Câu chuyện người đàn ông có 2 gương mặt trên một cái đầu đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông thời bấy giờ.
Người đàn ông có 2 gương mặt
Ngày 8/12/1895, tờ báo Boston Sunday Post đã cho xuất bản một bài báo có tựa đề "Những điều kỳ diệu của khoa học hiện đại", giới thiệu cho độc giả những báo cáo của "Hội khoa học Hoàng gia". Đó là tài liệu về những nhân vật kỳ dị mà các nhà khoa học Anh ghi nhận, ví dụ như nàng tiên cá, cua lai người và không thể không nhắc đến Edward Mordrake - người đàn ông nổi tiếng với khuôn mặt thứ 2 đằng sau gáy.
Theo đó, Edward Mordrake là một quý tộc điển trai, sinh ra trong một gia đình giàu có tại Anh. Không những vậy, anh còn thông minh và là một nhạc sĩ tài giỏi hiếm có. Tất cả mọi thứ về Edward đều gần như hoàn hảo nhưng anh chàng lại dính phải một lời nguyền. Edward sinh ra với một gương mặt khác ở phía sau đầu, có mắt mũi miệng và mọi thứ như một gương mặt hoàn chỉnh.
Câu chuyện về Edward xuất hiện vào cuối thế kỷ 19.
Gương mặt phía sau gáy của Edward được miêu tả là một người phụ nữ, "đáng yêu như một giấc mơ nhưng cũng gớm ghiếc như một con quỷ". Nó sở hữu trí thông minh nhưng lại độc ác, luôn tiêm nhiễm vào đầu Edward những suy nghĩ lệch lạc. Gương mặt này cũng luôn có biểu cảm trái ngược với Edward, mỗi khi anh khóc thì nó lại cười nhạo.
Edward liên tục bị quấy rầy mỗi đêm bởi khuôn mặt sau gáy của mình. Có những hôm anh thức trắng đêm vì bị gương mặt kia thì thầm những lời ác độc. Sau một thời gian, Edward đã phát điên và tự kết liễu mình bằng thuốc độc ở tuổi 23. Trước lúc chết, chàng trai để lại bức thư tuyệt mệnh, cầu xin mọi người hãy hủy bỏ gương mặt sau gáy vì sợ rằng nó sẽ tiếp tục thì thầm với anh dưới nầm mồ.
Người đàn ông với gương mặt thứ 2 sau gáy.
Năm 1896, hai bác sĩ người Mỹ George M. Gould và Walter L. Pyle đã đưa câu chuyện của Edward Mordrake vào cuốn sách của họ mang tên "Anomalies and Curiosities of Medicine" - một bộ sưu tập những trường hợp y khoa kỳ dị. George M. Gould và Walter L. Pyle là 2 bác sĩ nhãn khoa vô cùng thành công với nhiều thành tựu ấn tượng, tuy nhiên dường như họ đã quá cả tin, nhất là trong câu chuyện về "người đàn ông 2 mặt" Edward Mordrake, vì sau này nó đã được chứng minh hoàn toàn là giả.
Sự thật được khám phá
Theo bài đăng của tác giả Alex Boese trên blog Museum of Hoaxes năm 2015, người viết câu chuyện của Edward trên tờ Boston Sunday Post là Charles Lotin Hildreth, một nhà thơ và nhà văn khoa học viễn tưởng. Những câu chuyện của ông Charles thường về thế giới tưởng tượng và những điều kỳ lạ khác. Đó là manh mối đầu tiên chỉ ra câu chuyện về Edward là hư cấu.
Thêm vào đó, bài báo của Charles trích dẫn từ "Hội khoa học Hoàng gia" nhưng vào thế kỷ 19, không có bất cứ hội nhóm nào có tên như vậy, chỉ có Hội Khoa học Hoàng gia London được thành lập từ nhiều thế kỷ trước đó nhưng hoàn toàn không liên quan tới câu chuyện về Edward.
Cuốn sách của 2 bác sĩ George M. Gould và Walter L. Pyle.
Tiếp đến, những trường hợp y khoa kỳ lạ được đề cập trong bài báo của Charles đều chưa từng xuất hiện trong bất cứ tài liệu khoa học nào. Dù có lục kỹ toàn bộ danh sách của Hội Khoa học Hoàng gia London, bạn cũng không bao giờ tìm được những tài liệu liên quan đến "người đàn ông 2 mặt" Edward Mordrake, người đàn ông 6 chân Norfolk Spider hay nàng tiên cá Lincoln.
Với tất cả những lý do đó, có thể khẳng định một điều câu chuyện về "người đàn ông 2 mặt" Edward Mordrake hoàn toàn không có thật. Tất cả chỉ là do trí tưởng tượng của nhà văn Charles. Thực chất vào cuối thứ kỷ 19, tiêu chuẩn biên tập báo chí khác hoàn toàn so với hiện tại. Họ sử dụng cả nguồn thông tin chính thống và thông tin giải trí, và tin giải trí thường sẽ được thêm thắt nhiều chi tiết phi thực tế để hấp dẫn độc giả hơn.
Câu chuyện về Edward được chứng minh là giả.
Những câu chuyện của nhà văn Charles trên tờ báo Boston Sunday Post không hẳn là sai trái hay vô trách nhiệm nhưng nó lại quá thuyết phục, đủ để đánh lừa nhiều bác sĩ và trí tưởng tượng của công chúng trong cả thế kỷ sau đó. Đáng tiếc là chỉ vài tháng sau khi bài báo được xuất bản, ông Charles đã qua đời nên không có cơ hội chứng kiến cả nước Mỹ bị "mắc bẫy" bởi trí tưởng tượng phong phú của mình.
Sau này, câu chuyện về "người đàn ông 2 mặt" Edward Mordrake được biết đến nhiều hơn thông qua bộ phim truyền hình "American Horror Story". Tập phim đã tái diễn lại cuộc đời của Edward nhưng đáng tiếc là cái kết đau lòng hơn nhiều. Trong phim, Edward đã bị giết hại thay vì tự tử. Người ta tin rằng các nhà biên kịch của bộ phim đã lấy cảm hứng từ câu chuyện của nhà văn Charles.
Có hay không người có 2 gương mặt?
Ngày nay, con người đủ thông minh để biết rằng câu chuyện "người đàn ông 2 mặt" là không có thật. Nhưng vào năm 2008, một bức ảnh được cho là hộp sọ của Edward đã lan truyền trên mạng xã hội và nhận được sự chú ý lớn.
Hộp sọ 2 mặt được dựng lại thông qua trí tưởng tượng về Edward.
Thực chất, đây chỉ là một tác phẩm làm từ chất liệu papier-maché, một vật liệu tổng hợp bao gồm các mảnh giấy hoặc bột giấy, được gia cố bằng vải dệt, kết dính với nhau bằng keo hoặc giấy dán tường. Các nghệ sĩ tạo ra hộp sọ này với mục đích hoàn toàn là giải trí, để người xem tưởng tượng về hình dạng của Edward Mordrake.
Bé gái 2 mặt được sinh ra tại Ấn Độ năm 2008.
Mặc dù câu chuyện trên đã được chứng minh là giả nhưng trong đó vẫn chứa một chút chất liệu sự thật. Trong y học, trường hợp của Edward có thể xảy ra. Đó gọi là Diprosopus - hiện tượng trùng sọ, một trong những hình thức của "song sinh cùng trứng dính liền". Dị tật này vô cùng hiếm gặp và thường người bệnh không thể sống lâu. Năm 2008, một bé gái tên Lali Singh sinh ra tại Ấn Độ với 2 gương mặt trên một đầu, đáng tiếc là đã qua đời chỉ sau vài tháng. Tin rằng cô bé là hiện thân của nữ thần Hindu Durga, người dân đã xây dựng một đền thờ để tôn vinh.