Mới đây tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), sau khi tiến hành một chương trình nghiên cứu, xét nghiệm máu của 490 người dân thì phát hiện ra trong đó có 42 người nhiễm HIV, nhiều người đã chuyển qua giai đoạn AIDS.
Trong khi nguyên nhân chưa được cơ quan chức năng điều tra, nhiều tin đồn đã đổ dồn nghi ngờ về y sĩ Hà Trần T. (34 tuổi, thôn Chiềng 3, xã Kim Thượng), người thường xuyên tiêm cho bà con trong vùng...
"Bỗng nhiên" nhiễm HIV
Chúng tôi có mặt tại Kim Thượng khi người dân đang trong tình trạng hoang mang vì tin đồn y sĩ Hà Trần T. dùng chung kim tiêm, khiến hàng chục người lây nhiễm HIV. Nhiều người đã phải đến trạm y tế xã thử máu, chưa yên tâm lại lên bệnh viện huyện và khi có tin Bộ Y tế về thử máu lại tiếp tục đợi chờ để xét nghiệm lần 3.
Chị H. vợ y sĩ T. bức xúc nói về vụ việc.
Tuy nhiên, khi hỏi những người từng đến nhà y sĩ T. tiêm rằng, có nhìn thấy ông này không thay kim tiêm hay không thì câu trả lời đều là "không" hoặc "không để ý". Thế nhưng những người bị nhiễm HIV vẫn khẳng định rằng, tiêm tại nhà y sĩ T. là nguồn bệnh duy nhất mà họ tiếp xúc.
Theo bà Trần Thị H. (64 tuổi), một trong những người nhận kết quả xét nghiệm máu sớm nhất cho biết, bà đã vào nhà y sĩ T. điều trị bệnh hai lần, một lần vào tháng 11-2017 và mới đây nhất là tháng 3-2018, mỗi lần tiêm 4 mũi. Sau khi tham gia chương trình xét nghiệm máu ở huyện, khi có kết quả bị nhiễm HIV, bà H. đã được bệnh viện phát thuốc uống điều trị.
"Cháu tôi cũng từng tiêm ở đó nhưng kết quả âm tính. Tôi không để ý anh T. có thay kim tiêm hay không nhưng tôi nghĩ mình lây từ kim tiêm, cũng chỉ có duy nhất nguồn bệnh đó thôi. Bởi tôi chẳng đi khám bệnh hay tiêm truyền ở chỗ khác, từ trước đến giờ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không đi đâu mà nhiễm bệnh. Sắp tới chồng tôi cũng đi xét nghiệm để xem có bị nhiễm hay không", bà H. cho biết thêm.
Một trường hợp khác là anh Sa Văn Đ. (35 tuổi), sau một đợt tiêm chữa bệnh đại tràng, thấy mình có biểu hiện hay ngứa đầu, đau bụng, ho nhiều và trong đợt xét nghiệm máu, anh Đ. được thông báo mình đã nhiễm HIV.
Bố anh Đ. cũng là người từng đến tiêm nhiều lần ở nhà y sĩ T. nhưng lại không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông này cho rằng, việc tiêm truyền tại nhà y sĩ T. là nguồn bệnh duy nhất tại thời điểm này. "Y sĩ T. là người rất tốt, có thể trong lúc mệt mỏi vì đông bệnh nhân quá nên anh ấy đã quên không vứt kim tiêm cũ đi mà tái sử dụng", bố anh Đ. phỏng đoán.
Có sự việc dùng chung kim tiêm?
Trò chuyện với một số người dân tại xã Kim Thượng, hầu hết mọi người đều cho rằng, y sĩ T là người tốt, khám chữa bệnh rất nhiệt tình. Bà Tô Thị Bình (69 tuổi, trú tại thôn Chiềng 3) cho biết, sau khi nghe tin đồn, bà cũng rất lo lắng về việc mình có bị nhiễm HIV hay không.
Tuy nhiên, bà Bình không quy kết cho y sĩ T là nguồn cơn của sự việc, bà cho biết: "Tôi rất bức xúc khi người ta cho rằng anh T là nguyên nhân của việc nhiều người bị nhiễm HIV. Tôi từng đến nhà anh T tiêm nhiều lần, từ ngày anh ấy mới bắt đầu tiêm, truyền cho người dân trong vùng.
Người dân đang chờ được xét nghiệm máu.
Có những lần tới tiêm, tôi thấy anh T lấy xi lanh, bóc giấy bọc ra rồi mới dùng. Dùng xong, anh T vứt vào thùng rác ở ngay bên cạnh chứ không dùng lại. Hơn nữa, anh ấy rất nhiệt tình với mọi người, có nhiều người còn nhờ tiêm không mất tiền thì sao lại tiết kiệm cái kim tiêm".
Chị Nguyễn Minh Hòa (43 tuổi, ở thôn Chiềng 2) cho biết, nhà chị có 4 đứa con, tất cả đều nhờ y sĩ T thăm khám, tiêm thuốc. Bản thân vợ chồng chị Hòa cũng nhiều lần được anh T tiêm cho.
"Có những lần tôi phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau trong cùng một lần tiêm, tôi vẫn thấy anh T dùng các xi lanh khác nhau, không có chuyện dùng chung lẫn lộn. Khi họ đồn y sĩ T tiết kiệm kim tiêm nên lây nhiễm HIV cho nhiều người, chúng tôi cũng rất lo nhưng vẫn tin tưởng anh ấy. Có nhiều lần con tôi sốt trong đêm, gọi điện thoại là anh ấy có mặt ngay, chẳng nề hà gì. Nhà tôi nhiều người tiêm ở đó nhưng vừa rồi kết quả xét nghiệm ở huyện gửi về, không ai bị nhiễm HIV", chị Hòa cho biết.
Phóng viên cũng đã có mặt tại nhà chị Hà Thị Phương (SN 1978, trú tại xã Kim Thượng), người thường thu mua phế phẩm y tế tại nhà y sĩ Hà Trần T., chị này cho biết: "Trước đây, tôi và ba người nữa thường đến nhà ông T. để mua phế phẩm y tế. Mỗi tuần một lần, chúng tôi lại sang thu gom các loại bịch truyền, xi lanh tiêm, mỗi loại khoảng 5kg".
Chị Tuyết người thu mua phế phẩm y tế từ nhà y sĩ T.
Khi nghe tin đồn nhiều người bị lây nhiễm HIV do y sĩ T. không thay kim tiêm, chị Phương bảo điều ấy không chính xác. Chị cho rằng, nếu không thay kim tiêm thì làm sao cứ vài ngày, chị và những người khác có thể thu mua được nhiều phế phẩm y tế như vậy.
Một người thu mua phế phẩm y tế khác tại đây là chị Hà Thị Tuyết (SN 1979, trú xã Kim Thượng) nhìn nhận: "Từ khoảng 2 năm trước, tôi bắt đầu sang nhà y sĩ T. để mua phế phẩm y tế. Mỗi lần cách nhau khoảng 2 tháng, tôi mua được một bao tải gồm xi lanh tiêm và bịch dịch truyền. Các xi lanh và bịch dịch truyền này đều có kim tiêm găm luôn ở đấy, tôi phải cùng với mẹ anh T. ngồi gỡ ra để vứt vào một túi riêng. Anh Thảo nói với tôi nó là phế phẩm độc hại, anh ấy sẽ xử lý riêng. Khoảng 3 tháng nay, anh ấy không tiêm truyền nữa nên tôi không mua được".
Chồng chị Tuyết cũng là người thường xuyên thu mua phế phẩm ở nhà y sĩ Thảo. 4 tháng trước chồng chị Tuyết không khỏe nên có đến nhờ anh Thảo tiêm 4 mũi. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe vợ chồng chị vẫn ổn định, không xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Bức xúc vì tin đồn
Sau khi có cuộc khảo sát ý kiến của nhiều người dân, phóng viên cũng có mặt tại nhà y sĩ Hà Trần T., gặp người nhà của anh để ghi nhận quan điểm của họ về vụ việc. Theo chị H., vợ của anh T cho biết: "Vụ việc xôn xao xóm làng gần một tháng trở lại đây. Khi biết bị mọi người nghi ngờ mình là nguyên nhân gây lây nhiễm, anh T rất sốc nhưng vẫn phải đi làm bình thường.
Ngoài tin đồn anh T. không thay kim tiêm, nhiều người còn ác ý cho rằng chồng tôi đã bị nhiễm HIV nên cố ý lây bệnh cho mọi người. Sau khi biết được tin đồn đó, cả nhà tôi đã đi xét nghiệm máu để chứng minh và kết quả đều âm tính.
Anh T cũng bận công việc ở bệnh viện, thời gian ở nhà ai đến nhờ tiêm, truyền thì anh ấy giúp. Ở nhà có thuốc gì thì anh ấy bán cho họ; ai mang thuốc từ bệnh viện đến nhờ tiêm thì anh không lấy tiền. Như vậy thì làm gì mà phải tiết kiệm từng chiếc kim tiêm, giá kim tiêm cũng chưa đến 1.000 đồng/chiếc thì đáng bao nhiêu đâu mà họ đồn đoán như thế".
Chị H. bức xúc cho rằng, hiện tại mọi việc mới chỉ là tin đồn, cơ quan chức năng vẫn chưa điều tra ra nguyên nhân vụ việc nhưng nhiều người đã vào nhà quay phim, chụp ảnh, không hỏi ý kiến của gia đình. Một số người còn vào nhà ăn nói bất lịch sự vì cho rằng y sĩ T. là nguyên nhân gây ra vụ việc này đúng như tin đồn.
Chị H. cho biết sẽ kiện những người đã xâm phạm đời tư của gia đình sau khi pháp luật vào cuộc điều tra. Cũng vì sự soi mói đó, cả gia đình chị H. không ai muốn ra đường. Gần một tháng nay chị H. bị sụt 5kg vì lo lắng, suy nghĩ.
Gia đình y sĩ T. cũng cho biết, anh T. học xong cấp III thì ở quê làm kinh tế, sau đó đi học điều dưỡng ở Việt Trì (Phú Thọ). Ra trường anh T. làm hợp đồng ở trạm xá 2 năm rồi thi đỗ vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn. Trong quá trình làm việc, anh được cơ quan cử đi học nhiều đợt để nâng cao tay nghề.
Bà H với lọ thuốc ARV mới được phát miễn phí.
Hiện tại, nguyên nhân vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra. Trước mắt, Bộ Y tế cũng có nhiều động thái để trấn an tinh thần bà con, một đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người nhiễm HIV, được phát hiện qua đợt xét nghiệm máu vừa qua.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng khẳng định, tình hình nhiễm HIV tại xã Kim Thượng đã diễn ra từ lâu, nay qua triển khai xét nghiệm HIV rộng rãi mới phát hiện được 42 trường hợp.
Trong số 42 trường hợp mắc đã có bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại xã Kim Thượng được phát hiện năm 2012. Từ năm 2015 đến nay đã có 5 người tử vong do AIDS. Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối, phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan có liên quan của tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai nghiên cứu khoa học, khách quan để tìm hiểu nguyên nhân. Với những trường hợp đã mắc, ngành Y tế Phú Thọ sẽ tập trung tư vấn, giải thích, hỗ trợ để điều trị ngay bằng thuốc ARV miễn phí.
Hiện tại toàn quốc có 60 xã trên 50 người nhiễm HIV. Nơi có số mắc HIV cao nhất cả nước là một phường ở quận 8 TP Hồ Chí Minh với 701 người mắc HIV, trong đó có 125 người chết. Xã cao nhất là xã ở huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 142 người nhiễm HIV. Tại huyện Tân Sơn, 3 xã có số mắc tương đồng nhau về số người mắc HIV. Cụ thể, xã Minh Đài 46 người nhiễm, xã Mỹ Thuận 31 người nhiễm, xã Kim Thượng có 42 người nhiễm, xã Thu Cúc 24 người nhiễm, xã Xuân Đài 21 người nhiễm… Như vậy xã Kim Thượng nằm ở nhóm cao nhưng chưa phải cao nhất. Tân Sơn là huyện có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trên 13 huyện của tỉnh Phú Thọ. |