Trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, nguyên đơn không phải chịu án phí, tạm ứng án phí, dù yêu cầu khởi kiện có đòi 1.000 đồng hay 1.000 tỉ đồng.
Nữ đại gia Phương Hằng bị một nữ doanh nhân kiện, đòi bồi thường 1.000 tỉ
Chiều 1-6, tin từ TAND quận 1 (TP.HCM) cho biết toà này đã thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bà giữa Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam).
Vụ kiện liên quan đến việc bà Hằng livestream ngày 14-5 có đề cập đến bà Giàu và chùa Phước Sơn.
Sau khi thụ lý, lãnh đạo tòa án quận 1 đã có phân công thẩm phán nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Bà Phương Hằng trong một buổi livestream. Ảnh chụp từ màn hình
Theo đơn kiện, bà Giàu cho là năm 2017 có quen biết với bà Hằng khi đi chùa Phước Sơn tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dù không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè nhưng thời gian này bà Hằng thường nhắn tin có lời lẽ xúc phạm, đe dọa bà. Bà Giàu đã lập vi bằng các tin nhắn này.
Và trong buổi livestream ngày 14-5-2021, bà Hằng nói chuyện công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh. Bà Hằng đã bịa đặt, vu khống bà ép bức sư trụ trì chùa trả lại tiền và xe cho bà Hằng, thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý, bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, mua tượng phật và hoa không trả tiền...
Cạnh đó bà Hằng còn xúc phạm uy tín thương hiệu mì Lá bồ đề, dầu Nhị Thiên Đường do bà Giàu làm chủ là thương hiệu đểu, chứng nhận giả.
Cho rằng các hành vi của bà Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín mình, bà Giàu khởi kiện buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi. Cạnh đó, bà yêu cầu toà buộc bà Hằng gỡ bài nói về bà và công khai xin lỗi và cải chính trên mạng Youtube.
Đáng chú ý bà Giàu đưa ra yêu cầu buộc bà Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỉ đồng.
Được biết hiện nay, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Với quy định này, trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, người kiện không phải chịu án phí sơ thẩm (và không đóng tạm ứng án phí theo quy định về án phí có giá ngạch). Đồng thời, nguyên đơn có quyền đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường mà không bị giới hạn. Khi xét xử, tòa án sẽ dựa trên chứng cứ hợp pháp và quy định pháp luật để ra phán quyết phù hợp.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Giá vàng trong nước 1/6
Mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 6, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 56,65-57,35 triệu đồng/lượng, tiếp tục tăng 50 nghìn đồng chiều mua vào nhưng lại giảm 50 nghìn đồng chiều bán ra.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội mở cửa phiên sáng nay tăng thêm 50 nghìn đồng hai chiều lên 56,60-57,30 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng chiều mua vào và 570 nghìn đồng chiều bán ra.
Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 50 nghìn đồng hai chiều lên 53,56-54,16 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng 9999 thương hiệu NPQ giữ nguyên 53,35-53,95 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Trước giờ mở cửa, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 56,60-57,40 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 210 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 530 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội 56,55-57,25 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng chiều mua vào và 570 nghìn đồng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng mạnh 120 nghìn đồng chiều mua vào và bán ra lên 53,51-54,11 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ tăng 350 nghìn đồng chiều mua vào và 250 nghìn đồng chiều bán ra lên 53,35-53,95 triệu đồng/lượng…
Như vậy, sau phiên tăng mạnh, giá vàng SJC đã vượt xa mốc 57 triệu đồng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp lớn đã nới rộng khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra lên gần gấp đôi trước kia để hạn chế rủi ro khi giữ 700-800 nghìn đồng, trong khi các thương nhỏ vẫn duy trì khoảng này ở mức 600 nghìn đồng mỗi lượng.
(Theo Báo Giao Thông)
Giảm tần suất chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất trong 2 tuần
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cảng vụ hàng không liên quan việc khai thác các chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Thực hiện công tác khử trùng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hoàng Triều
Theo đó, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng khai thác các chuyến bay nội địa đến sân bay Tân Sơn Nhất theo kế hoạch đã ban hành kèm công văn 2278 ngày 31-5.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 1-6 đến 14-6-2021, các hãng khai thác tối đa 63 chuyến bay khứ hồi tới Tân Sơn Nhất mỗi ngày với 16 đường bay nội địa. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 28 chuyến, Vietjet 20 chuyến, Pacific Airlines 3 chuyến, Bamboo Airways 11 chuyến và Vietravel Airlines 1 chuyến.
Đường bay Hà Nội - TP HCM mỗi ngày 18 chuyến bay, gồm: Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) 7 chuyến, Vietjet 6 chuyến, Pacific Airlines 1 chuyến, Bamboo Airways 4 chuyến.
Đường bay Đà Nẵng - TP HCM mỗi ngày 2 chuyến: Vietnam Airlines 1 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Phú Quốc - TP HCM mỗi ngày 6 chuyến: Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet 2 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến, Vietravel Airlines 1 chuyến.
Đường bay Hải Phòng - TP HCM mỗi ngày 4 chuyến: Vietnam Airlines 1 chuyến, Vietjet 2 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Huế - TP HCM mỗi ngày 4 chuyến: Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet 2 chuyến.
Đường bay Quy Nhơn - TP HCM mỗi ngày 4 chuyến: Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet 1 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Vinh - TP HCM mỗi ngày 7 chuyến: Vietnam Airlines 3 chuyến, Vietjet 2 chuyến, Pacific Airlines 1 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Chu Lai - TP HCM mỗi ngày 3 chuyến: Mỗi hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Pacific Airlines 1 chuyến.
Đường bay Buôn Ma Thuột - TP HCM mỗi ngày 2 chuyến: Vietnam Airlines 1 chuyến và Vietjet 1 chuyến.
Đường bay Đà Lạt - TP HCM ngày 1 chuyến do Vietnam Airlines khai thác.
Đường bay Pleiku - TP HCM ngày 1 chuyến do Vietnam Airlines khai thác.
Đường bay Thanh Hóa - TP HCM ngày 6 chuyến: Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet 3 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Cam Ranh - TP HCM ngày 2 chuyến: Vietnam Airlines 1 chuyến và Bamboo Airways 1 chuyến.
Đường bay Tuy Hòa - TP HCM ngày 1 chuyến do Vietnam Airlines khai thác.
Đường bay Côn Đảo - TP HCM ngày 1 chuyến do Vasco khai thác.
Đường bay Đồng Hới - TP HCM ngày 1 chuyến do Vietnam Airlines khai thác.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 trên địa bàn cảng hàng không và trên máy bay.
Trước đó, ngày 31-5, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn hỏa tốc yêu cầu kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14-6-2021 (giờ Việt Nam) thay vì đến hết ngày 4-6-2021.
(Theo Người Lao Động)