Nữ biên tập viên trầm cảm năm 22 tuổi vì bị bạn trai phản bội, đến khi nhận cái tát mới tỉnh ra

DIỆU THUẦN - Ngày 24/03/2024 14:10 PM (GMT+7)

Phát hiện bạn trai ngoại tình, Tuyết Lam buồn bã, mệt mỏi, tự hành hạ bản thân đến trầm cảm. Phải một năm sau, trải qua cú sốc bị bạn trai đánh, chị mới thay đổi hoàn toàn.

Bị trầm cảm năm 22 tuổi vì bạn trai ngoại tình

Trầm cảm là bệnh lý rối loạn cảm xúc, biểu hiện đặc trưng là khí sắc trầm buồn, mất quan tâm thích thú, giảm sinh lực dẫn đến mệt mỏi, giảm hoạt động kéo dài ít nhất hai tuần. Đây một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 20 người bình thường có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao gấp đôi nam giới.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân quan trọng của trầm cảm là do hệ lụy của đời sống công nghiệp, bận rộn. Áp lực đời sống dẫn tới các sang chấn tâm lý ngày càng nhiều khiến con người mệt mỏi, căng thẳng quá mức và ít tìm kiếm được sự chia sẻ.

Ngoài ra, những người gặp trắc trở trong cuộc sống tình cảm như chia tay, li dị, thất bại trong kinh doanh, công việc, hệ lụy của truyền thông… cũng dễ mắc bệnh này. Cũng có nhiều người bị trầm cảm do những tổn thương thực thể như bệnh tật, chức năng não bộ thay đổi.

Chị Trương Tuyết Lam (34 tuổi), hiện là biên tập viên cho một công ty truyền thông ở TP.HCM. Lam thừa nhận từng trầm cảm khi bước vào tuổi 22, vì phát hiện bạn trai đã gắn bó 4 năm ngoại tình.

“Tôi đã sốc, buồn, cảm thấy vô vọng và bất lực. Nhưng tôi không tin mình bị phản bội, vì chúng tôi ngày nào cũng liên lạc với nhau”, nữ biên tập viên sinh năm 1990 nhớ lại.

Tuyết Lam phải mất hơn 1 năm sống trong đau khổ vì cú sốc tình cảm. Ảnh minh họa.

Tuyết Lam phải mất hơn 1 năm sống trong đau khổ vì cú sốc tình cảm. Ảnh minh họa.

Suốt một năm sau khi chị phát hiện bạn trai phản bội, giữa hai người liên tục xảy ra mâu thuẫn, bản thân chị muốn chia tay nhưng rất khó đưa ra quyết định. Là một người mạnh mẽ, quyết đoán và tự lập bỗng nhiên Tuyết Lam trở thành người dễ khóc, thường xuyên nổi nóng, cáu gắt với mọi người. Hay từng rất thích du lịch, tụ tập bạn bè, hòa đồng với mọi người, chị chuyển thành người không muốn làm gì, không có hứng thú làm gì và không có động lực để phấn đấu.

“Tôi mệt mỏi, không thiết tha đến việc ăn uống, chăm sóc bản thân. Từ một người cao hơn 1m60, nặng 56kg, tôi giảm xuống còn 36kg trong một năm. Nhìn người tôi lúc đó tiều tụy, thiếu sức sống, gầy xơ xác”, Tuyết Lam chia sẻ.

Đang cộng tác viết bài về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho một trang tạp chí, Tuyết Lam có cơ hội gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Vì vậy, chị biết mình đã trầm cảm. Vị bác sĩ và chuyên gia tâm lý cho biết, bệnh của Tuyết Lam mới ở giai đoạn đầu, chị chỉ cần nghỉ ngơi, suy nghĩ lành mạnh và nên ở bên bạn bè, người thân nhiều hơn để giúp mình trở nên vui vẻ, sống có động lực. “Tôi không phải uống thuốc hay đến bệnh viện thăm khám”, Tuyết Lam nói.

Thoát khỏi trầm cảm sau khi bị bạn trai đánh

Tuyết Lam tự trị bệnh cho mình theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị cũng mạnh dạn đối diện với việc mình bị phản bội và phải chấm dứt mối tình này. “Tôi đã theo dõi và biết được hai người họ thường vào một khách sạn. Cảnh tượng mình nhìn thấy khiến tôi sốc lần nữa, nhưng lúc đó tôi mới tin mình bị phản bội. Chúng tôi đã cãi nhau kịch liệt. Tôi bị anh ta đánh ngay lúc đó”, Tuyết Lam kể, giọng giận giữ.

Theo các bác sĩ, đi du lịch có thể giúp người mắc trầm cảm trị bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, đi du lịch có thể giúp người mắc trầm cảm trị bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa.

Tuyết Lam cho biết, sau khi bị bạn trai đánh, chị rất giận nhưng không còn sự luyến tiếc nào cho mối tình đầu kéo dài 4 năm. “Tôi thay đổi hoàn toàn ngay sau cú sốc đó”, Tuyết Lam nói. Chị quyết tâm phải thay đổi bản thân, khiến mình xinh đẹp, thành công và sống thật vui vẻ.

Điều Tuyết Lam bất ngờ là mình bị trầm cảm lúc trải qua một cú sốc, nhưng được đánh giá khỏi bệnh khi trải qua một cú sốc khác. Khi tìm hiểu, chị đọc được thông tin não có ảnh hưởng rất nhiều đến người bị loạn thần trong nghiên cứu của nhóm GS.TS tâm thần học Lena Palaniyappan và nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Robarts (Mỹ). Theo nghiên cứu này, não bộ của người bị loạn thần trong đó có trầm cảm sẽ nỗ lực tự xây dựng lại để chống lại những chấn thương và căng thẳng do các tình trạng tâm thần gây ra.

"Bộ não không thụ động mà là một cơ quan linh hoạt để có thể chống lại những chấn thương và căng thẳng do các tác nhân gây ra. Đối với bệnh nhân bị loạn thần, mô não sẽ tăng lên ở một số khu vực nhất định. Mức tăng này càng cao thì sẽ thực hiện chức năng nhận thức tốt hơn", Giáo sư Palaniyappan chia sẻ.

Hay làm vườn, nấu ăn, đọc sách... cũng là cách giúp người mắc trầm cảm vui vẻ trở lại. Ảnh: Diệu Thuần.

Hay làm vườn, nấu ăn, đọc sách... cũng là cách giúp người mắc trầm cảm vui vẻ trở lại. Ảnh: Diệu Thuần.

Tuyết Lam cho biết, đến nay chị thoát khỏi bệnh trầm cảm được hơn 10 năm, đã tăng lên hơn 50kg, sức khỏe bình thường. Hơn 10 năm qua, chị luôn vui vẻ, hòa đồng, biết làm đẹp và yêu bản thân. Chị cũng đã chia tay một mối tình nữa và có tình yêu mới. Yêu ai chị cũng trân trọng tình yêu và luôn suy nghĩ đến điều tích cực, rằng tình yêu sẽ thay đổi, khi không hợp nhau nữa hãy vui vẻ từ bỏ để đón nhận điều mới mẻ.

Về việc tự điều trị trầm cảm của Tuyết Lam, bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng, Bệnh viện tâm thần Mai Hương (Hà Nội) cho rằng, đây cũng là cách mà rất nhiều người mắc trầm cảm khác tự “chữa trị” cho mình và chấm dứt tình trạng trầm cảm nhờ vào những liệu pháp khá đơn giản.

Theo bác sĩ Phượng, di du lịch, tách mình khỏi môi trường tù túng ngột ngạt là một phương pháp dễ thực hiện và có hiệu quả tương đối cao. “Có đến gần 50% bệnh nhân của tôi vượt được stress nhờ vào phương pháp này mà không cần dùng thuốc”, bác sĩ Phượng chia sẻ.

Theo bác sĩ Phượng, đi xa một chuyến, có điều kiện cho những căng thẳng lắng lại, sẽ thấy thế giới bên ngoài rất rộng lớn, nhiều người trong số đó sau đó trở thành những người mê du lịch và thường xuyên dùng cách “đi chơi” để giải tỏa căng thẳng.

Một cách khác để giải tỏa tâm trạng xấu là tìm một thú vui nào đó mà bản thân say mê để “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm. Có thể là chơi nhạc, vẽ, nhảy múa, tập võ, tập nấu ăn, pha chế đồ uống, tập viết văn, nuôi thú cưng...

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Nữ sinh Quảng Bình trầm cảm sau sinh tự cầm dao rạch bụng
Đang là sinh viên năm thứ 3, Hương trót có bầu rồi mang thai, sinh con khi chưa kịp tổ chức đám cưới, sau đó cô bị trầm cảm vì cuộc sống thay đổi,...

Trầm cảm sau sinh

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mental Health