Tăng lương từ ngày 1/1/2015 cho 6,3 triệu người

Ngày 10/11/2014 20:32 PM (GMT+7)

Từ 1/1/2015, khoảng 6,3 triệu người thuộc nhiều đối tượng như công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được điều chỉnh tăng lương.

 

Chiều 10/11, Quốc hội thông qua Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo Nghị quyết, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2015.

Tăng lương từ ngày 1/1/2015 cho 6,3 triệu người - 1

Từ ngày 1/1/2015, 6,3 triệu người sẽ được tăng lương

Báo cáo nêu rõ, việc điều chỉnh này giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo là gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.

Quốc hội cũng đồng ý tiếp tục thu vào ngân sách Nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn Nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao, Quốc hội không cho phép ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công, giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Tổ chức Đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách Nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách.

Tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65% GDP). Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay. Từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.

Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 911.100 tỷ đồng. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 921.100 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Theo Dương Tùng (Khám phá)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tăng lương