Bệnh viện Nhân dân Taizhou Jiangsu, ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã phát hiện 2 người sở hữu nhóm máu hiếm nhất thế giới, còn được gọi là “nhóm máu vàng”.
Theo Thời báo Hoàn cầu ngày 30/8, Bệnh viện Nhân dân Taizhou Jiangsu, ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc tình cờ phát hiện nhóm máu Rh-null trong cơ thể một nữ bệnh nhân bị thiếu máu nặng. Chị gái của bệnh nhân cũng được kiểm tra và phát hiện mang nhóm máu tương tự.
Thông tin về 2 người phụ nữ mang nhóm máu hiếm nhất thế giới đang trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Weibo với hơn 620 triệu lượt xem và bình luận.
Nhóm máu “quý hơn vàng”
Hầu hết mọi người đều biết các nhóm máu chính là A, B, AB, O và trong mỗi nhóm chứa hàng triệu loại khác nhau, theo Fox News. Sự đa dạng này là do các kháng nguyên chứa đầy trên màng tế bào hồng cầu.
Kháng nguyên là các phân tử kích hoạt sản xuất một số protein chuyên biệt gọi là kháng thể, có tác dụng bảo vệ con người khỏi nhiều loại bệnh tật. Sự tồn tại hay khuyết thiếu của một số kháng nguyên sẽ quyết định nhóm máu của mỗi người.
Khoa học hiện xác định có 342 loại kháng nguyên khác nhau, trong đó khoảng 160 loại là phổ biến. Thông thường, các kháng nguyên được phân chia nằm trong 35 hệ thống nhóm máu. Trong đó, hệ thống Rhesus (Rh) được xem là đa dạng nhất với 61 kháng nguyên.
Nhưng Rh-null là nhóm máu duy nhất không chứa bất kỳ kháng nguyên nào có trong hệ Rh. Chính vì thế, người mang máu Rh-null có thể truyền máu cho bất cứ ai sở hữu nhóm máu trong hệ thống Rh.
“Đây là loại máu quý như vàng”, TS. Thierry Peyrard - Giám đốc Phòng thí nghiệm các vấn đề liên quan đến miễn dịch học quốc gia ở Paris (Pháp), cho biết.
Nhóm máu cực hiếm
Theo trang Mosaic Science, nhóm máu Rh-null lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1961 ở nữ thổ dân người Aboriginal, Australia.
Trước đó, các bác sĩ cho rằng một phôi thai thiếu tất cả kháng nguyên tế bào Rh sẽ không thể sống sót và phát triển thành một người bình thường. Cùng với đó, xác suất một người mang gen đột biến sinh ra RH-null là vô cùng thấp nên người ta không thể tin nhóm máu này có thể xuất hiện trên thế giới.
Sau hơn 50 năm, chỉ có khoảng 43 người có nhóm máu Rh-null đã được báo cáo trên toàn thế giới.
Máu Rh-null trở thành món quà vô giá với giới y học toàn cầu. Các nhà khoa học đã tìm rất nhiều cách kiếm mẫu máu để khám phá những bí ẩn của nhóm máu này. Ở nhiều nơi trên thế giới, máu Rh-null được bảo quản trong ngân hàng riêng, nhằm đề phòng bị đánh cắp. Dù các mẫu hiến máu hoàn toàn ẩn danh nhưng các chuyên gia huyết học vẫn cố gắng tìm ra người hiến để đề nghị họ hiến thêm. Việc sở hữu mẫu máu Rh-null để nghiên cứu đối với các nhà khoa học cũng không hề dễ dàng.
Nhiều rủi ro về sức khỏe
Người sở hữu nhóm máu hiếm gặp nhiều rủi ro về sức khỏe khi thực hiện các thủ tục y khoa như phẫu thuật, sinh nở hay khi gặp tai nạn. Đặc biệt, người mang nhóm máu Rh-null không thể tiếp nhận bất cứ loại máu nào khác, đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ tử vong vì mất máu cao hơn hẳn người bình thường.
Những người mang nhóm máu Rh-null cũng gần như không thể tiến hành cấy ghép nội tạng. Khi bị truyền nhóm máu khác loại, phản ứng đào thải có thể giết chết họ gần như ngay lập tức.
Cống hiến cho khoa học
Nhiều người mang nhóm máu Rh-null đã lựa chọn cống hiến cho khoa học. Thomas - người Thụy Sĩ phát hiện mình mang nhóm máu hiếm sau một tai nạn nhỏ. Sau đó, anh luôn lái xe cẩn thận và không đi du lịch đến những quốc gia thiếu cơ sở y tế hiện đại. Ngoài ra, anh luôn giữ một tấm thẻ xác nhận nhóm máu Rh-null trong ví phòng trường hợp phải nhập viện.
Khi đã đủ 18 tuổi, Thomas bắt đầu đi khắp nơi để hiến máu. Sau 1 lần nhận được yêu cầu khẩn cấp hiến máu cứu sống một em bé sơ sinh, anh nhận ra nhóm máu của mình thật sự quý giá.
James Harrison cũng là 1 người mang nhóm máu hiếm. Ông đã trải qua ca phẫu thuật lồng ngực cắt bỏ lá phổi năm 14 tuổi.
"Vài ngày sau ca phẫu thuật, tôi được cha giải thích về những gì đã xảy ra. Ông nói tôi đã nhận được 13 đơn vị máu từ những người xa lạ. Do đó, tôi muốn trở thành một người hiến máu", Harrison kể lại.
Kể từ đó, gần như tuần nào trong suốt 60 năm qua, ông cũng đều đặn hiến huyết tương. Ông được gọi là "người đàn ông có cánh tay vàng".
Tại Australia, mỗi năm có hàng nghìn trẻ sơ sinh tử vong do tình trạng sảy thai và tổn thương não. Đây là hệ quả của bệnh rhesus - bệnh tán huyết trẻ sơ sinh - 1 biến chứng thai kỳ xảy ra khi người mẹ có Rh- sản xuất các kháng thể chống lại tế bào hồng cầu có Rh+ của thai nhi.
Các bác sĩ cho biết máu của Harrison sở hữu một loại kháng thể bất thường - là lời giải vấn đề mang tính sống còn. Ông đã tích cực hỗ trợ để các bác sĩ để sử dụng kháng thể tạo ra một loại thuốc có tên Anti-D, giúp ngăn ngừa phụ nữ có nhóm máu âm tính Rh phát triển kháng thể RhD trong thời kỳ mang thai. Loại thuốc này đã cứu sống được hơn hai triệu trẻ sơ sinh, theo Dịch vụ Chữ thập đỏ Australia.
"Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của James đặc biệt phi thường. Máu của ông thực sự được sử dụng là liều thuốc cứu mạng, được truyền cho các bà mẹ có thành phần máu tấn công thai nhi", Jemma Falkenmire, thành viên Dịch vụ Máu chữ thập đỏ Australia, giải thích.