Công an đã tạm giữ hành chính con ruột và con dâu của bà cụ đãng trí.
Diễn biến bất ngờ vụ con dâu đánh đập mẹ chồng trước mặt cháu nhỏ
Ngày 28-2, Công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết đang tạm giữ hành chính bà Phạm Thị Loan (57 tuổi), cùng chồng là Võ Quốc Tuấn (56 tuổi, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) để làm rõ hành vi bạo hành.
Con dâu bạo hành mẹ chồng trong sự chứng kiến của người chồng nhưng không có sự can ngăn. Ảnh cắt từ clip
Ngày 25-2, mạng xã hội xôn xao bởi một clip hơn hai phút ghi lại cảnh một người phụ nữ dùng tay nâng hai chân bà cụ lên giật mạnh qua lại nhiều lần, đánh liên tục vào người cụ.
Vào thời điểm trên có sự xuất hiện của một người đàn ông và một bé gái nhưng không có bất kỳ sự can ngăn nào. Sự việc chỉ dừng lại khi bé gái nói câu: “Ông nội về tới”.
Clip thu hút hàng chục ngàn lượt bình luận, chia sẻ và lên án hành vi đánh cụ bà tàn nhẫn. Cơ quan chức năng huyện Chợ Gạo vào cuộc và xác định người bị bạo hành là cụ Dung (88 tuổi), đang sống chung với con ruột Tuấn và con dâu Loan.
Bước đầu, nguyên nhân của vụ việc là do cụ Dung lớn tuổi, đãng trí nên quá trình sinh hoạt cá nhân hằng ngày không theo ý muốn của vợ chồng ông Tuấn nên dẫn đến sự việc trên.
Sau khi xảy ra sự việc, một người người con gái cụ Dung đã đến đưa cụ Dung về nhà riêng để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Khởi tố vụ án dì đổ xăng đốt cháu vì khoản nợ 3,9 triệu đồng
Ngày 28/2, Công an TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khởi tố vụ án dì đổ xăng đốt cháu vì khoản nợ 3,9 triệu đồng diễn ra ở phường 10, TP.Vũng Tàu.
Theo điều tra, tháng 11/2019, anh Hồ Minh Tuấn (31 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) nhờ Nguyễn Như Phượng (27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang, là em vợ) vay mượn 3 triệu đồng. Phượng vay của 1 người đàn ông với lãi suất 900 ngàn đồng/tháng. Sau đó, anh Tuấn trả cho Phượng 2 tháng lãi đầy đủ.
Cuối tháng 1/2020, anh Tuấn không đưa tiền cho Phượng nên Phượng đòi nhiều lần dẫn tới mâu thuẫn. Sau đó, anh Tuấn hẹn chiều 23/2 sẽ trả đủ tiền cho Phượng. Đến thời điểm này, Phượng gọi cho anh Tuấn thì anh nói chỉ trả được 1,5 triệu đồng và hẹn sau này trả tiếp.
Bức tức, Phượng nảy sinh ý định nên tìm đến nhà anh rể đe dọa phải trả nợ. Phượng mang theo dao, chai nhựa chứa 0,3 lít xăng, bật lửa, tìm đến nhà anh Tuấn nhưng không có anh ở nhà. Lúc này, Phượng thấy chị Nguyễn Thị Kiều Đông (chị của Phượng cũng là vợ anh Tuấn) đi về nên nói chuyện. Sau đó, cả 2 cự cãi lớn tiếng và chị Đông đi sang nhà hàng xóm mượn tiền trả cho Phượng.
Phượng bị người dân khống chế bắt giữ.
Phượng thấy cháu Nguyễn Tấn Vũ (SN 2014, con của chị Đông và anh Tuấn) đang chơi trước nhà nên kéo lại. Sau đó, Phượng đổ xăng lên người cháu Vũ khiến cháu hoảng sợ hô hoán định bỏ chạy thì Phượng giữ lại. Phượng mở bật lửa rồi đốt và yêu cầu chị Đông gọi chồng là anh Tuấn về trả tiền. Ngọn lửa bùng phát bén vào người Phượng nên cô này thả cháu Vũ ra. Chị Đông thấy vậy chạy lại dập lửa thì bị cháy lan sang người chị.
Người dân phát hiện nên tìm cách dập lửa đưa 2 mẹ con chị Đông đi cấp cứu và bắt giữ Phượng. Hậu quả làm cháu Vũ bị bỏng khoảng 58% vùng mặt, ngực bụng. Chị Đông bị bỏng ở vùng tay, chân hoảng 18%, còn Phượng bị bỏng nhẹ.
Cơ quan công an xác định, hành vi đổ xăng lên người cháu Vũ rồi bật lửa đốt đã gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu Vũ và chị Đông. Cháu Vũ và chị Đông được cấp cứu kịp thời nên hậu quả chết người chưa xảy ra.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của tội giết người, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Vũng Tàu đã khởi tố vụ án hình sự giết người, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp tục điều tra.
Bộ Y tế nói gì về tin nhắn cảnh báo "bùng phát virus corona trong tuần tới"?
Theo ông Cường, giống như cách đây vài năm trên mạng xã hội phát tán tin “ông chú Viettel”, trong mùa dịch Covid-19 cũng xuất hiện tin đồn “ông chú Bộ Y tế”.
Cụ thể, trên mạng xã hội đang lan truyền ảnh chụp màn hình một tin nhắn với nội dung khuyến cáo từ một nhân vật được cho là Chánh văn phòng Bộ Y tế về khả năng nguy cơ rất cao lây lan bùng phát dịch Covid-19 trong tuần tới tại Hà Nội.
Khá nhiều người dân nhận được tin nhắn của "ông chú Bộ Y tế".
"Xin khẳng định: Đây là thông tin giả 100%" - ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, mọi khuyến cáo của Bộ Y tế tới người dân đều được truyền tải qua các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống và các tin nhắn sms của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
Do đó, khi người dân nhìn thấy các thông tin trên các kênh không chính thống thì nên cảnh giác và có sự sàng lọc thông tin khoa học, thông minh để tránh sự hoang mang, lo lắng không đáng có.
Hai cháu bé "mất tích" ở Nghệ An rủ nhau đi vào Huế
Trưa ngày 28/2, gia đình của hai bé trai "mất tích" cho biết, gia đình đã liên lạc được với 2 cháu Vương Tuấn Khoa (SN 2011, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh) và cháu Lưu Xuân Đạt (SN 2007, học sinh lớp 6) "mất tích" cách đây 2 ngày không rõ lý do.
Gia đình đã liên lạc được với 2 đứa bé.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (mẹ cháu Khoa) cho biết, cách đây ít phút, mẹ của cháu Đạt ở trong Huế vừa gọi điện thông báo hai đứa vừa mới vào trong này. "Nhận được tin này, chúng tôi rất vui mừng. Không hiểu sao hai đứa lại có thể đi xe khách vào trong đó được. Hai đứa đi từ chiều muộn ngày 26/2 mà đến tận trưa nay mới vào trong đó" – chị Hoàng Anh nói.
Trước đó, ngày 27/2, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được đơn trình báo của gia đình anh Vương Tuấn Hưng (trú khối 7, phường Quán Bàu, TP Vinh) về việc con trai mình là cháu Vương Tuấn Khoa (SN 2011, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh) cùng cháu Lưu Xuân Đạt (SN 2007, học sinh lớp 6, là con trai của anh Lưu Xuân Thành, trú cùng khối) bỗng mất tích.
Theo gia đình, hai cháu rủ nhau đi chơi từ chiều muộn ngày 26/2. Tối hôm đó, gia đình cũng không thấy hai cháu trở về nên đã trình báo cơ quan chức năng.
Hà Nội cho học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng dịch
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều 28/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng ý cho học sinh mầm non, phổ thông trung học công lập tiếp tục nghỉ học đến hết 8/3/2020.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trường học được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn (tính đến 2/3 được khử khuẩn 5-6 lần), càng cho thấy trường học là môi trường sạch sẽ và an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, việc đi học trở lại phải dựa trên kết quả nhận xét đánh giá tình hình dịch tễ cụ thể, đánh giá của các chuyên gia, hướng dẫn của Bộ Y tế… Chỉ khi đảm bảo đủ mọi điều kiện mới quyết định cho học sinh đi học.
Như vậy, tính đến ngày 28/2, Hà Nội đã cho học sinh nghỉ học gần 4 tuần để phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị tập huấn cho giáo viên theo văn bản chỉ đạo của liên Sở GD-ĐT, Y tế và Lao động Thương binh và Xã hội; hướng dẫn chuyên môn cho học sinh ôn tập trực tuyến tại nhà; xây dựng kịch bản cụ thể khi học sinh quay trở lại trường học; tiếp tục vệ sinh khử khuẩn trường, lớp…
Trước đó, ngày 27/2, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số nước, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, xem xét quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ từ một đến hai tuần.
Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian kết thúc năm học và thời gian thi THPT quốc gia vẫn giữ nguyên như quyết định của Bộ ngày 22/2 vừa qua. Cụ thể là kết thúc năm học vào 30/6 và thi THPT quốc gia vào 23, 24, 25, 26/7.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống Covid-19, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020.