Chiến dịch "Less plastic - Giảm nhựa" không chỉ là vấn đề của người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng cần chung tay từ những điều nhỏ nhất.
Trẻ em bắt đầu có ý thức "giảm nhựa"
Bắt đầu rộ lên và duy trì từ năm 2018, chiến dịch "Less plastic - Giảm nhựa" được lan truyền khắp nơi trên thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa, ngưng hoặc hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa và những sản phẩm từ nhựa khác.
Đến nay, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa của người Việt cũng đã có những thay đổi tích cực. Rất nhiều hàng quán thay đổi từ việc dùng cốc nhựa, ống hút nhựa, vỏ bọc nilon,... sang cốc thủy tinh, ống hút inox, ống hút tre,... và khuyến khích khách hàng tự mang cốc và không sử dụng ống hút...
Các bà các mẹ dần ưa dùng các loại túi vải, làn đi chợ, giới trẻ ưa chuộng các loại bình thủy tinh xinh xắn, chị em văn phòng dần quen với việc bớt các loại túi nilon, hộp nhựa,... Và cả trẻ con cũng bắt đầu chung tay vào chiến dịch giảm nhựa.
Khảo sát một số học sinh các trường trên địa bàn Hà Nội, một số em đã thực sự hiểu được tầm quan trọng từ việc hạn chế dù chỉ một chiếc túi nilon. Em Nguyễn Bảo Châu (học sinh lớp 5, Ba Đình) chia sẻ: "Con mua đồ ăn sáng cũng bảo cô bán hàng không dùng túi nilon đựng mà cầm ăn luôn. Mẹ con cũng mua cho con một cái túi vải để mua đồ gì thì đựng mà không cần túi nilon nữa".
Em Bảo Châu rất tích cực trong các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
Em Lê Bảo Ngọc (học sinh lớp 5, Hoàn Kiếm) cũng được cô giáo trên lớp hướng dẫn sử dụng tiết kiệm và giảm thiểu rác thải nhựa: "Mỗi khi có túi nilon là con giữ lại để đựng rác chứ không vứt đi ngay. Những chương trình giảm nhựa bảo vệ môi trường cũng được cô chủ nhiệm phổ biến trên lớp".
Em Bảo Ngọc chia sẻ bản thân có các thông tin về bảo vệ môi trường qua sự chỉ dẫn của cô giáo
Không chỉ giáo viên các trường bắt đầu rèn luyện ý thức giảm nhựa bảo vệ môi trường cho học sinh mà các phụ huynh cũng dần rèn luyện cho con những thói quen tốt. Em Lương Đức Thái An (học sinh lớp 5, Ba Đình) chia sẻ: "Ở nhà bố mẹ con tích trữ nhiều túi nilon lắm. Túi nào đẹp, sạch sẽ thì có thể đựng đồ nhiều lần. Những loại khác thì nhà con dùng đựng rác. Bố mẹ con cũng dặn không được vứt rác bừa bãi".
Em Thái An cho biết bản thân học hỏi từ bố mẹ các kiểu tái sử dụng túi nilon
Các em cũng cho biết mình hiểu biết các vấn đề môi trường thông qua nhiều hình thức: do bố mẹ, cô giáo dạy, đọc trên mạng hoặc xem các chương trình thời sự. Có thể nói đây là những tín hiệu đáng mừng khi các chiến dịch đã đến với nhiều đối tượng, để tất cả mọi người cùng hiểu nhiệm vụ của mình, hiểu được môi trường sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn bằng những điều nhỏ bé nhất.
Vẫn còn nhiều bạn nhỏ chưa được tiếp cận
Bên cạnh một số em hiểu biết và nhận thức được vấn đề, vẫn còn nhiều bạn nhỏ chưa nắm bắt được thông tin. Em Phạm Nguyên Hà My (học sinh lớp 5, Tây Hồ) chia sẻ: "Lớp em chắc chỉ được... 2% các bạn có ý thức thôi. Phần lớn là cán bộ lớp hiểu và nhắc nhở các bạn. Còn lại thì chưa ý thức lắm. Có bạn còn chuyên gia vứt rác trong ngăn bàn, dưới sàn lớp làm cho các bạn trực nhật hoặc cô lao công phải dọn".
Em Hà My chia sẻ chỉ mới có các cán bộ lớp có ý thức bảo vệ môi trường
"Lớp em thì các bạn chưa có ý thức lắm, đặc biệt các bạn con trai không chú ý đến vấn đề này. Hộp sữa uống xong thì vứt luôn trên đường ấy chứ. Hội con gái bọn em thì hay nói chuyện hơn, thấy em dùng túi vải để mua đồ thay vì dùng túi nilon thì các bạn cũng rất thích và hỏi chỗ mua, thành ra cũng coi như là mình làm một việc gì đó tốt cho môi trường", em Trần Hà An (học sinh lớp 9, Ba Đình) cho biết.
Em Hà An bắt đầu thường xuyên sử dụng túi vải để đựng đồ mà không cần dùng túi nilon từ người bán hàng
Như vậy, các chiến dịch "Less plastic - Giảm nhựa" đã dần cho thấy kết quả, dù vậy chúng ta vẫn cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đặc biệt, các em nhỏ cần sự chỉ dẫn từ phía gia đình, thầy cô để các em có cái nhìn đúng đắn và thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa từ những việc làm nhỏ nhất.