Từ ngày 1-4, giá lợn hơi giảm về 70.000 đồng nhưng hiện tại giá lợn hơi lại tăng trở lại, giá thịt lợn bán lẻ vẫn chưa chịu giảm.
Giá lợn hơi giảm rồi lại tăng, thịt bán lẻ vẫn cao, có loại 230.000 đồng/kg
Ông Trần Đức Vinh Quang, chủ trang trại lợn ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết ngày 1-4 vừa rồi, trại của ông vừa xuất bán một lứa với giá 70.000 đồng/kg. Giá bán ông dựa vào giá của các công ty chăn nuôi lớn bán ra như CP đưa ra giá 70.000 đồng/kg heo hơi.
Tuy nhiên, theo ông Quang, đến hôm nay (ngày 4-4) giá lợn hơi lại tăng lên 72.000-73.000 đồng/kg, có nơi giá vẫn mức 75.000 đồng/kg.
Một thương lái chuyên thu mua lợn tại miền Đông Nam bộ cho biết từ ngày 1-4, theo chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ có các công ty lớn đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá lợn hơi ở các tỉnh vẫn bán giá cao, như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu giá vẫn ở mức 75.000-78.000 đồng/kg. Còn các tỉnh như Long An cũng ở mức 72.000 đồng/kg. Theo thương lái này, giá lợn hơi các tỉnh phía Bắc vẫn ở mức 76.000-80.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi nhiều nơi vẫn ở mức trên 70.000 đồng/kg, thậm chí gần 80.000 đồng/kg nên giá thịt bán lẻ vẫn cao ngất ngưởng. Ảnh: TÚ UYÊN
Giá thịt bán lẻ trên thị trường cũng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Giá thịt lợn tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm của TP.HCM vẫn có mức giá cao, thịt nạc vai, mông cũng có giá 140.000-150.000 đồng/kg, thịt ba rọi vẫn cao với giá 179.000 đồng/kg, loại thịt ba rọi rút sườn có có giá 210.000-215.000 đồng/kg. Giá sườn non 220.000-230.000 đồng/kg, sườn già có giá 140.000-150.000 đồng/kg
Giá thịt lợn bán lẻ ở các chợ vẫn chưa giảm, dao động 130.000-210.000 đồng/kg.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Hải sản trong nước giảm giá mạnh, có những loại chỉ thường xuất hiện ở nhà hàng giờ bán đầy chợ
Diễn biến dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, còn người dân thì hạn chế ra ngoài, hạn chế chi tiêu khiến doanh thu của các vựa hải sản sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị tạm hoãn giao hàng hoặc bị hủy do khách không bán được vì dịch bệnh khiến lượng cung trong nước trở nên dồi dào.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Đến thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm 35 - 50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp bị hủy, hoãn đơn hàng xuất khẩu tôm vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa.
Từ tháng 1, gần như hoạt động xuất khẩu cá tra bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Kể từ tháng 3, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang thị trường châu Âu. Tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại dẫn đến hàng tồn kho lớn. Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.
Từ tháng 3, khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều mặt hàng hải sản trước đây hầu hết để xuất khẩu hoặc hay xuất hiện ở trong các nhà hàng giờ được bày bán khá nhiều ở chợ.
Chị Nguyễn Mai Trang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết từ ra Tết đến nay, giá nhiều loại hải sản giảm mạnh. Vì thế, người tiêu dùng có cơ hội được mua hải sản giá rẻ. "Gia đình tôi rất thích ăn ốc hương nhưng trước đây mỗi kg ốc hương có giá hơn 300 nghìn đồng nên thỉnh thoảng mới dám mua 1kg. Nay, giá ốc hương ship đến tận nhà chỉ 200 nghìn đồng/kg loại to, ngon nên gia đình có nhiều cơ hội để thưởng thức món ăn này", chị Mai Trang chia sẻ.
Nhiều loại thủy, hải sản bán ở chợ như cá chạch, cá chim, cá trắm hiện giảm giá tới 1/2 so với trước Tết, còn 90.000 - 100.000 đồng/kg; tôm sú 250.000 đồng; cá điêu hồng 45.000 đồng/kg; cá thác lác 110.000 đồng/kg.
Giới kinh doanh thủy hải sản "rầu rĩ" vì dịch Corona hoành hành khiến doanh thu tụt giảm mạnh. Ảnh minh họa
Tại các vựa thủy, hải sản, các loại tôm, cua, ốc... cũng giảm khoảng 50% so với trước, nguồn hàng khá dồi dào. Đơn cử, bạch tuộc lớn giảm còn 370.000 đồng/kg, sò dương 220.000 đồng/kg, tôm hùm xanh 650.000 đồng/kg, ốc hương biển loại lớn 550.000 đồng/kg, cá mú 300.000 đồng/kg, ghẹ 390.000 đồng/kg, cá tầm 270.000 đồng/kg, sò huyết 300.000 đồng/kg...
Không chỉ thủy, hải sản trong nước mà hàng ngoại nhập cũng giảm tương tự. Chẳng hạn, tu hài Canada giảm còn 800.000 đồng/kg, sò điệp Nhật 600.000 đồng/kg, hàu Mỹ 100.000 đồng/kg, tôm hùm Alaska 750.000 đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 1 triệu đồng/kg, cá bơn Hàn Quốc 550.000 đồng/kg…
Giá dầu tăng sốc tới hơn 30%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 37 năm qua
Giá dầu liên tục giảm trong những phiên đầu tuần do thị trường lo ngại tồn kho dầu thô Mỹ tuần trước tăng mạnh nhất kể từ năm 2016 đến nay trong khi nhu cầu xăng dầu giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Cơ quan Quản lí Thông tin Năng lượng, tồn kho dầu thô tăng 13,8 triệu thùng vào tuần trước lên 468,2 triệu thùng.
Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Đồng thời, các chuyên gia phân tích dự báo tồn kho tiếp tục tăng do hoạt động lọc dầu bị đình trệ. Điều này đã khiến giá dầu WTI giảm 0,4% xuống 20,4 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 5,1% xuống 25 USD/thùng sau phiên giao dịch 1/4.
Phiên giao dịch 2/4 ghi nhận đợt tăng mạnh nhất từ trước đến nay sau khi tổng thống Donald Trump cho biết ông đã thuyết phục Nga và Arab Saudi giảm sản lượng 10 - 15 triệu thùng/ngày. Theo đó, giá dầu WTI và Brent đồng loạt tăng tới 24%.
Đà tăng tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong hai phiên 3 và 4/4 khi phiên giao dịch ngày 3/4 giá dầu có phiên bùng nổ tăng mạnh tới 12%. Kết phiên 3/4, giá dầu WTI tăng 12% lên 28,3 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 14% lên 34,11 USD/thùng.
Còn phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,7% lên 28,7 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,5% lên 34,7 USD/thùng.
Tính chung trong tuần qua, giá dầu WTI tăng tới 31,7%, tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1983. Giá dầu Brent tăng 14% lên 34,11 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được giao dịch cả tuần ở mức phố biến như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 11.956 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 12.560 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.259 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 9.141 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.453 đồng/kg.
Tại Việt Nam, trong tháng 3 vừa qua, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) cũng đã đưa ra kịch bản xấu nhất là đóng cửa một số mỏ khai thác và tiến hành nhập khẩu dầu thô dự trữ do giá dầu xuống mức thấp dưới 30 USD/thùng.
Phát hiện 2 cơ sở tái chế hàng trăm kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng
Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục quản lí (QLTT) tỉnh Long An cho biết, sáng 3-4, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Long An phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở do bà NTT và NTBT làm chủ (địa chỉ tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hai cơ sở trên có hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật tại cơ sở của bà NTBT gồm 17.500 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu Hafavinapro, 2.500 cái khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu Gauze Mask Vinapro.
Ngoài ra còn có 99 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash, loại 250ml/chai; 33 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu Bigcare I loại 250ml/chai.
Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật của hai cơ sở. Ảnh do Cục QLTT tỉnh Long An cung cấp.
Tại cơ sở của bà NTT, Đội QLTT tạm giữ toàn bộ tang vật gồm 255 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng, 830 vỏ hộp khẩu trang y tế nhãn hiệu các loại, 2.000 cái khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu Hafavinapro; 2.300 cái khẩu trang y tế đã đóng vào túi nylon (10 cái/túi nylon).
Cùng 148 bộ đồ bảo hộ y tế không có nhãn hiệu, hai kg dây thun trắng để làm quai đeo khẩu trang, 422 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash, loại 250ml/chai; 331 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu Bigcare và hiệu Seifa; 36 chai và 30 lít dung dịch màu xanh không có nhãn hiệu. Hai bàn ủi là phương tiện tái chế khẩu trang.
Theo ông Chinh, hiện vụ việc đang được Đội QLTT 1 tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.