Hai tuần trôi qua, người phụ nữ có tên N.T.H. từ người nhanh nhẹn trở thành một người, ít nói, ít cười. Người nhà vì quá lo lắng đã tìm đến nhờ sự tư vấn của chuyên gia tâm lý.
Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội không ít người tỏ ra bất ngờ trước thông tin có trường hợp bị trầm cảm sau khi kết hôn. Để tìm hiểu rõ thực hư, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến một số bệnh viện tâm thần, các trung tâm tư vấn tâm lý để lắng nghe các chuyên gia giải thích.
Chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Hoài Anh (Hà Nội) cho biết trong quá trình làm nghề của mình, chị đã tư vấn cho không ít trường hợp khách hàng bị trầm cảm dạng nhẹ. Còn hiện tượng trầm cảm sau kết hôn chị Hoài Anh cho rằng có nhưng chưa có số thống kê cụ thể, bởi đây là một vấn đề tế nhị, không phải ai sau khi cưới cũng sẵn sàng nói ra mình bị stress, trầm cảm.
Mới đây nhất, chị Hoài Anh vừa tư vấn cho một trường hợp trầm cảm sau hôn nhân.
Người đàn ông lo lắng vì vợ có những biểu hiện khác với ngày thương (Ảnh minh họa).
“Cách đây 2 tuần, một người đàn ông tầm khoảng 30 tuổi tìm đến tôi với vẻ mặt rất lo lắng. Người đàn ông này bắt đầu kể về hoàn cảnh mà mình đang gặp phải và xin tư vấn”, chị Hoài Anh kể.
Theo đó, người đàn ông này kể cách đây 3 năm anh kết hôn với người vợ kém mình 2 tuổi. Cô ấy xinh đẹp, nhanh nhẹn và tháo vát.
“Vợ của người đàn ông này hay nói, hay cười và thường hay làm nũng mỗi khi chồng quên quan tâm đến vợ. Thế nhưng, sau 3 năm kết hôn, vì công việc bận rộn nên người chồng thường xuyên đi công tác vắng nhà. Cũng trong thời điểm này người đàn ông phát hiện vợ mình có những biểu hiện lạ”, chị Hoài Anh kể.
Người đàn ông này kể có hôm anh đi công tác xa, bay chuyến bay đêm và đến gần sáng mới về đến nhà. Mở cửa ra thì anh giật mình thấy vợ ngồi yên trong một góc nhà. Anh có bật điện lên, hỏi vợ có chuyện gì thì chị gạt vội những giọt nước mắt và không nói gì thêm.
Người vợ thường xuyên khóc, không ăn, không ngủ khiến chồng lo lắng (Ảnh minh họa).
“Khi đó, người chồng có vỗ về an ủi và nghĩ chắc do vợ nhớ mình quá. Nhưng, biểu hiện này cứ lặp đi lặp lại với tần suất ngày một nhiều. Người đàn ông này tỏ vẻ lo lắng nói với tôi: “Vợ tôi tiều tụy đi trông thấy, cô ấy ít nói, ít cười không ăn cũng chẳng ngủ, cả ngày ủ rũ khiến tôi đi làm rất mệt mỏi. Mấy ngày qua tôi đã phải đưa đi khám nhưng bác sĩ nói có thể do cô ấy lo lắng quá, nhưng tôi có làm gì để cô ấy phải lo lắng?””, chuyên gia tâm lý Hoài Anh chia sẻ.
Từ câu chuyện của người đàn ông này, chuyên gia tâm lý Hoài Anh đã có buổi gặp riêng với người vợ thì cô vợ này nói chị lo lắng vì chồng thường xuyên đi công tác xa, cứ mỗi đêm chồng báo không về là chị lại nghĩ chồng đi với người khác. Rồi chị nghĩ ra đủ tình huống có thể xảy ra, từ đó dẫn đến mất ngủ và rơi vào trạng thái trầm cảm dạng nhẹ.
Sau khi nói chuyện với người vợ, vị chuyên gia tâm lý này cũng đã nói chuyện với người chồng. “Tôi đã trao đổi giải pháp chữa bệnh cho người đàn ông này là phải hạn chế hết mức có thể việc đi công tác, thường xuyên ở bên, quan tâm, nói chuyện đến vợ nhiều hơn. Đồng thời, nếu biểu hiện của cô ấy không thuyên giảm thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị”.