Dù sống qua hai thế kỷ nhưng các cụ ông, cụ bà ở làng trường thọ tại Hà Nam vẫn rất minh mẫn, sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
Làng trường thọ, 100 tuổi vẫn lẩy kiều, thể dục đều đặn hàng ngày
Từ xa xưa, nhiều người vẫn nói ngoài 70 tuổi đã là “xưa nay hiếm”, điều đó chỉ đúng khi nói một cách đại trà, còn ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thì không hoàn toàn đúng. Bởi nơi đây còn được nhiều người đặt cho cái tên là làng Trường Thọ, những cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi ở đây không hề hiếm.
Xã Chuyên Ngoại là địa phương có con sông Hồng chảy qua nên dải đất ở đây được phù sa bồi đắp, màu mỡ quanh năm. Nơi đây cũng được nhiều người biết đến với nghề trông dâu, dệt vải, nuôi tằm và có làng lụa Nha Xá nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Một buổi sinh hoạt người cao tuổi ở xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam.
Dù không phải người dân địa phương nhưng bất cứ ai khi đặt chân tới đây cũng đều có cảm giác thân thuộc như trở về quê hương. Đó là những rặng tre ngút ngàn, xa xa là cánh đồng thẳng cánh cò bay, thấp thoáng sau lũy tre đó là ngôi nhà mái đỏ lấp ló với tiếng gà gáy văng vẳng ở phía xa.
Những ngày giáp Tết, khi hỏi thăm người dân đến các cụ già sống trên 100 tuổi, ai cũng cười và nói: “Đến nhà cụ nào phải nói rõ tên cả vợ và chồng, chứ 100 tuổi ở làng này thì có mà đọc mỏi miệng chưa hết được”. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là các cụ dù đã sống vắt qua hai thế kỷ, nhưng ai cũng vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, thậm chỉ vẫn lẩy kiều (truyện Kiều) rất “đỉnh”.
Đang nói chuyện với người dân thôn Yên Mỹ, một cụ ông nhìn bề ngoài đoán tuổi chắc chỉ gần 80, nhưng khi người làng giới thiệu khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Đó là cụ Nguyễn Văn Thuần qua Tết này (2020) là 101 tuổi.
Cụ Thuần năm nay 101 tuổi nhưng vẫn đi thể dục 2-3km mỗi ngày.
Cụ Nghệ cũng đã tròn 100 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn.
Bắt chuyện với cụ mới thấy lời người trong thôn nói quả không sai chút nào. Cụ Thuần vẫn khỏe mạnh, tinh anh, nói rõ ràng, rành mạch. Biết chúng tôi hỏi thăm về làng trường thọ, cụ Thuần chẳng giấu diếm khoe rằng: “Bà nhà tôi năm nay cũng bước sang tuổi 100 rồi đấy”. Vợ cụ Thuần là cụ bà Nguyễn Thị Nghệ. Đã có 80 năm chung sống với nhau, nhưng vợ chồng cụ Thuần chưa bao giờ to tiếng, hàng ngày hai cụ vẫn đi bộ tập thể dục cùng nhau. Mỗi khi các cháu sum vầy, các cụ lại ngồi ngâm thơ, lảy kiều cho các cháu nghe.
Bí quyết sống thọ là vui vẻ, lành mạnh và không tức giận
Cụ Thuần cho biết để có được sức vóc và trí nhớ như hiện nay, hai vợ chồng cụ chẳng có bí quyết gì cao siêu cả. Hàng ngày tập thể dục bằng cách đi bộ 2-3 km, ăn uống từ nguồn thực phẩm mình trồng được và luôn vui vẻ, tươi cười với mọi người. Đặc biệt, dù là người của thế hệ trước, nhưng tuyệt nhiên cụ không hề uống rượu hay hút thuốc như những người cùng trang lứa trước đây.
Bí quyết sống khỏe của ông Thuần là vui vẻ, sống lành mạnh, không rượu bia.
Rời gia đình cụ Thuần, chúng tôi đến nhà cụ bà Đào Thị Thuận năm nay 105 tuổi. Cụ Thuận vẫn còn khỏe mạnh, đang ở một mình và tự chăm sóc bản thân do chồng, con đã mất hết, các cháu đi làm ăn xa.
Hàng ngày, cứ cơm nước xong xuôi, cụ Thuận lại đi chơi ở những gia đình có người cao tuổi trong thôn cho đỡ buồn. Đáng khâm phục, dù ở tuổi 105 nhưng cụ vẫn chăn gà, nuôi cá để cải thiện cuộc sống hàng ngày. “Tôi cứ nuôi con gà, con cá khi nào muốn ăn thì nhờ hàng xóm họ bắt giúp cho. Lúa thì tôi thuê cấy, rau vẫn trồng và có sẵn ngoài vườn”, cụ Thuận cười và nói.
Cụ Thuận 105 tuổi và người hàng xóm thân thiết cũng đã ngoài 90 tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chiến (Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn Yên Mỹ) cho biết trong thôn có 163 cụ từ 60 đến hơn 100 tuổi. Các cụ đều có cuộc sống vô tư không tức giận với ai. Đó cũng là bí quyết giúp các cụ trường thọ.
“Đối với cụ Thuần dù 100 tuổi nhưng ai ốm đau, làng trên xóm dưới có công việc gì cụ đều đến hỏi thăm. Vài năm nay sức khoẻ các cụ yếu hơn, các con cháu đều yêu thương cụ. Họp hành chi bộ các cụ đều đến rất sớm”, bà Chiến cho hay.
Tết Nguyên đán 2020 sắp đến gần, các cụ lại thêm một tuổi mới, làng trường thọ lại nâng danh sách những người trên 100 tuổi lên những con số mới. Tuy nhiên, điều các cụ ông, cụ bà ở đây vui mừng không phải là bản thân mình thêm tuổi, mà Tết chính là dịp để các cụ cùng con cháu đi làm ăn xa về sum vầy bên mâm cơm gia đình.
Chi hội trường Người cao tuổi thôn Yên Mỹ hỏi thăm sức khỏe người cao tuổi trong thôn.
Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại cho biết, đã nhiều năm nay, xã vẫn thường được nhiều người nhắc đến là xã trường thọ, bởi ở đây có nhiều cụ sống thọ hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, dẻo dai.
Theo ông Sơn, toàn xã Chuyên Ngoại có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, tính trung bình các cụ tuổi từ 80 - 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi trong toàn xã có 4 cụ.
“Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất giản dị, hầu hết là tự cung tự cấp. Chỉ có điều, các cụ hay tập thể dục, có thể cũng có yếu tố gen di truyền giúp người dân nơi đây có tuổi thọ cao hơn mức bình quân chung”, ông Sơn chia sẻ.
Với người dân Chuyên Ngoại chẳng có bí quyết nào sống lâu trăm tuổi bằng sự thanh thản trong tâm hồn. Thế mới biết sống thọ chẳng phải xa vời gì, ngay gần kề trước mắt nhưng có lẽ với nhiều người tìm cả cuộc đời chẳng tìm nổi sự thanh thản.