thế tòa phải ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ tư.
Cứ trả hồ sơ chứ không tuyên vô tội!
Tại phiên tòa ngày 22-6, sau phần thẩm vấn công khai, HĐXX cho rằng có nhiều vấn đề tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa thể sáng tỏ nên không thể xử tiếp. Từ đó tòa trả hồ sơ lần thứ năm.
Trong quyết định trả hồ sơ lần này, tòa yêu cầu làm rõ sáu vấn đề lớn. Đây cũng là những vấn đề mà trong những lần trả hồ sơ trước tòa đã yêu cầu nhưng CQĐT và VKS không thể làm sáng tỏ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tòa không mạnh dạn tuyên vô tội mà lại tiếp tục trả hồ sơ khi CQĐT và VKS không đáp ứng yêu cầu điều tra bổ sung, tức không thể chứng minh bị cáo phạm tội? Bởi cũng những yêu cầu này nhưng các lần trả hồ sơ trước hai cơ quan này đã không thể điều tra bổ sung được, giờ tiếp tục yêu cầu thì có ích gì. Và chẳng lẽ cứ VKS chuyển hồ sơ qua, tòa trả về, trả tới trả lui không có điểm dừng trong tố tụng?
Sáu điểm tòa yêu cầu điều tra làm rõ Thứ nhất, yêu cầu làm rõ mâu thuẫn về số nhát đâm giữa lời khai của bị cáo và bản ảnh khám nghiệm tử thi. Biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định và bản ảnh thể hiện trên người bị hại có bốn vết đâm, trong khi đó lời khai của bị cáo và biên bản thực nghiệm điều tra thể hiện có ba nhát. Thứ hai, biên bản khám nghiệm tử thi ghi “thu giữ 10 dấu vân tay, giao cơ quan trưng cầu bảo quản”, trong khi ngày 22-6-2015 Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh có công văn xác định 10 dấu vân tay này là của bị hại Thái. Do đó, cần giám định 10 dấu vân tay thu giữ tại hiện trường là của bị cáo hay bị hại. Thứ ba, tiến hành xác minh tại cơ quan viễn thông về các cuộc điện thoại đi, đến và nội dung tin nhắn của bị cáo và bị hại, giữa bị cáo và bạn gái. Thứ tư, Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh kết luận người dùng tay trái có thể gây ra được thương tích trên người bị hại, chưa đáp ứng được yêu cầu làm rõ cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể người bị hại. Mặt khác, kết luận giám định ghi “Vết thương chẩm phải trên tử thi là do vật tày gây nên, có thể hình thành do nạn nhân vùng vẫy va chạm với những vật xung quanh”, đây là nhận định mang tính phỏng đoán, cần phải làm rõ. Thứ năm, tại CQĐT bị cáo khai đâm bị hại ba nhát từ ngoài màn (mùng) vào nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường thì ghi nhận màn có năm vết rách ở những vị trí khác nhau, trong khi bản ảnh hiện trường thì chỉ thấy có một vết rách. Do vậy cần làm rõ có bao nhiêu vết màn rách, vị trí rách có tương ứng và phù hợp với các vết thương trên cơ thể nạn nhân không? Thứ sáu, tại phiên tòa hai nhân chứng và bị cáo Tuấn đều khai trước khi xảy ra án mạng bị hại thường chửi nhau với một người đàn ông tên M., cần làm rõ các cuộc điện thoại và thời gian xảy ra vụ án anh này đi đâu, làm gì. |