Đàm Thái hậu là một người phụ nữ đầy tham vọng, quyền lực và có nhiều thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn để trấn áp hậu cung, tranh giành vương vị.
Đàm Thái hậu là hoàng hậu của Hoàng đế Lý Cao Tông, mẹ đẻ của vua Lý Huệ Tông và bà nội của nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng. Bà là một người phụ nữ đầy tham vọng, quyền lực và có nhiều thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn để trấn áp hậu cung, tranh giành vương vị.
Thù ghét con dâu, giết cả con riêng của chồng
Sách sử không ghi rõ về quê hương cũng như năm sinh năm mất của Đàm Thái hậu, chỉ biết bà là con gái của Đại tướng quân Đàm Thị Phụng; cháu của Hỏa Đầu Đãm Dĩ Mông. Năm 1186, sau khi vào cung, bà được Lý Cao Tông phong làm An Toàn Nguyên phi.
Đến năm 1194, bà hạ sinh Hoàng tử Lý Hạo Sảm rồi được vua sắc phong làm An Toàn Hoàng hậu. Lúc này, bà nắm trong tay quyền hành của bậc mẫu nghi thiên hạ liền nhanh chóng tìm cách tạo thế lực cho mình bằng cách đưa ngoại thích là chú ruột Đàm Dĩ Mông vào triều để nắm hết các chức vụ quan trọng.
Năm 1208, Hoàng tử Lý Hạo Sảm được phong làm Hoàng Thái tử. Sau đó biến loạn xảy ra buộc vua Lý Cao Tông chạy về vùng Quy Hóa, còn mẹ con hoàng hậu chạy về Hải ấp nương nhờ đại gia tộc họ Trần. Tại đây, thái tử Sảm được sắp xếp kết hôn với con gái Trần Lý tên Trần Thị Dung.
Đàm Thái hậu.
Khi ấy An Toàn Hoàng hậu không hài lòng bởi sợ họ Trần sẽ ngày càng bành trướng và gây ảnh hưởng đến quyền lực của họ Đàm trong triều. Bà kiên quyết không cho phép đón Trần Thị Dung về cung mà buộc ở lại nhà mẹ đẻ.
Năm 1210, Cao Tông Hoàng đế băng hà, Thái tử Lý Hạo Sảm lên ngôi (tức vua Lý Huệ Tông), Đàm Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu. Quyền lực của thái hậu ngày càng phát dương quang đại khi được nhiếp chính, đích thân cùng vua lên triều nghe chính sự.
Về phía vua Lý Huệ Tông, sau khi lên ngôi ông lập tức ra lệnh đón Trần Thị Dung vào cung. Nhưng Đàm Thái hậu liên tục gây khó dễ khi khiến Trần Thị Dung chỉ được sắc phong làm nguyên phi chứ không phải hoàng hậu.
Năm 1211, Trần Tự Khánh – anh trai của Trần Thị Dung trở thành lãnh đạo họ Trần, gây xích mích với Hồng Châu Đoàn thị nên bị họ Đoàn tấu sớ hạch tội, bên trong Đàm Thái hậu dèm pha, vua tức giận giáng Nguyên phi làm Ngự nữ.
Sau đó, Trần Tự Khánh dẫn quân đi đánh khắp nơi, thu phục được nhiều đất, đặc biệt chiếm được Hồng Châu, vùng từ Lạng Châu đến núi Tam Trĩ hết thảy đều là đất của họ Trần. Tự Khánh do lo sợ Trần Thị Dung ở trong kinh sư bị hãm hại liền kéo binh đến bến Tế Giang, sát ngay Thăng Long.
Bấy giờ Đàm Thái hậu ngờ vực họ Trần có ý phế lập ngôi vị bèn đem 3 hoàng tử: Nhân Quốc vương, Lục Hoàng tử và Thất Hoàng tử - con của tiên đế Cao Tông với các thê thiếp khác dìm đầu chết ở sau giếng trong cung. Sau đó bà sai đem xác cả 3 người vứt ra ngoài cửa Lâm Quang cung. Các quan đều sợ thái hậu nên không ai dám nhìn, chỉ có vị quan viên bất bình với sự độc ác này mà thốt lên: “Tiên quan đi đâu mà khiến cho 3 người con bị hại thế này”.
Chân dung vua Lý Huệ Tông - con trai của Đàm Thái hậu.
Mưu hại cả cháu nội
Đỉnh điểm của sự độc ác trong con người Đàm Thái hậu chính là khi nghe tin con dâu có thai. Cụ thể khi hay tin Trần Thị Dung mang bầu, vua đã phong làm Thuận Trinh phu nhân khiến thái hậu không vừa mắt. Nhiều lần bà mắng mỏ Trần phu nhân là giặc rồi đánh đuổi, sai người lén bỏ thuốc độc vào bữa cơm.
Năm 1216, đất nước xảy ra loạn lạc, vua Huệ Tông đành phải quay về nương nhờ anh em họ Trần. Trần Tự Khánh sai người đem quân hộ tống đến cứu mạng. Lúc này ở hậu cung, Đàm Thái hậu ngày ngày muốn giết Trần Thị Dung, sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua Huệ Tông ngăn lại không cho rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chỗ quân của Tự Khánh.
Năm 1216, Trần Thị Dung được phong làm hoàng hậu. Kể từ đó, họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều.
Mùa xuân năm 1224, vua Lý Huệ Tông bệnh đến phát điên, không quản được chính sự. Thái úy Trần Thừa, Điện tiền Trần Thủ Độ cùng hoàng hậu quản lý hết mọi việc trong hoàng cung. Bấy giờ, uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.
Sau khi triều chính rơi vào tay họ Trần, Lý Huệ Tông bị ép phải truyền ngôi cho con gái là Chiêu Thánh Công chúa, tức Lý Chiêu Hoàng rồi xuất gia ở chùa Phù Liệt. Lý Chiêu Hoàng do dàn xếp của Trần Thủ Độ kết hôn với Trần Cảnh và nhường ngôi chồng lập nên nhà Trần.
Sử sách không ghi chép rõ kết cục của Đàm Thái hậu ra sao. Nhưng hậu thế cho rằng sự tàn bạo và tham vọng của bà đã tiếp tay cho họ Trần soán ngôi nhà Lý.