GĐXH - Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã cơ bản hoàn thiện phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Phương án sẽ được trình Chính phủ xem xét ký ban hành.
Tại buổi họp báo chiều 17/10, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đã cơ bản hoàn thiện phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Có 16 bộ ngành đồng ý với phương án nghỉ trước Tết 2 ngày, nghỉ năm mới 3 ngày (phương án 1), tức nghỉ từ 29 Tết tới hết mùng 5 Tết. Phương án này sẽ được trình Chính phủ xem xét ký ban hành và áp dụng với khu vực Nhà nước.
Theo phương án này, dịp Tết Nguyên đán 2024, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 ngày, từ thứ Năm (ngày 8/2/2024) đến hết thứ Tư (ngày 14/2/2024) (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Công chức, viên chức sẽ đi làm trở lại vào mùng 6 tháng Giêng, tức thứ Năm (ngày 15/2/2024). Lịch nghỉ này được đánh giá hài hòa, thuận lợi cho người dân trước và sau Tết.
Bộ LĐ-TB&XH đã cơ bản hoàn thiện phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, đối với người lao động, căn cứ điều kiện thực tế và lịch nghỉ áp dụng với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng lịch nghỉ cho người lao động như đối với công chức.
Theo quy định, lịch nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm áp dụng cho công chức nhà nước, song Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động nghỉ như trên, thông báo trước 30 ngày.
Việt Nam có 5 kỳ nghỉ lễ, Tết với 11 ngày chính thức trong năm. Nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần, lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp, thuận tiện để nghỉ ngơi, về quê hoặc đi du lịch.
Trường hợp người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm dịp này được hưởng lương ít nhất bằng 300% so với ngày thường. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài lịch chung được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.