Từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, người dân tham gia giao thông bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Các cơ quan cấp giấy phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TPHCM để kiểm tra, giám sát. Mẫu giấy đi đường, TPHCM sẽ ban hành kèm theo hướng dẫn.
Ngày 21/8, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản khẩn, quy định một số nhiệm vụ về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, để tăng cường siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị số 16, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 10h ngày 23/8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định; riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện như 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại công văn số 2491/UBND-KT.
TPHCM cũng quy định, các đối tượng được cấp giấy đi đường, gồm Thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị không quá 10%.
Cơ quan được cấp giấy gồm Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan ban Đảng, đoàn thể, Tổng Công ty trực thuộc TPHCM chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý. Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trú đóng tại TPHCM chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý. UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn cấp giấy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thuộc đơn vị, địa bàn quản lý (chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa bàn quản lý).
Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TPHCM để kiểm tra, giám sát. Mẫu giấy đi đường, TPHCM sẽ ban hành kèm theo hướng dẫn. Các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích phải mặc đồng phục. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác sẽ mặc áo nhận diện do TPHCM cấp.
Từ 0h ngày 23/8, TPHCM sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch”, đến hết ngày 6-9.
Cụ thể, thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phốlấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn. Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam", “vùng đỏ").
Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 0h ngày 23/8.
TPHCM chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian này, TPHCM sẽ xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.
TPHCM cũng thành lập thêm 400 trạm y tế lưu tại các khu vực có nhiều F0; có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh... Chuẩn bị 100.000 túi thuốc đều trị F0 tại nhà.