Gần đây có tình trạng người lao động tự ý xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, làm cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Nhiều khó khăn và kiến nghị cũng được cộng đồng doanh nghiệp trình bày với lãnh đạo UBND TP.Hà Nội tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2015 do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 2/3/2015.
Nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đến đầu năm 2015, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, ông Hoàng Long Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội (HBA) cho hay, thị trường trong nước chưa hồi phục, sức mua thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nữa như lòng tin của người tiêu dùng suy giảm do nạn hàng giả hàng nhái hoành hành.
Đặc biệt, gần đây nhiều doanh nghiệp có tình trạng người lao động tự ý thôi việc để được hưởng trợ cấp thôi việc, làm cho doanh nghiệp thiếu lao động, ông Hoàng Long Quang nói.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc công ty cổ phần phát triển Hà Nội cho hay, những cải cách thể chế đột phá đã mang lại hiệu quả to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua, góp phần cho doanh nghiệp Việt Nam được hưởng. Tuy nhiên, những cải cách về hải quan và thuế vẫn chưa được như mong muốn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Mạnh dạn trình bày những khó khăn của doanh nghiệp mình trong năm mới, ông Đoàn Trọng Lý bày tỏ, doanh nghiệp của ông hiện đang cực kỳ khó khăn trong thời kỳ hội nhập. Ông Đoàn Trọng Lý nói: “Hành trang của chúng tôi là con số 0, là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít. Trong khi đó, những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều”.
Ông Đoàn Trọng Lý cũng bày tỏ những đồng cảm với lãnh đạo thành phố Hà Nội nhưng cũng thành thật mong muốn, trong việc giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp nông nghiệp, các cơ chế phải sát sao và kịp thời thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp.
Chẳng hạn, hiện nay lãi suất ngân hàng còn đang ở mức cao, hầu hết doanh nghiệp phải vay với mức 9%/năm, thậm chí có khi lên đến 11% -12%/năm, là mức quá cao để doanh nghiệp có thể làm ăn có lãi trong thời điểm này. Ông Đoàn Trọng Lý thẳng thắn với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, mức 7% - 8% chỉ là nói với nhau chứ doanh nghiệp không thể vay được. Với lãi suất cao như vậy, làm sao doanh nghiệp có thể cạnh tranh? Theo ông Đoàn Trọng Lý, mức lãi suất bình quân khoảng 7,5% đổ lại thì doanh nghiệp Việt Nam mới có thể kinh doanh và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Tình trạng lao động tự ý bỏ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp làm doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. Ảnh minh họa: Khampha.vn
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm
Giải đáp những thắc mắc của ông Đoàn Trọng Lý, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hà Nội cho hay, chính sách lãi suất liên quan cơ chế vĩ mô và nhiều cơ chế chính sách khác. Hiện, lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm 5%-6%, trong đó lãi suất huy động tốc độ giảm chậm hơn lãi suất cho vay.
Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thuộc đối tượng ưu tiên và có trần lãi suất huy động để các Ngân hàng không tăng lãi suất cho vay với các đối tượng này.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương đề nghị các doanh nghiệp tìm hiểu xem mình thuộc đối tượng và chính sách ưu tiên nào để được ưu tiên lãi suất. Cho vay nông nghiệp, nông thôn phải thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khác là 1%.
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện lãi suất hợp lý, giảm lãi suất vay trung và dài hạn thêm 1% -1,5% để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Về khó khăn huy động vốn của các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội kiến nghị, trong năm 2015 đề nghị lãnh đạo UBND thành phố tạo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn về vốn là khó khăn chiếm tới 95% khó khăn của các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Long Quang đề nghị lãnh đạo UBND thành phố xem xét hỗ trợ để giảm chi phí điện nước, thuê nhà, có biện pháp tăng cung năng lực vận tải, giảm điều kiện kinh doanh vận tải, đưa ra ưu đãi có thời hạn để tăng cạnh tranh mạnh mẽ trong vận tải nhằm mục đích giảm giá cước vận tải, từ đó giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Về khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, ông Hoàng Long Quang đề nghị hỗ trợ thị trường để giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, hạ giá thành, nâng ccao hiệu quả xúc tiến thương mại, tăng xử phạt hàng lậu, hàng kém chất lượng; Riêng về tình trạng lao động đơn phương xin thôi việc để hưởng trợ cấp, ông Hoàng Long Quang đề nghị Nhà nước có chính sách để khắc phục tình trạng này.
Năm 2015, rất ít có khả năng tuyết rơi ở Việt Nam Doanh nghiệp tăng giá vé xe bất chấp xăng dầu giảm 40% |