Từ vụ "thần đồng âm nhạc" Bé Châu bị trầm cảm: Tại sao người "nổi trội” dễ gặp vấn đề tâm lý?

DIỆU THUẦN - Ngày 04/07/2024 14:00 PM (GMT+7)

Khi áp lực bản thân phải giỏi, kết hợp với áp lực từ dư luận, gia đình liên tục xảy ra khiến các “thần đồng” liên tục bị stress mà không biết giải tỏa cùng ai, lâu ngày dẫn đến mắc trầm cảm.

“Thần đồng” Bé Châu mắc trầm cảm khi trải qua biến cố gia đình

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, cứ 20 người bình thường có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Có nhiều yếu tố khác nhau tác động, góp phần làm tâm trạng của một người bị ảnh hưởng kéo dài dẫn đến trầm cảm. 

Mới đây, “thần đồng âm nhạc” Bé Châu (tên thật Nguyễn Huy, 27 tuổi) chia sẻ mình mắc trầm cảm khi trải qua biến cố gia đình phá sản dẫn đến nợ nần, bà và chị cả qua đời. Bé Châu cho biết, thời gian bị trầm cảm, ca sĩ thường xuyên nhốt mình trong phòng khi ở nhà, gặp khó khăn trong giao tiếp, không biết cách mở lời, nhờ vả người khác.

Thần đồng âm nhạc Bé Châu ngày nhỏ và khi lớn lên.

Thần đồng âm nhạc Bé Châu ngày nhỏ và khi lớn lên.

"Thời điểm xảy ra biến cố, tôi từng nghĩ sẽ không theo nghề nữa nhưng sau cùng lại nhận ra mình không làm được gì khác. Nhiều lúc, trong túi tôi không có nổi 10 nghìn đồng để ăn hủ tiếu, nên phải ra ngoài bươn chải nhiều hơn. Tôi nhận hát ở mọi sự kiện dù cát-sê chỉ có 500 nghìn đồng, thậm chí hát miễn phí để mở rộng mối quan hệ. Khi trả hết nợ cũng là lúc tôi chẳng còn gì”, nam ca sĩ chia sẻ với báo VietNamNet.

May mắn, Nguyễn Huy vượt qua được biến cố và bệnh trầm cảm. Hiện anh đã vui vẻ trở lại, tích cực hơn, không muốn nhìn lại hào quang trong quá khứ, thậm chí sợ nghe lại giọng hát của mình khi xưa. Anh cho biết đang tập trung phát triển sự nghiệp để có thể lo cho cuộc sống bản thân và bố mẹ.

“Thần đồng” lịch sử Trung Quốc tự tử vì trầm cảm

Thông tin thần đồng âm nhạc Bé Châu mắc trầm cảm khiến nhiều người bất ngờ, nhưng ai cũng chúc mừng vì anh đã vượt qua. Thế nhưng, từng có một thần đồng mắc trầm cảm phải kết thúc cuộc đời của mình khi mới 18 tuổi. Đó là Lâm Gia Văn (SN 1998) được mệnh danh là thần đồng lịch sử của Trung Quốc. 

Báo VietNamNet thông tin, ở tuổi 16, Gia Văn đã tự xuất bản được 2 cuốn sách về lịch sử. Tưởng chừng sau khi xuất bản sách, Gia Văn sẽ nhận được sự cảm phục, khen ngợi của độc giả, nhưng lại hứng chịu sự tấn công của cư dân mạng đã khiến cho nam sinh này thường xuyên có các biểu hiện lạ như liên tục tháo kính ra, đi vào phòng ngủ, nhìn quanh những tấm bằng khen thưởng, nhưng không cảm thấy vui. Thậm chí, Gia Văn còn ngồi trên ban công, tự đặt ra câu hỏi: “Không biết tương lai, con đường của mình sẽ đi đến đâu”.

Thần đồng lịch sử Trung Quốc Lâm Gia Văn đã tự tử vì trầm cảm.

Thần đồng lịch sử Trung Quốc Lâm Gia Văn đã tự tử vì trầm cảm. 

So với các bạn đồng trang lứa, Gia Văn có phần trưởng thành, suy nghĩ chín chắn. Tuy nhiên, nam sinh này lại không thể hòa nhập với các bạn, nhưng cũng không muốn bị bỏ rơi hoặc cô đơn một mình. Chính sự xung đột trong suy nghĩ, cùng với việc bị dư luận nghi ngờ về khả năng của bản thân, Lâm Gia Văn đã trầm cảm. 

Sau khi phát hiện bệnh tình của Gia Văn, gia đình đã đưa con đi bác sĩ tâm lý để điều trị. Sau một thời gian, gia đình thấy tâm trạng của con trai có những biểu hiện ổn định, tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Khi những suy nghĩ không được giãi bày, Gia Vân quyết định nhảy lầu kết thúc cuộc đời khi mới 18 tuổi. 

Tại sao các “thần đồng” dễ rơi vào trầm cảm?

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Tại, trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Đối với những thần đồng mắc trầm cảm như trường hợp của Bé Châu và Gia Văn thì nguyên nhân có thể do sự kỳ vọng của người thân, áp lực từ dư luận, áp lực bản thân phải giỏi hơn người khác hay xảy ra một biến cố nào khiến tinh thần họ căng thẳng, mệt mỏi. Khi họ chìm đắm trong nỗi chán chường, buồn bã mà không thể giải tỏa, bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Theo bác sĩ Tâm, trầm cảm có rất nhiều dấu hiệu dễ nhận biết, nhưng những người xung quanh thường không thừa nhận, thậm chí bác bỏ tâm sự của người bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến họ càng thu mình, giấu những cảm xúc tiêu cực hoặc phải gồng mình lên để chống chọi lại cảm giác đơn độc. Khi cảm giác tiêu cực ngày càng lún sâu, họ chỉ biết tìm đến cái chết như một cách giải thoát.

Hãy có đời sống tinh thần vui vẻ, tích cực để tránh mắc trầm cảm. Ảnh minh họa.

Hãy có đời sống tinh thần vui vẻ, tích cực để tránh mắc trầm cảm. Ảnh minh họa.

Vượt qua trầm cảm như thế nào?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, để vượt qua trầm cảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm - thần kinh để được tư vấn và điều trị sớm. Ngoài ra, người bệnh nên có lối sống tích cực như ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục, đọc sách, trồng cây, làm vườn để tăng cường trao đổi chất và kích thích não thoát khỏi cảm xúc u buồn.

Trò chuyện với bạn bè, người thân, đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động xã hội cũng giúp giảm cảm xúc tiêu cực, nâng cao sức khỏe tinh thần. Nên tránh xa các bản nhạc buồn, các bộ phim tâm lý, tình cảm ủy mị... để tránh sầu não hơn.

Bác sĩ lưu ý, nếu phát hiện người nhà mắc trầm cảm có các dấu hiệu như chỉ muốn ở một mình, vui buồn bất chợt, hay nói đến cái chết, từ chối điều trị, bỏ thuốc... thì cần đưa tới bệnh viện có chuyên khoa tâm thần kinh để điều trị tích cực sớm, tránh để chuyện đáng tiếc xảy ra.

Cô gái vào khách sạn 5 sao ăn hết 11 triệu đồng: Mẹ thừa nhận con bị trầm cảm, bác sĩ nói gì?
Theo các bác sĩ, một số trường hợp rối loạn tâm thần, suy giảm khả năng nhận thức do bệnh lý, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn phân liệt… cũng...

Bệnh trầm cảm

Theo DIỆU THUẦN Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mental Health