Đây là ngành học được đánh giá là xu hướng trong tương lai với cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập “khủng”.
Á hậu 2 Trịnh Thị Hồng Đăng sinh ra ở Nga, học vấn "đỉnh"
Tối ngày 29/9, đêm Chung kết Miss Universe Vietnam 2023 đã diễn ra với sự tranh tài của 18 nhan sắc để tìm đại diện Việt Nam tham gia đấu trường Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới. Trịnh Thị Hồng Đăng được gọi tên vào Top 5+1, là thí sinh chiến thắng tại phần bình chọn của khán giả. Tiếp tục tới vòng ứng xử, cô trả lời trôi chảy bằng tiếng Anh và tiếng Việt, xuất sắc trở thành Á hậu 2 của cuộc thi.
Á hậu 2 Trịnh Thị Hồng Đăng sinh năm 1994, là gương mặt mới trong làng nhan sắc Việt. Được biết, Hồng Đăng sinh ra và lớn lên ở Nga, sinh sống và học tập tại Mỹ từ năm 17 tuổi. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích rủi ro tài chính và bất động sản, Đại học Pennsylvania. Hồng Đăng từng làm việc ở lĩnh vực bất động sản, ẩm thực và hiện là huấn luyện viên sức khỏe tinh thần.
Tân Á hậu 2 Miss Universe Vietnam 2023 tỏa sáng trong giây phút đăng quang
Nàng Á hậu SN 1994, cô trả lời trôi chảy bằng tiếng Anh và tiếng Việt
Thời sinh viên, cô thực hiện các chiến dịch hỗ trợ nạn nhân và ngăn chặn bạo lực tình dục, hoạt động bảo vệ môi trường. Người đẹp nhận được nhiều học bổng, giải thưởng vì những đóng góp tích cực tới cộng đồng. Hồng Đăng được đánh giá cao về học vấn, ngoại ngữ, kinh nghiệm hoạt động xã hội nổi bật và bản lĩnh, tư duy của người lãnh đạo trẻ.
Trước khi đến với Miss Universe Vietnam 2023, Hồng Đăng từng phải chống chọi và vượt qua ca phẫu thuật khối u trong ngực. Biến cố này khiến cô nhận ra đam mê đích thực, trở thành huấn luyện viên sức khỏe tinh thần suốt 3 năm qua.
Chuyên ngành Phân tích rủi ro tài chính "hot" thế nào?
Theo chia sẻ từ khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế Việt Nam, quản trị rủi ro là trở nên càng cấp thiết và được xem là một công cụ quan trọng trong quá trình quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển của tổ chức kinh tế. Không chỉ là các doanh nghiệp mà còn ở các định chế tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư, việc quản trị rủi ro, nhất là quản trị rủi ro tài chính đang dần được các doanh nghiệp, nhất các doanh nghiệp lớn và định chế tài chính quan tâm. Vai trò của quản trị rủi ro được nhận thức một cách rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp.
Nàng Á hậu Hồng Đăng từng theo học ngành Phân tích rủi ro tài chính và bất động sản, Đại học Pennsylvania
Sinh viên học ngành Phân tích rủi ro tài chính sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng Phân tích tài chính, nắm vững kỹ năng phân tích tài chính vi mô và vĩ mô, dự báo tài chính; Có khả năng đánh giá hiệu lực và hiệu quả chiến lược, kế hoạch tài chính đã xây dựng, triển khai trong doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị hành chính, sự nghiệp
Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng phân tích hiệu quả và giám sát các chính sách tài chính vĩ mô, vi mô; Có khả năng dự báo được tiềm năng, cơ hội, thách thức, nguy cơ đối với ngành tài chính, tài chính đơn vị, cung cấp thông tin thích hợp và tham mưu có hiệu quả cho các cấp quản lý kinh tế, tài chính ra quyết định kịp thời, hiệu quả.
Các bạn sẽ có khả năng vận dụng thành thạo lý luận vào thực tiễn quản lý tài chính; Có kỹ năng tự chủ, làm việc nhóm, quản lý và lãnh đạo, giao tiếp… để phục vụ cho cuộc sống và luôn tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp trọng bối cảnh môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội…liên tục thay đổi.
Theo chia sẻ của Học viện Tài Chính, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích Tài chính sau khi ra trường có cơ hội rộng mở. Cụ thể, các bạn có thể đảm nhiệm những công việc: Làm trợ lý/thư ký, tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước tại Sở, Ban, Ngành…
Tại các doanh nghiệp phi tài chính, sinh viên ra trường có thể làm việc tại Ban Tài chính - Kế toán, Ban Kiểm soát tại các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế; làm việc tại Phòng Tài chính- Kế toán, Ban kiểm soát, Phòng phân tích tài chính tại các Tập đoàn; công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ngoài ra, các bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp tài chính như các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Công ty tài chính; công ty kiểm toán; Tại các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, cơ quan nghiên cứu, Viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông, hiệp hội nghề nghiệp…
Ngành Phân tích rủi ro tài chính có mức lương bao nhiêu?
Điểm chuẩn ngành Phân tích tài chính hay Phân tích rủi ro tài chính khá cao tại các trường đại học. Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn là 36.5 điểm; Học viện Tài chính là 34.6 điểm; Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội là 34.25 điểm; Trường Đại học Hà Nội 33.7 điểm; Trường Đại học Tôn Đức Thắng là 32.5 điểm (xét theo thang điểm 40).
Xét theo thang điểm 30, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM lấy 24.0 điểm; Học viện Chính sách và Phát triển lấy 24.85 điểm; Trường Đại học Thăng Long lấy 24.49 điểm; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lấy 24.4 điểm; Trường Đại học Tài chính Marketing lấy 24.2 điểm…
Học sinh muốn theo ngành Phân tích rủi ro tài chính cần học tốt các khối như A00, A01, D01, D,07, D09, D10, D90, D96, C01, C04, C15… tính theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, ngành học này còn xét tuyển với các thí sinh có điểm cao về các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực và chứng chỉ ngoại ngữ.
Phân tích rủi ro tài chính là một ngành nghề đang dần được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam. Nếu như sở hữu các bằng cấp quốc tế, cùng với đó là chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm, bạn hoàn toàn có thể làm việc tại các môi trường quốc tế và nhận mức lương “khủng”. Theo thống kê của Payscale.com, mức lương trung bình của một Chuyên viên Phân tích tài chính tại Mỹ là 69,379 USD/năm (gần 1,7 tỷ đồng), mức cao nhất có thể lên tới 92.000 USD/năm (gần 2,2 tỷ đồng). Mức lương trung bình cho vị trí cấp Giám đốc là 114.392 USD/năm (gần 2,7 tỷ đồng), cao nhất đạt 164.000 USD (3,8 tỷ đồng)/năm.
Tại Việt Nam, mức lương của một Chuyên viên Phân tích tài chính mới ra trường khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, Trưởng phòng Tài chính khoảng 20 - 45 triệu đồng/tháng, Giám đốc Tài chính khoảng 25 - 110 triệu đồng/tháng.