Khi mang thai đến tuần thứ 33, thai phụ này đột nhiên bị sốt và ho khan. Cô đã nhập viện điều trị trong 2 ngày nhưng không khỏi, cuối cùng bị nghi nhiễm virut corona chủng mới.
Nhớ lại quá trình vất vả khi vợ sinh con gái, anh Chen Ming sống tại quận Đông Tây Hồ, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi và lo lắng, như vừa thoát khỏi cửa tử. Vợ của anh, chị Wan Ping, đã sinh con vào đúng thời điểm dịch bệnh viêm phổi gây ra bởi virut corona chủng mới bùng phát mạnh mẽ tại Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Theo đó, vào ngày 25/1 vừa qua, chị Wan Ping đang mang thai tới tuần thứ 33 thì đột nhiên bị sốt và ho khan. Sợ tình trạng này sẽ nguy hiểm tới thai nhi, anh Chen Ming lập tức đưa vợ vào Bệnh viện Xiehe. Chị Wan Ping phải nằm viện trong 2 ngày để tiêm thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm. Tới đêm ngày thứ 2, chị Wan Ping ho nhiều tới mức không thở được. Ngay lập tức, các bác sĩ đưa thai phụ này vào phòng cấp cứu.
Các bác sĩ chuẩn bị đồ bảo hộ để thực hiện ca mổ cho thai phụ nghi nhiễm virut corona.
Sau đó, chị Wan Ping được đưa tới Khoa Truyền nhiễm vì nhiễm trùng, thiếu oxy và thai nhi bất ổn. Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác cho thấy chị Wan Ping rất có thể bị nhiễm virut corona chủng mới. Tình hình vô cùng khẩn cấp khiến các bác sĩ của khoa sản, khoa nhi và khoa X-quang phải họp bàn để tư vấn về trường hợp này.
Các bác sĩ đã thảo luận tới tận 12h đêm hôm đó. Nếu chấm dứt thai kỳ, nó có thể gây ra tình trạng thiếu oxy và ngạt thở vì phổi của chị Wan Ping không tốt. Nếu thai phụ này thực sự bị nhiễm virut corona, đứa trẻ chào đời có thể sinh non và không sống sót được. Tại thời điểm đó, Bộ Y tế chưa đưa ra những hướng dẫn về điều trị viêm phổi do virut corona gây ra liên quan tới thai kỳ. Do đó, các bác sĩ phải xét tới nhiều rủi ro khác nhau.
Ca mổ diễn ra thuận lợi và em bé chào đời khỏe mạnh.
Vì hoàn cảnh của bệnh nhân quá đặc biệt, cả đêm hôm đó, bác sĩ phụ sản Dai Shulan không dám về nhà dù đã hết ca trực. Cô vẫn chờ quyết định cuối cùng của ban lãnh đạo bệnh viện. Sau đó, bác sĩ Dai Shulan quả quyết: "Chúng ta phải cứu thai phụ này. Tôi sẽ trực tiếp làm phẫu thuật. Tính mạng của cả thai phụ lẫn đứa trẻ đều quan trọng".
Cuối cùng, thai phụ Wan Ping đã được chỉ định mổ lấy thai. Các bác sĩ và y tá của ca mổ đều phải mặc tới 4 lớp áo bảo hộ, bao gồm 2 áo choàng phẫu thuật, 2 áo cách ly, cộng thêm 4 lớp găng tay. Kính bảo hộ và khẩu trang y tế đã cản trở không ít vì làm mờ thị lực nhưng điều đó là cần thiết vì chị Wan Ping bị nghi nhiễm virut corona. Ca mổ này cũng kéo dài gấp 2-3 lần so với thời gian ca mổ thông thường.
Thế nhưng thật may, vào lúc 18h tối 27/1, bé gái đã chào đời an toàn và khỏe mạnh. Cô bé ngay lập tức được chuyển tới khoa sơ sinh. Chị Wan Ping cũng được đưa tới khoa truyền nhiễm, sau 2 xét nghiệm axit nucleic đều dương tính, người mẹ này được xác nhận đã nhiễm virut corona chủng mới và ngay lập tức được cách ly.
Các bác sĩ ướt đẫm mồ hôi sau ca mổ.
Rất may, con gái của chị Wan Ping hoàn toàn khỏe mạnh. Xét nghiệm cho thấy cô bé không bị nhiễm trùng, âm tính với virut corona chủng mới. Bác sĩ Dai Shulan đã đặt tên cho bé gái là Yi Xing. "Tôi hy vọng cô bé sẽ luôn may mắn và hạnh phúc trong tương lai", bác sĩ nói.
Sau ca mổ lấy thai phức tạp và nguy hiểm, bác sĩ Dai Shulan cùng các đồng nghiệp của mình gần như kiệt sức, quần áo đều thấm đẫm mồ hôi. Thế nhưng khi thấy bé gái chào đời khỏe mạnh, cô chỉ còn biết rơi nước mắt vì hạnh phúc. Bác sĩ Dai Shulan nói với anh Chen Ming: "Bàn chân bé gái rất to, giống mẹ". Lúc này, anh Chen Ming cũng không cầm nổi nước mắt nữa: "Thật may mắn. Gia đình tôi rất thích cái tên này. Tôi không biết nói gì khác ngoài cảm ơn". Hiện tại, tất cả đều cầu mong cho chị Wan Ping điều trị thuận lợi, sớm khỏi bệnh để trở về với con gái và gia đình.