Ở đó vẫn còn những ám ảnh với ký ức đau buồn, nhưng hơn tất cả người dân nơi đây đang cố gắng đứng dậy, làm lại từ đầu.
Ám ảnh vùng đất chết ở xóm Khanh
Ngày 12/10/2017, tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) một quả đồi đã đổ ụp xuống sau những trận mưa lớn dài ngày. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến 5 gia đình với 18 người ở dưới chân đồi bị chôn vùi hoàn toàn trong đống đất đá. Xóm Khanh ngày đó trắng vành khăn tang.
Còn đường vào xóm Khanh nhầy nhụa sau cơn mưa nặng hạt, trên con đường khoảng 1km biển báo cấm liên tục xuất hiện.
Bốn tháng kể từ ngày xóm Khanh làm đáng tang tập thể cho những người xấu số, chúng tôi quay lại nơi này vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Trên đoạn đường chỉ dài chưa đầy 1 km từ Quốc lộ 6 vào thác Khanh, thi thoảng lại bắt gặp một biển cảnh báo:" Khu vực sạt lở, cấm người qua lại, chăn thả gia súc",…cùng với đó là không khí ảm đạm bao trùm.
Hai người dân hiếm hoi chúng tôi gặp được ở chính nơi xảy ra vụ sạt lở đất.
Đến chân quả đồi nơi xảy ra sạt lở, may mắn chúng tôi gặp được 2 người dân vừa từ khu vực thác Khanh đi ra, họ nói: “Ở đây chẳng còn ai, phần vì ám ảnh, phần vì sợ nguy hiểm nên di dời hết đi nơi khác”.
Ngay đường vào quả đồi sạt lở là chiếc cáng cứu hộ và nơi thờ được lập vội.
Tiến sát hơn tới khu vực trung tâm của vụ sạt lở đất, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chiếc cáng cứu hộ và vài chiếc bánh, cùng bát hương ai đó lập nên để tưởng nhớ về những người con xóm Khanh đã mất.
“Dù thi thể đã được tìm thấy, nhưng nơi đây vẫn chôn vùi 1 phần xác thịt của họ, vì thế người dân lập nên ban thờ để thỉnh thoảng có người vào thắp hương”, một người đàn ông nói.
Hàng hoang tan ở thác Khanh hùng vĩ, nơi từng có những dự án du lịch tương lai.
Phóng tầm mắt nhìn toàn bộ quang cảnh nơi đây, đập vào trước mặt chúng tôi là ngọn núi bị bạt đi một nửa, ở đó nước vẫn đổ xuống nhưng dòng chảy không còn lớn như xưa.
Dưới thung lũng trước đây là cánh đồng lúa bạt ngàn của bà con xóm Khanh, nay chỉ còn bùn đất và những tảng đá lớn như ngôi nhà lăn lóc.
Ở nơi đó vẫn còn sót lại những đồng tiền đã bạc màu, xa xa là chiếc áo lẫn trong bùn đất.
Tiến sâu hơn về phía trong, chúng tôi cảm thấy rờn rợn khi thấy hình ảnh những đồng tiền lẻ còn vương lại đã bạc màu. Cùng với đó là những bộ quần áo trộn cùng màu của đất, nửa kín, nửa hở sau những phiến đá lớn.
"Sợi dây" sự sống lại được bắt nguồn từ dòng nước thác Khanh...
...những "sợi dây" đó vắt qua quả đồi còn lởm chởm đất đá sau vụ sạt lở.
Hơn 1 giờ đồng hồ nhìn lại "vùng đất chết", chúng tôi bắt đầu di chuyển sang bên kia sườn đồi để ra đường quốc lộ. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những đường ống nước của người dân vắt qua các tảng đá lớn để dẫn nước về sinh hoạt, hay ngay bên trên 5 ngôi nhà bị chôn vùi trước đó là một đàn dê đang nhỡn nhơ gặp cỏ…, chúng tôi chợt nghĩ: Phải chăng sự sống đang bắt đầu ở nơi đây?
Những đàn dê đang gặp cỏ non trên chính quả đồi bị sạt lở cách đây 4 tháng...
...đó là tín hiệu của sự sống hồi sinh.
Ngổn ngang những ngày cận Tết
Khoảng 25 hộ dân ở xóm Khanh đã di dời khỏi nơi “ông trời” từng trút cơn thịnh nộ, cướp sinh mạng của rất nhiều người. Giờ đây, mỗi người đi một hướng khác nhau, có người đang xây nhà mới, nhưng cũng có không ít người phải dựng những chòi, lán ở ven đường để sinh sống.
Những chiếc chòi tạm bợ ở ven đường vào xóm Khanh, người dân để lại, mỗi khi vào canh tác thì nghỉ chân.
Đối với 5 gia đình bị mất người thân và xóa xổ toàn bộ nhà cửa sau vụ sạt lở đất, người ở gần nhất cũng cách nhà cũ khoảng 2km, những người còn lại một số chuyển ra mặt đường quốc lộ, người chuyển hẳn sang địa phương khác.
Những chiếc chòi dựng ở ngang đường...
...và cả những chiếc lán của người dân xóm Khanh sống qua ngày suốt 4 tháng qua.
Chị Đinh Thị Ích (SN 1977) ngậm ngùi chia sẻ, từ ngày chồng mất trong đó, bản thân chị chưa một lần vào xóm Khanh vì nỗi ám ảnh trong tâm trí chị.
“Nhiều đêm tôi không thể ngủ được, tôi không dám nghĩ, không dám tưởng tượng thời khắc đó nhưng những ký ức kinh hoàng đó cứ ùa về", chị Ích nói.
Chị Ích chưa một lần trở lại nơi mình từng sinh sống vì ám ảnh.
Chia tay gia đình chị Ích, chúng tôi đi dọc theo ven Quốc lộ 6 về hướng Mai Châu (Hòa Bình), tại đây cứ cách vài trăm mét lại có một lán tạm dựng ở ven đường, hoặc một ngôi nhà đang xây dở phần thô, với gạch đá ngổn ngang trước mặt…Họ đều là những người dân xóm Khanh chuyển ra, đang xây dựng một nơi ở mới.
Anh Luân ở trong ngôi nhà mới cất còn đang dang dở.
Dừng chân ở gia đình anh Bùi Văn Luân (SN 1989) và chị Bùi Thị Chi (SN 1991) anh chị cho biết nỗi sợ hãi trong ngày định mệnh đó vẫn chưa nguôi ngoai.
“Đêm ngủ ở lán ngay giáp mặt đường, mỗi khi tiếng xe chạy qua là tôi lại chồm dậy vì nghi đó là tiếng nước đổ về. Có lẽ tôi sẽ bị ám ảnh suốt đời”, chị Chi kể với gương mặt thất thần.
Dưới những tảng đá lớn này là những ngôi nhà mà gia đình chị Chi và 4 gia đình khác từng sinh sống.
Được biết, chị Chi và 2 người con nhỏ là trường hợp may mắn thoát chết khi được người dân lôi ra từ trong đống đổ nát với nhày nhụa bùn đất và thóc gạo đổ lên người.
“Khi đó tôi chỉ biết ôm con vào lòng, xung quanh là bùn đất rồi mấy tải tóc cũng đổ ụp xuống người. Khi được lôi ra ngoài tôi còn chưa hiểu chuyện gì, sáng dậy nhìn lại không thấy nhà mình đâu nữa”, chị Chi nhớ lại thời khắc mình được cứu sống.
Gần Tết những ngôi nhà mới của người dân xóm Khanh vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Ngoài gia đình anh Luân, dọc theo Quốc lộ 6 còn gia đình anh Bổng, anh Dũng, anh Hòa…Tất cả họ giờ đang phải tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ bản ngôi nhà với hy vọng đưa bàn thờ vào nhà trước ngày 30 Tết.
“Dù chưa hoàn thiện, nhưng tôi sẽ đưa bàn thờ vào đặt trong nhà mới. Tôi không muốn sang năm mới mà tổ tiên, những người thân đã mất của tôi phải ở lều tạm hoặc bơ vơ trong rừng”, anh Hòa (SN 1988), có bố mất trong vụ sạt lở đất chia sẻ.
Gia đình anh Dũng đang cố gắng hoàn thiện phần thô trước Tết nguyên đán.
Khi hỏi về cái Tết sắp tới, những người dân xóm Khanh cho rằng, Tết vẫn phải có..., nhưng họ sẽ không thể nào vui được, khi thiếu đi những thành viên trong gia đình sau đêm lở đất kinh hoàng 12/10/2017.
Những người dân xóm Khanh đang chạy đua với thời gian để kịp đưa ban thờ tổ tiên vào nhà trước Tết.
Điều duy nhất những người dân xóm Khanh hướng tới bây giờ là hoàn thiện nơi ở mới, ổn định lại cuộc sống và làm lại từ đầu.
Dù đã mất tất cả, nhưng trong suy nghĩ của dân xóm Khanh: “Còn người là còn tất cả”. Hy vọng với tinh thần lạc quan như thế, họ sẽ vượt qua được nỗi đau để vươn lên xây dựng cuộc sống mới.