Do sở thích thường xuyên tô son môi đậm, một nữ MC ở Hà Nội đã bị ngộ độc chì và phải nhập viện điều trị.
Đây là ca bệnh khá đặc biệt, vừa được PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo PGS Duệ, đây là trường hợp ngộ độc chì do son môi đầu tiên mà ông gặp sau rất nhiều năm làm nghề. Được biết, trước khi làm các xét nghiệm, nữ MC này có biểu hiện mất ngủ, táo bón và hay quên…
Sau khi trực tiếp thăm khám, PGS Duệ phát hiện viền lợi của nữ MC này đã chuyển màu đen xám. Đặc biệt, sau khi làm xét nghiệm máu, kết quả cho thấy lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.
Trước kết quả trên, PGS Duệ đã hỏi thêm về những thói quen hàng ngày thì được biết nữ MC này không dùng thuốc nam hay tiếp xúc với các nguồn nhiễm chì nào, ngoại trừ việc tô son môi đậm (chủ yếu là màu đỏ và đỏ cam) hàng ngày.
Thường xuyên tô son môi đậm rất dễ bị nhiễm chì. Ảnh minh họa.
Ngay sau khi xác định nguồn nhiễm chì là do son môi, PGS Duệ cho biết trường hợp nữ MC này phải điều trị thải độc chì. Bởi việc ngộ độc chì lâu dài như vậy dễ bị lắng đọng trong các bộ phận cơ thể, đặc biệt là xương, việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian.
PGS Phạm Duệ khuyến cáo chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, khi đánh rồi không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch son để tránh nhiễm chì.
Ngoài son môi, một số những những tác nhân khác cũng khiến cơ thể nhiễm chì đó là thực phẩm, thuốc nam (thuốc cam, thuốc đánh tưa lưỡi), môi trường sống… Đặc biệt, nếu trẻ con bị nhiễm chì sẽ nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều và để lại hậu quả nặng nền như: chậm lớn, trí tuệ kém, tự kỷ, nặng nhất là mất khả năng tự phục vụ vĩnh viễn…
Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm chì, người dân có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng.
Ở trẻ, khi bị nhiễm độc chì sẽ có các triệu chứng như hôn mê, co giật, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học, học kém, chậm phát triển tinh thần.
Ngoài ra, trẻ còn bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm.
Trong khi đó, đối với người lớn, biểu hiện nhiễm độc chì là lơ mơ, lẫn lộn, mê sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, đau bụng, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, thiếu máu.
Đặc biệt, nhiễm độc chì làm giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai cho người đang trong độ tuổi sinh sản.