Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn

Ngày 07/04/2020 00:08 AM (GMT+7)

“Chúng tôi là cửa hàng nên được phép mở cửa, tuy vậy ế ẩm lắm. Từ sáng đến giờ, chúng tôi chủ yếu bán qua kênh online, chứ khách trực tiếp đến mua chỉ có vài người”, chị Anh – chủ một cửa hàng bán trái cây sạch cho biết.

Sau khi Thủ tướng ra Chỉ thị 16 về việc cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4 -15/4, Chủ tịch TP.Hà Nội cũng đã ra chỉ thị 05 về các giải pháp chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó cụ thể hơn các cửa hàng, doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động.

Theo đó, siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô,…); cửa hàng tiện lợi; cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả… được phép hoạt động.

Dẫu vậy, nhiều cửa hàng bán tạp hóa, kinh doanh hoa quả và gian hàng rau hoa quả ở chợ dân sinh… vẫn đóng cửa nhằm góp phần chung tay phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Điều đó khiến phiên chợ sát Rằm tháng 3 Âm lịch ở một số nơi trở nên đìu hiu, vắng vẻ lạ thường.

“Từ sáng đến giờ, khách đến mua trái cây về cúng Rằm chỉ có vài người”

Ghi nhận vào chiều 6/4 (tức 14 Âm Lịch) tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy), các gánh hàng  hoa và sạp trái cây không còn tại, chỉ có một số cửa hàng hoa quả mở cửa phục vụ người dân mua về cúng Rằm. Tuy nhiên, lượng khách không nhiều.

Chị Nguyễn Anh (29 tuổi) – chủ một cửa hàng hoa quả sạch cho biết: “Trước đây, cứ chiều ngày 14, người ta đứng ngoài cổng chợ bán hoa và trái cây nhiều lắm. Nhưng khi chỉ thị cách ly toàn xã hội có hiệu lực, họ không được phép buôn bán. Ở phường, lực lượng chức năng cũng thường xuyên đi dẹp – phạt người bán hoa quả rong. Vì vậy, họ về quê tránh dịch hết rồi.

Còn chúng tôi tôi là cửa hàng nên được phép mở cửa, tuy vậy ế ẩm lắm. Từ sáng đến giờ, chúng tôi chủ yếu bán qua kênh online, chứ khách trực tiếp đến mua chỉ có vài người”.

Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 1

Dưa vàng chị Anh bán với giá 25 nghìn đồng/kg.

Theo chị Anh, cứ vào tối ngày 14 hàng tháng, lượt khách ghé cửa hàng mua trái cây về thắp hương luôn tấp nập, vợ chồng chị phải nhờ thêm họ hàng qua phụ giúp. Nhưng bữa nay, chị ngồi không từ chiều đến tối và mới bán được 3kg xoài, 5 quả dưa vàng.

Chị nói: “Nhiều người cẩn thận nên không ra ngoài tránh tiếp xúc với người khác. Một số nghĩ đây là ngày Rằm bình thường nên không quá quan trọng, tháng sau hết dịch có thể thắp hương ông bà sau. Vì vậy họ không đi chợ mua sắm cúng Rằm. Tôi thấy họ nghĩ đúng, bây giờ quan trọng nhất là sức khỏe của bản thân và gia đình”.

Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 2
Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 3

Xoài và nho là 2 loại quả bán chạy nhất tại cửa hàng của chị Anh.

Mặt hàng chị Anh bán trong đợt Rằm chủ yếu là Xoài có giá 25 nghìn đồng/kg; dưa vàng giá 25 nghìn/kg; thanh long giá 30-35 nghìn đồng/kg… Ngoài ra, cửa hàng còn bán sầu riêng, nho mỹ, táo,… “Do ảnh hưởng của COVID-19 nên giá trái cây dịp này rẻ hơn so với cùng kỳ tháng trước. Chúng tôi cũng không dám lấy lời nhiều bởi ai cũng đang gặp khó khăn trong cuộc sống”, chị Anh cho hay.

Cũng giống chị Anh, anh Tú (35 tuổi) – người bán hoa ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho hay,  do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hàng hoa ở chợ trong dịp rằm ít hơn hẳn và người mua không có nhiều.

Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 4
Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 5

“Mọi tháng, ngày lễ mồng Một và Rằm hoa bán chạy lắm. Sáng nào, tôi cũng nhập mấy chục bó cúc các loại, hoa hồng về bán, nhưng tháng này sức mua giảm hẳn. Một phần vì mới thanh minh, phần vì dịch nên ít người đi chợ không nhiều”, anh Tú nói.

Cả ngày 14 Âm lịch, anh Tú mới bán được 3-4 chục bó cúc vàng, mỗi bông có giá 3000 đồng. Anh bảo chỉ còn duy nhất ngày Rằm để bán nốt chỗ hoa đã nhập,  nếu không có khách là xác định lỗ. “Tôi cũng hy vọng dịch mau chóng qua đi để những người buôn bán nói riêng và mọi người nói chung ổn định cuộc sống”, người đàn ông bán hoa tâm sự.

Thị trường hoa quả ngày Rằm mùa COVID-19: Người bán đã ít, người mua còn ít hơn - 6

Anh Tú không dám nhập hoa nhiều vì sợ không có người mua.

Mua hoa quả online về cúng hoặc tháng sau cúng bù

Chị Vũ Mai (35 tuổi, Nam Từ Liêm) cho hay, cứ tuần Rằm và mồng Một hàng tháng, gia đình chị thường thắp hương các cụ bằng hoa tươi và trái cây. Nhưng tháng này cách ly toàn xã hội, chị hạn chế ra ngoài, thậm chí không đi chợ nên xác định ngày Rằm cúng bái tổ tiên bằng nén hương thơm và chén nước.

 “Mình tuân thủ đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Hơn nữa tủ lạnh vẫn còn thức ăn từ quê gửi lên, mình không phải đi chợ. Vì vậy, mình dự định cúng Rằm bằng nén nhang, tháng sau hết dịch sẽ cúng bù. Có lẽ các cụ cũng phần nào thông cảm cho con cháu ở trên này”, chị Mai chia sẻ.

Khác với chị Mai, chị Ngọc Hương (33 tuổi, Ba Đình) vẫn quyết định thắp hương ngày Rằm bằng cách mua hoa quả online. Chị kể, gia đình chị theo đạo Phật, ngày lễ thường mua hoa quả thắp hương và đi chùa cúng bái. Nhưng do chỉ thị cách ly toàn xã hội, chị phải hoãn việc đi chùa vào ngày Rằm. Còn ở nhà, chị quyết định đặt hoa và quả tại một cửa hàng online rồi nhờ người ta giao đến tận nơi.

Như vậy, nhìn chung người dân đã và đang tuân thủ nghiêm ngặt chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ thị số 05 của Chủ tịch TP.Hà Nội về việc cách ly toàn xã hội nhằm phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Trong hoàn cảnh ấy, người dân đã “ló cái khôn” để những nghi lễ thường ngày được giản lược với việc thành tâm là trên hết.

Bản tin tiêu dùng: Giá lợn hơi giảm lại tăng; hải sản chỉ ở nhà hàng giờ bán đầy chợ
Từ ngày 1-4, giá lợn hơi giảm về 70.000 đồng nhưng hiện tại giá lợn hơi lại tăng trở lại, giá thịt lợn bán lẻ vẫn chưa chịu giảm.
Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sản phẩm tiêu dùng