Tết Đoan Dương là một trong những ngày Tết truyền thống của văn hóa người Việt Nam từ bao đời. Tết Đoan Ngọ 2022 rơi vào ngày nào, thứ mấy dương lịch? chuẩn bị văn khấn, mâm cúng thế nào cho đúng phong tục ngày mùng 5 tháng 5? cùng tìm hiểu nhé.
Tết Đoan Ngọ là gì?
Theo Wikipedia, Tết Đoan Ngọ hay còn được biết đến là Tết Đoan dương, Tết diệt sâu bọ. Đây là ngày Tết truyền thống của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, trong đó có cả Việt Nam diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm.
Tết Đoan Ngọ là ngày tết quan trọng trong văn hóa người Việt
Cái tên Đoan Ngọ được lý giải là tết ăn vào buổi trưa. Vì “Đoan” mang ý nghĩa là mở đầu còn “Ngọ” là giờ trưa. Vào ngày này, hỏa khí của cả con người và trời đất đều tăng lên vượt bậc.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ
Có rất nhiều tài liệu nói về nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ. Đây là ngày Tết đã có từ rất lâu đời của người phương Đông.
Nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ
Nói về nguồn gốc của ngày này thì mỗi một quốc gia lại có một tích riêng. Đơn cử như người Trung Quốc ngày Tết này gắn liền với truyền thuyết liên quan tới Khuất Nguyên - đại thần của nước Sở. Tương truyền, vì buồn cho đất nước suy vong, không thể ngăn Hoài Vương nên Khuất Nguyên thất chí, gieo mình xuống sông Mịch La. Người dân vì để tưởng nhớ ông nên chọn ngày mùng 5 tháng 5.
Người Việt Nam thì gọi đây là Tết diệt sâu bọ. Một số tài liệu còn ghi lại, năm đó, người dân còn chưa kịp ăn mừng vì mùa màng bội thu thì sâu bọ bỗng dưng kéo đến dày đặc. Mọi người đang khổ sở không biết làm thế nào để diệt nạn này thì ông lão tên Đôi Truân xuất hiện.
Người này chỉ cho dân làng cách đuổi sâu bọ đi bằng cách lập đàn cúng gồm bánh tro, trái cây rồi ra trước nhà vận động. Sau khi làm theo cách này, kỳ lạ là sâu bọ bỗng dưng chết như ngả rạ.
Xong việc, ông lão dặn dò hàng năm vào đúng ngày này cứ làm lễ như thế thì mùa màng khắc sẽ an yên rồi rời đi. Để tưởng nhớ công lao của ông, người ta đã đặt tên cho ngày này là Tết diệt sâu bọ.
Ngoài ra, theo Wikipedia, mùng 5 tháng 5 còn được coi là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thì đây cũng là ngày Vía Bà, người dân ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ thì chọn mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày nước quay.
Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ
Tại Việt Nam ngày Tết Đoan Ngọ là ngày con cháu sum họp để thờ cúng tổ tiên, dù đi làm ăn xa đến đâu thì cũng cố gắng để về đoàn tụ.
Đây cũng là dịp để các gia đình biện mâm lễ nhỏ, trước là để cảm tạ tổ tiên, thần linh đã phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu, sau là mong cầu cho năm sau mưa thuận gió hòa.
Cuối cùng là cả nhà thụ lộc để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật giúp cơ thể khỏe mạnh, hết ốm đau.
Tết Đoan Ngọ 2022 là ngày nào, thứ mấy?
Hàng năm, người ta tiến hành dâng lễ cúng Tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Theo lịch vạn niên, Tết Đoan Ngọ 2022 sẽ rơi vào thứ Sáu ngày 3 tháng 6 dương lịch.
Cúng Tết Đoan Ngọ trước có được không?
Theo dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ tốt nhất là nên cúng vào giờ Ngọ (từ 11 giờ - 13 giờ) ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Việc cúng trước 1 hoặc 2 ngày không được khuyến khích.
Chuyên gia phong thủy cho biết, sở dĩ cúng vào giờ Ngọ bởi vì đây là lúc dương khí trong trời đất được đẩy lên cao nhất. Trong trường hợp quá bận rộn, bạn có thể làm lễ cúng vào giờ Thìn (7 - 9 giờ sáng).
Gợi ý mâm lễ cúng mùng 5 tháng 5 đúng phong tục
Tùy vào phong tục của mỗi dân tộc và vùng miền mà mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có những sự khác biệt. Tuy nhiên, về điểm chung sẽ gồm có các món chính như:
- Hương, hoa
- Trái cây
- Vàng mã
- Bánh tro (bánh gio, bánh ú)
Ngoài ra, mâm cúng ở các vùng miền sẽ có sự thay đổi, thêm hoặc bớt một số món:
- Mâm cỗ cúng của người miền Bắc có thêm: Chè đậu xanh.
Thịt vịt là lễ vật dâng cúng mùng 5 tháng 5 không thể thiếu của người miền Trung
- Người miền Trung trên mâm cỗ luôn có thịt vịt và chè hạt kê hoặc hạt sen.
- Người miền Nam lại chọn chè trôi nước, bánh ú tro có nhân mặn hoặc ngọt, xôi gấc.
Nhìn chung, dù là người vùng miền, địa phương nào thì cũng cần chuẩn bị mâm lễ tươm tất dâng lên ông bà, tổ tiên để thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính.
>> Xem thêm: Cách làm bánh tro (bánh ú) truyền thống chấm mật mía ngày Tết Đoan Ngọ
Văn khấn cúng Tết Đoan Ngọ
Khi cúng khấn ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, bạn có thể sử dụng bài văn khấn mẫu theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam hoặc khấn nôm. Để giúp bạn có được bài văn khấn đúng phong tục, Eva xin chia sẻ ngay 2 mẫu bài văn khấn trong nhà ngoài sân đầy đủ, chi tiết nhất.
Văn khấn Tết Đoan Ngọ trong nhà
Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)
Con xin kính lạy chín phương trời, kính lạy mười phương chư Phật, kính lạy chư Phật mười phương.
Con lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh.
Tín chủ chúng con là: … Ngụ tại: …
Hôm nay ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch, tín chủ chúng con sửa sang hương đăng, sắm chút lễ vật dâng lên trước án.
Kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Tín chủ chúng con có chút lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cầu xin được các ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)
Mẫu văn khấn mùng 5 tháng 5 ngoài sân
Rất ít người biết, ngoài làm lễ cúng trong nhà thì mâm cúng Tết Đoan Ngọ ngoài sân cũng quan trọng không kém.
Dưới đây là mẫu văn khấn Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 ngoài sân chuẩn phong tục.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Con lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh.
Tín chủ chúng con là:... Ngụ tại:...
Hôm nay là ngày mồng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ, tín chủ chúng con sửa sang hương đăng, sắm chút lễ vật dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Ngày Tết Đoan Ngọ kiêng gì?
Giống như ngày Tết Thanh minh, Rằm tháng bảy, Tết Đoan Ngọ người Việt kiêng làm những việc sau để tránh xui rủi:
- Đi tới những nơi như lăng tẩm, địa đạo, đi du lịch.
- Mua những vật phẩm có thiết kế, hình thù kỳ quái. Bởi người xưa cho rằng, việc bạn mua về những món đồ này sẽ khiến ma tà theo về nhà từ đó kéo theo nhiều điều không may.
- Không ngồi ở các khu vực âm u hoặc đến nghĩa trang, bệnh viện.
- Tránh mất đồ trong ngày này vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang đánh rơi chính may mắn và tài lộc của mình,
>> Xem thêm: 5 điều kiêng kỵ trong ngày Tết Đoan Ngọ theo quan niệm xưa
Trên đây là chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ cũng như các thông tin liên quan tới ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Mong rằng, bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngày Tết truyền thống này. Tham khảo thêm những bài chia sẻ kiến thức khác về ngày diệt sâu bọ tại Eva nhé.