Tết 2021 nhiều khác biệt: Thói quen mua sắm Tết của người dân khác trước như thế nào?

HÀ ANH - Ngày 06/02/2021 14:41 PM (GMT+7)

Thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021, người dân có xu hướng “co tiền” lại, thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, vì một cái Tết tiết kiệm, vui tươi.

Sau 1 năm đầy gánh nặng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam đều chịu tổn thất không hề nhỏ. Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, công ty phải đóng cửa, người lao động mất việc làm. Những ngày cuối năm, thêm 1 đợt dịch bùng lên, và những biến động khôn lường này làm ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết đến xuân về.

Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe

Mọi năm, Tết nguyên đán là thời điểm người dân “mạnh tay” mua sắm với tâm lý có một cái Tết ấm cúng, no đủ bên người thân, họ hàng. Người dân dành nhiều ngân sách cho việc trang trí, trang hoàng nhà cửa, thẩm mĩ, chơi Tết, thời trang cho các thành viên, đồ ăn, ẩm thực… Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và khó đoán định như hiện nay, “không ai bảo ai”, tất cả đều có chung suy nghĩ thắt chặt chi tiêu, sắm Tết vừa đủ, ưu tiên những mặt hàng thiết yếu.

Tết 2021 nhiều khác biệt: Thói quen mua sắm Tết của người dân khác trước như thế nào? - 1

Người dân thắt chặt chi tiêu sau 1 năm nhiều biến động vì dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Chị Lê Lan (Hà Nam, chia sẻ): “Năm nay vì dịch bệnh nên thu nhập của vợ chồng mình giảm đi rất nhiều. Thậm chí có tới vài tháng nghỉ không lương, do đó Tết này hai vợ chồng phải tính toán, chi tiêu hợp lý, đủ dùng, không thoải mái như các năm trước. Hơn nữa dịch bệnh ở Việt Nam mặc dù có điểm kiểm soát tốt nhưng cũng vẫn có rất nhiều những nguy cơ. Vì thế hai vợ chồng chủ trương tiết kiệm, phòng thân, đề phòng năm tới có thể có những biến động do dịch bệnh”.

Đây là tinh thần chung của rất nhiều hộ gia đình, nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, với tâm lý vui Tết, người dân vẫn nô nức, rộn ràng đi sắm sửa với danh sách những món đồ cần mua được lập sẵn, ưu tiên đồ thiết yếu, cắt giảm bớt những thứ không cần thiết. Trong đó, các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của con người cũng được ưu tiên lựa chọn.

Chia sẻ của các chủ cửa hàng bánh kẹo, nhu yếu phẩm Tết, nếu như mọi năm các giỏ quà đắt tiền từ 2 – 4 triệu đồng được nhiều người lựa chọn thì năm nay sức mua giảm hẳn. Đa phần với những người phải đi biếu quà cáp đều “hạ bớt ngân sách” xuống, lựa chọn các giỏ quà giá tiền tầm trung từ khoảng 400.000 – 1 triệu đồng. Phân khúc khách hàng chọn giỏ quà “sang – xịn” giảm đi trông thấy. Vì thế các cửa hàng cũng phải điều chỉnh lại nguồn hàng cho phù hợp với nhu cầu của khách.

Sắm Tết sớm, gom mua chung số lượng lớn để tiết kiệm chi phí

Nếu như mọi năm, thời điểm cận kề Tết khi được nhận lương, nhận thưởng xong mới là lúc người dân nô nức sắm sửa thì năm nay, hoạt động sắm Tết diễn ra sớm hơn, trước đó cả tháng trời. Các bà nội trợ cho biết, việc mua sắm diễn ra sớm sẽ giúp họ tiết kiệm được kha khá ngân sách. Hơn nữa vì tiền thưởng Tết của năm nay cũng bị sụt giảm nhiều nên đa phần họ sắm dần trước để mua được mức giá hời.

Tết 2021 nhiều khác biệt: Thói quen mua sắm Tết của người dân khác trước như thế nào? - 2

Năm nay, hoạt động sắm Tết diễn ra sớm hơn, trước đó cả tháng trời. Các bà nội trợ cho biết việc mua sắm diễn ra sớm sẽ giúp họ tiết kiệm được kha khá ngân sách  (Ảnh minh họa)

Những mặt hàng có thể bảo quản lâu như miến, măng, mộc nhĩ… những nhu yếu phẩm mà chắc chắn Tết nào các gia đình cũng cần đến được các bà nội trợ đặt mua từ sớm: “Càng gần Tết giá thực phẩm càng tăng cao nên mình ưu tiên mua sớm một số loại. Như vậy sẽ mua được giá mềm hơn, thoải mái lựa đồ ngon, hơn nữa cũng không dồn quá nhiều chi tiêu vào cận Tết”, chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngoài ra, hội chị em thường có “chiêu” gom nhau mua chung với số lượng lớn để có giá tốt nhất. Những mặt hàng có thể rủ nhau mua chung như bánh kẹo, các loại hạt, đồ ăn… khi mua nhiều sẽ bớt được tiền vận chuyển và giá rẻ như giá bán buôn.

Người dân thích các đặc sản vùng miền

Bên cạnh các loại bánh kẹo sẵn có, hiện đại, người dân vẫn rất thích những loại đặc sản dân dã, truyền thống của người Việt. Những loại ẩm thực như lạp xưởng, nem chua, giò thủ, măng khô, chả ram tôm đất, bánh tét, thịt trâu gác bếp, giò me...  được các bà nội trợ đặt sớm để ăn Tết.

Tết 2021 nhiều khác biệt: Thói quen mua sắm Tết của người dân khác trước như thế nào? - 3

Các loại đặc sản vùng miền vẫn được ưa chuộng trong dịp Tết năm nay

Tăng cường mua sắm trực tuyến

Với thói quen được hình thành trong quãng thời gian phòng chống dịch bệnh, người dân cũng vẫn duy trì việc sắm Tết… qua mạng. Hiện tại có rất nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức này nên việc mua sắm những thứ đồ Tết online lại càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, đa dạng sự lựa chọn.

Tết 2021 nhiều khác biệt: Thói quen mua sắm Tết của người dân khác trước như thế nào? - 4

Các chị em lựa chọn mua sắm online nhiều trong dịp Tết năm nay (Ảnh minh họa)

Thời điểm cuối năm bận rộn, hình thức mua hàng online chuẩn bị cho Tết được nhiều chị em tìm đến, nhất là những người làm khối văn phòng.

Chị Thu Huyền (Hà Nội) cho biết: “Cuối năm công việc của mình rất bận, lại phải làm tới tận hết 28 Tết mới được nghỉ, khi đó còn phải dọn dẹp nhà cửa. Do đó mình ưu tiên mua hàng qua mạng. Được cái bây giờ tất cả các mặt hàng từ đồ ăn, đồ trang trí tới may mặc quần áo đều được bán online nên thoải mái lựa chọn, không phải bon chen ngoài đường mà vẫn có đầy đủ đồ cho một cái Tết ấm áp”.

Màn đập heo ăn Tết khủng nhất năm: Tiền polymer la liệt khắp nhà, CĐM choáng ngợp
Màn đập heo ăn Tết của hotgirl Sài thành hiện đang thu hút sự chú ý của dân mạng, nhìn "suối tiền" la liệt khắp nhà ai cũng choáng váng. 
HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (21/11), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh gần 1 triệu đồng/lượng lên sát mốc 86 triệu đồng/lượng.

Tin bài cùng chủ đề Tết âm lịch năm 2021