Người mẹ của thiếu nữ chân voi vui vì ca mổ thành công, tuy nhiên, bà cũng trăn trở, bởi chi phí sau mổ khá lớn. Trong khi đó, bà chỉ còn chưa đến 200 nghìn đồng.
Niềm vui nhân đôi
Như chúng tôi đã đưa tin, thiếu nữ Trần Thị Mỹ Son (SN 1995, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có đôi chân voi to hơn cả thân hình. Ngày sinh, bà Huỳnh Thị Dưa (mẹ Son) suýt chết vì đôi chân của con gái to bất thường. Suốt 20 năm qua, đôi chân của cô cứ to lên theo thời gian gây ra rất nhiều bệnh tật.
E kip mổ thiếu nữ chân voi
Gia đình Sơn nghèo, cha mẹ Son lại bệnh tật triền miên. “Cha em bị bệnh lao phổi, không thể làm việc gì quá nặng. Như lần này, cha cũng không vào TP HCM được. Mẹ em bị khớp, tim và thận. Mới đây, mẹ còn phát hiện bệnh nhiễm trùng máu”, cô chia sẻ.
Sáng 18/9, thông tin từ bệnh viện FV TP HCM cho biết, Son đã được e kip do giáo sư McKay McKinnon phẫu thuật thành công. Sau nhiều ngày mê man, hiện tại, cô đã tỉnh, sức khỏe ổn định.
Ca mổ kéo dài hơn 5 giờ, phần gốc rễ bó sợi thần kinh được cắt bỏ. Nhờ ca mổ thành công, khối bướu trên đôi chân của cô sẽ không phát triển nữa hoặc phát triển chậm lại.
Do sức khỏe của Son có hạn, ca mổ chỉ cắt phần nào khối u. Bác sĩ McKay McKinnon cho hay, năm sau, khi quay lại Việt Nam, sẽ tiếp tục cắt bỏ các khối u và chỉnh hình lại đôi chân của bệnh nhân này.
Son cho biết, trước khi mổ, bác sĩ thông báo, cơ hội thành công chỉ được 50%. Tuy nhiên, 20 năm trôi qua, cô sợ hãi mỗi khi nhìn đôi chân ngày càng to của mình. Dù biết cơ hội thành công không lớn nhưng cô chấp nhận được mổ. Bởi, biết đâu, khối u sẽ không thể lớn nữa và cơ hội chữa trị của mình mở ra một hướng mới.
Khi vào phòng mổ, Son được gây mê. Trước khi rơi vào trạng thái mê, cô còn nghe tiếng khóc của mẹ. Mẹ đau đớn, vật lộn vì không an tâm. Quá lo lắng, mẹ cô đã ngất xỉu.
Ca phẫu thuật của Son đã thành công
Lúc Son mở mắt, bác sĩ thông báo ca mổ đã thành công. Cô mừng vui khôn tả dù trong người rất mệt mỏi. Nằm ở phòng bệnh, mỗi ngày người nhà chỉ được vào thăm 2 tiếng. Cô chờ mòn mỏi. Mỗi khi đến giờ, chưa thấy mẹ vào, cô lại lo lắng.
Son chia sẻ, ngày 15/9 vừa qua là sinh nhật của mình. Cô nhận được khá nhiều lời chúc mừng của bạn bè lẫn người xa lạ được biết đến trường hợp của mình thông qua báo chí. Ngay bác sĩ tại bệnh viện cũng chúc mừng. “Đây có thể gọi là niềm vui nhân đôi”, cô cho hay.
Nỗi lòng người mẹ
Ngồi trước hành lang bệnh viện, bà Dưa nghẹn ngào cho biết, Son là đứa con duy nhất của hai vợ chồng. Đứa con đầu lòng của bà bị tim bẩm sinh. Khi tròn 4 tuổi, bé qua đời. Do đó, khi sinh Son, đôi chân bị tật nguyền, vợ chồng bà không dám sinh thêm.
Gia đình nghèo khó, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn. Bà vay mượn, cầm cố sổ đỏ, mang Son đi chữa trị nhiều nơi nhưng không thành công. Đến bây giờ, căn nhà chỉ còn bốn bức tường cũ kĩ đầy vết rạn nứt. “Gia sản kiệt quệ, hết tiền, từ lâu, tôi không dám nghĩ đến chuyện chữa trị cho con”, bà chia sẻ.
Mẹ Son cảm ơn e kip mổ
Son mỗi ngày mỗi lớn. Lưng bà Dưa trở thành đôi chân của con. Bất kể con cần đi đâu bà đều phải cõng. Trước đây, cô cũng được đi học bằng tấm lưng của mẹ. Đến năm 10 tuổi, do mặc cảm về bệnh tật, cô đành dở dang chuyện học.
Vài năm trước, Son nhận được một chiếc xe lăn từ tổ chức từ thiện tại địa phương. Từ đó, tấm lưng còng của bà Dưa vơi phần nào vất vả.
“Ngày Son vào phòng mổ, thông qua màn hình, tôi cứ thấp thỏm lo âu. Tôi lẩm nhẩm cầu mong ca mổ thành công. Son là đứa con duy nhất, là hy vọng duy nhất của vợ chồng tôi. Nếu cháu có mệnh hệ nào làm sao hai thân già này sống nổi”, người mẹ nói.
Bà cho hay: “Ca mổ này mất hết 31.000 USD. Tôi không biết đổi ra là bao nhiêu tiền Việt nhưng chắc chắn nhiều lắm. Rất may, số tiền này được tài trợ chứ gia đình tôi mơ cũng không dám nghĩ đến. Cái ân, cái nghĩa này suốt đời gia đình tôi không thể quên.
Trong cuộc trò chuyện, người mẹ vui vì ca mổ thành công. Tuy nhiên, bà cũng trăn trở, bởi chi phí sau mổ khá lớn. Trong khi đó, túi bà chỉ còn chưa đến 200 nghìn đồng.