Trở thành người giàu nhất nhì xứ Đông Dương, tỷ phú Ngô Tử Hạ thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội, hỗ trợ phong trào nâng cao dân trí và trực tiếp tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế người nghèo đói.
Nhắc đến những tỷ phú/nhà tư sản yêu nước thương dân đầu thế kỷ XX, chúng ta không thể không nhắc đến ông Ngô Tử Hạ - một nhà tư sản lớn của dân tộc. Và con đường giúp ông có được "vinh quang" ấy vô cùng hấp dẫn khiến bao người lúc bấy giờ ngưỡng mộ lấy làm gương sáng.
Từ chàng trai nghèo trở thành nhà tư sản lớn tại Đông Dương
Ông Ngô Tử Hạ (SN 1882) sinh ra tại vùng quê nghèo Quy Hậu (Kim Sơn, Ninh Bình) trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ ông sớm bộc lộ trí thông minh nên khi theo học trong trường dòng đã nhanh chóng trở thành học sinh giỏi, thành thạo tiếng Pháp. Sau đó ông lập gia đình.
Năm 17 tuổi, vợ ông qua đời để lại hai con nhỏ. Ông đã gửi con cho bố mẹ nuôi rồi rời quê lên Hà Nội làm thuê đủ nghề kiếm sống. Ban đầu ông vào làm thuê cho một cơ sở in bao bì, chủ yếu là in vỏ bao thẻ hương. Ông đã vận dụng trí thông minh, khả năng đọc nói tiếng Pháp và chịu khó nghiên cứu, nâng cao năng suất lao động. Vì thế thu nhập của ông không ngừng tăng lên.
Vài năm sau, ông tích cóp được số vốn lớn đã mua máy in và mở cơ sở in riêng. Đặc biệt ngay sau khi ông đặt mua tại Pháp một lô hàng lớn giấy và mực in, hàng về đến nơi thì chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, kênh đào Suez đóng cửa, việc giao thương Âu - Á gặp khó khăn, giấy tăng giá hàng trăm lần. Hơn nữa việc quản lý nhà in chặt chẽ, chất lượng in tốt, giá cả cạnh tranh và giao du rộng nên nhà in của ông đã thu hút được nhiều khách hàng.
Và khi kinh tế ổn định, ông cưới một cô gái Hà thành làm vợ. Ông được nhà vợ hậu thuẫn nên công việc làm ăn ngày càng "phất như diều gặp gió", mua thêm nhiều máy in loại điện đại, mở rộng ngành in và trở thành người nổi tiếng trong lĩnh vực in ấn. Dần dần ông đã trở thành một trong 300 nhà tư sản giàu nhất Đông Dương.
Ông Ngô Tử Hạ ngoài cùng bên trái.
Sử sách ghi rằng, trước Cách mạng tháng Tám, các nhà in của ông là cơ sở in sách báo của nhân sĩ, trí thức yêu nước. Ông từng đảm nhiệm chức Giám đốc tạp chí Đông Thanh, là thành viên của Ban Trị sự báo Nam Phong và Hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội.
Đầu năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh. Các nhà in của ông trở thành cơ sở in sách báo, tài liệu tuyên truyền cổ động của Việt Minh, đặc biệt là in một khối lượng khá lớn truyền đơn của Việt Minh, Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban dân tộc giải phóng nhằm cổ vũ nhân dân vùng lên giành chính quyền, in Tuyên ngôn Độc Lập của Chủ tịch Hồ Chính Minh.
Đây cũng là nơi in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông đã ủng hộ chính quyền cách mạng nguyên liệu để in ấn các tài liệu.
Tích cực hoạt động từ thiện, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng
Trở thành người giàu nhất nhì xứ Đông Dương, tỷ phú Ngô Tử Hạ thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội, hỗ trợ phong trò nâng cao dân trí và trực tiếp tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế người nghèo đói. "Trước 1945, ban ngày cụ thường đi giao lưu, hoạt động từ thiện, tối khuya mới về nhà in. Ban đêm, cụ chỉ ngủ 1 - 2 tiếng đồng hồ, còn lại thì dành cho việc kiểm tra sổ sách kế toán và các công việc khác của nhà in. Đặc biệt cụ rất quan tâm đến việc học của dân, nhất là với người nghèo", ông Trịnh Văn Đường - cháu ngoại của ông Ngô Tử Hạ chia sẻ.
Hiện tại, con cháu ông Ngô Tử Hạ vẫn lưu giữ những bức ảnh rất sinh động về hoạt động cứu tế của ông như là cảnh ông khăn xếp, áo the, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; ông đi kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo từ Hà Nội lên Hà Đông trên đoàn xe điện; cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói tại Nhà thờ lớn Hà Nội...
Ông Ngô Tử Hạ đọc diễn văn trong cuộc Vận động cứu đói Hà Nội đầu năm 1946. Ảnh tư liệu
Ông Ngô Tử Hạ còn làm cầu nối giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cựu hoàng Bảo Đại. Bởi trong thời gian mở nhà in tại Huế, ông đã quen thân, giao hảo với một số quan lại triều đình và kết giao với hoàng đế Bảo Đại. Vì thế khi chuẩn bị cho việc Bảo Đại thoái vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ông làm nhà thương thuyết, để sau đó Bảo Đại đồng ý thoái vị và nhận làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cách mạng tháng Tám thành công, vị tỷ phú gốc Ninh Bình tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhà in của ông đã nhận in một số lượng lớn sách học chữ cho bình dân học vụ.
Với những việc làm đầy ý nghĩa trên, ông Ngô Hạ Tử càng trở nên nổi tiếng, có uy tín trong các tầng lớp nhân dân, giới trí thức và cả hàng ngũ quan chức thực dân. Ông đã trở thành cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I và là người đọc Tuyên ngôn Quốc hội ngày 2/3/1946. Đây là quá trình tất yếu đến với cách mạng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước .
Khi toàn quốc kháng chiến, ông tản cư về Ninh Bình, quân Pháp nhảy dù vào Ninh Bình và tìm mọi cách để mua chuộc ông nhằm tìm cách phá hoại cách mạng. Để bảo toàn khí tiết và sự nghiệp cách mạng của nước nhà, ông và gia đình được sự giúp đỡ của Hồ Chủ tịch đã sang định cư ở Thuỵ Sĩ từ năm 1947-1954.
Sau hiệp định Giơ-ne-vo, ông trở về nước tiếp tục làm việc trong Ban Thường vụ Quốc hội khóa I, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Ủy ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình thành phố Hà Nội.
Năm 1960, tỷ phú Ngô Tử Hạ đã tự nguyện đem hiến cho Nhà nước khối tài sản khổng lồ như: nhà số 24 - 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2); nhà số 60 Nguyễn Du (1.095m2); nhà số 8 Lý Quốc Sư (84m2); nhà số 4 đường 339 Thịnh Yên (2.210m2); nhà số 31 Hàng Bông (182m2). Ông chỉ giữ lại 200m2 đất làm nơi ở và sau này dùng để thờ tự.
Năm 1973, ông qua đời tại Hà Nội.