Tâm, giáo viên cấp 2 đã 12 năm nói với tôi “Em yêu công việc, thương các con học trò nhưng càng ngày càng sợ phụ huynh anh ạ!”. Cô sợ họ chiều chuộng con, ngại xét nét với thầy cô, e dè những phán xét giáo viên của phụ huynh trên facebook…
Tâm kể, giờ đây cả nói lớn tiếng với vài ba em hơi nghịch cô cũng không dám khi chỉ một sơ suất nhỏ của giáo viên cũng bị dân face “xâu xé” không thương tiếc.
Tôi đã từng chứng kiến cô giáo con trai nhỏ của mình vì bắt học sinh hắt mực vào mặt bạn chép phạt 1000 lần mà phụ huynh em ấy kiện lên khiếu nại xuống khiến cô bị đình chỉ dạy 2 tháng!
Ngay cả cách dạy học trò, Tâm và đồng nghiệp cũng không ít lần ngán ngẩm khi phụ huynh bảo họ rằng các cô phải dạy abcd rồi xyz thế này thế khác, hay ở Mỹ, Pháp người ta dạy khác cơ!
Cùng chung tay, góp ý và “đồng tâm hiệp lực” dạy trẻ mà đại đa số giáo viên hoan nghênh nhưng can thiệp quá sâu hay hơi thô bạo vào công việc của họ chắc chắn không nên.
Không chỉ Tâm mà bạn bè tôi theo nghề giáo đều chung nỗi “sợ phụ huynh hơn cả cấp trên và đống công việc ngồn ngộn”. Nhiều vị không thông cảm, ít chịu lắng nghe, tìm hiểu con mình… mà chỉ chăm chăm “ nó ngoan lắm, hiền lắm sao lại phạt nó,mắng nó. Tôi nuôi con có bao giờ dám thế đâu mà sao thầy cô ác quá!”.
Cha mẹ có thể bạt tai con cái, răn dạy bằng những cây roi hay la rầy chúng rất nhiều lần. Nhưng thầy cô chỉ cần 1/10 như thế đã thành một sự kiện khó dung thứ! Thời nay đã khác, không thể dạy trẻ bằng roi vọt như xưa. Tuy nhiên chép phạt, đứng ở góc lớp, quét dọn vệ sinh… mà cũng bị lên án nữa thì răn trẻ bằng gì?
Cảnh một cô giáo đánh học sinh bị quay lại và đăng lên mạng
Con cái có thể là “vàng bạc châu báu” ở nhà nhưng khi hòa vào tập thể rất cần thiết một kỷ cương chung, không hà khắc tuy nhiên phải đủ nghiêm để tất cả tuân thủ. Bây giờ phụ huynh có thể khó chịu nhưng lâu dài sẽ tốt cho cha mẹ lẫn các em và có khi với cả xã hội này.
Sáng nay tôi vừa đọc trên facebook chồng của một cô giáo lâu năm thế này: “Nay thầy đụng vào trò bằng cái bàn tay mềm - cha mẹ sẽ giở dép đập vào mặt thầy giáo kèm theo 'truyền thông kền kền' rỉa rói thầy như một tên tội phạm!
Bởi thế nên thầy giáo hôm nay đứng trên bục giảng mà như đứng trên cầu khỉ có thể ngã xuống bùn bất cứ lúc nào. Nhiều thầy cô uất nghẹn chịu thua khi đứng trước cảnh học trò hỗn láo mà mình không dám làm gì”. Có lẽ đó không phải suy nghĩ ở người thân hay số ít giáo viên.
Tôi phản đối bạo lực học đường và răn đe học sinh bằng roi vọt, tôi cũng không đồng tình với những lời nhục mạ con trẻ hay mắng mỏ thiếu lý thiếu tình với các em. Nhưng tôi ủng hộ lối giáo dục nghiêm khắc, đưa học trò vào khuôn khổ để thầy ra thầy, trò ra trò, học ra học , chơi ra chơi.
Không thể có một lớp học trò ngoan, biết phải trái và hành xử đúng mực kể cả khi vào đời nếu không được uốn nắn đúng đắn tù khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hơn tháng trước, những nội quy của Trường PTTH Lương Thế Vinh ( Hà Nội) đã gây bão mạng. Đó là “Nữ sinh không được nhuộm tóc, đi học muộn quá 5 phút phải lao động công ích suốt thời gian một tiết, học sinh có biểu hiện gian dối khi mời phụ huynh đến trường sẽ bị đình chỉ.
Học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm”.
Nội quy nghiêm khắc của trường THPT Lương Thế Vinh
Ai cho đó là hà khắc nhưng tôi thì không. Làm sao đưa học sinh vào nề nếp khi cứ mãi nuông chiều hay dung túng cho những điều chưa nên có ở tuổi đến trường?
Nhuộm tóc, xăm vài vết nhỏ, cắt sát mái, hút thuốc, nữ sửa váy cao hơn gối, nói xấu bạn bè, thầy cô hay ngôi trường đang học vô cớ trên face hoặc chỉ like a-dua… là những điều mà trường con tôi tuyệt đối cấm.
Hầu hết phụ huynh cũng ủng hộ mà nhiều nơi khác cho rằng khắt khe ấy. Họ không phản đối vì nghĩ rằng điều ấy tốt cho cả gia đình lẫn nhà trường.
Tôi nghĩ đơn giản thế này: chúng ta có thể đúng trong những việc khác nhưng cách giảng và dạy dỗ thì nên để cho nhà trường. Khi nào nơi ấy làm không được, chưa hay hoặc đè nén trẻ thì hãy lên tiếng.
Còn lại hãy chăm lo, quan tâm khi các em ra khỏi cổng trường hơn là làm thay vai trò người thầy và xét nét giáo viên từng chút. Như vậy đã là “tôn sư trọng đạo” rồi đấy ạ!