Bệnh viện 198 - Bộ Công an, bác sĩ, người nhà bệnh nhân phải đi xách từng can nước để sinh hoạt. Trong khi đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng phải tạm dừng tất cả các ca mổ chủ động vì thiếu nước sạch...
Sáng 26.9, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội lại vỡ lần thứ 15, tại km26 + 350, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… bị ảnh hưởng. Tại Bệnh viện (BV) 198 - Bộ Công an (quận Cầu Giấy), bác sĩ, người nhà bệnh nhân phải đi xách từng can nước để sinh hoạt. Đặc biệt, tại BV Phụ sản Hà Nội (quận Ba Đình), nước dự trữ trong bể cũng hết, các bác sĩ phải tạm dừng tất cả các ca mổ chủ động vì thiếu nước sạch.
Bao giờ nguồn nước mới ổn định?
Trao đổi với phóng viên ngày 30.9, ông Đào Quang Minh - Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa, đơn vị cung cấp nước cho BV Phụ sản Hà Nội - cho hay, hằng ngày, đơn vị cung cấp nước với lưu lượng khoảng 116.000m3/ngày đêm cho các hộ dân trên địa bàn quận Đống Đa, trong đó, nhà máy nước Sông Đà cấp cho xí nghiệp khoảng 25.000m3/ngày đêm.
Ngày 26.9, lại vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 15. Sau 4 ngày, Công ty nước sạch Vinaconex mới cấp nước trở lại cho xí nghiệp. Thời gian cấp khoảng 10 tiếng/1 ngày (từ 23h hôm trước đến 9h sáng hôm sau). Do vậy, khu vực ngõ 1194, 850 đường Láng; 102 Pháo Đài Láng; khu tập thể Khí tượng đường Nguyễn Chí Thanh; BV Phụ sản Hà Nội bị thiếu nước.
Trưa 30.9, nước sạch tại một số khu điều trị của BV Phụ sản Hà Nội vẫn chảy nhỏ giọt.
“Do phía đơn vị bán nước (Công ty nước sạch Vinaconex) cung cấp không đủ nước cho chúng tôi nên những khu vực trên bị thiếu nước sạch. Chúng tôi đã phải lấy nguồn nước giếng ngầm từ các xí nghiệp khác cấp luân phiên, chia sẻ cho khu vực dân cư thiếu nước, trong đó có BV Phụ sản Hà Nội. Như vậy, nguồn nước hiện nay chỉ đạt khoảng 90% nhu cầu của người dân, thiếu 10% nguồn nước”, ông Minh thông tin.
Ông Minh cho biết, ngoài thiếu nguồn nước Sông Đà, khu vực BV Phụ sản Hà Nội nằm ở đường Đê La Thành, có địa hình cao, xa nguồn chính nên việc cấp nước gặp khó khăn.
“Tối 29.9, chúng tôi đã cử 10 công nhân xuống hiện trường, lắp đặt thêm máy 1 máy bơm (công suất 25m3/h) hút nước trực tiếp từ đường ống trên đường Đê La Thành vào bể dự trữ của BV Phụ sản Hà Nội. Cũng trong ngày, công ty đã chở 3 xe téc nước xuống cấp cho BV. Chúng tôi sẽ duy trì việc cấp nước bằng xe stec cho BV đến khi nguồn nước Sông Đà ổn định trở lại”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, dự kiến đến hết ngày 1.10, nguồn nước Sông Đà cấp cho các đơn vị bán lẻ mới ổn định trở lại. Như vậy, khi đó BV Phụ sản Hà Nội mới hết cảnh thiếu nước sạch.
Nghiên cứu làm thêm đường ống cấp nước cho BV 198
Ông Đinh Ngọc Lân - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho hay, hiện nay đơn vị đang cung cấp nước cho quận Thanh Xuân, một phần các quận, huyện: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Trì với lưu lượng 170.000m3/ngày đêm. Trong đó, có cấp nước cho khu vực BV 198.
Sau khi đường ống nước Sông Đà gặp sự cố, các bể tích trữ nước của nhà dân cạn kiệt. Đến khi nước được cấp trở lại, người dân ở khu vực đầu nguồn lấy nhiều vào bể. Do vậy, ở khu vực cuối nguồn như BV 198 rơi vào tình trạng thiếu nước. Dự kiến khoảng ngày 2.10, nguồn nước cấp cho BV mới ổn định.
Sau khi vỡ đường ống nước Sông Đà, BV 198 thiếu nước sạch. Bác sĩ, người nhà bệnh nhân phải đi xách từng can nước để sinh hoạt.
“Khu vực BV 198 nằm ở cuối nguồn của đường ống, lại ở vị trí cao, nên nước chảy đến chậm. Từ ngày 28.9 đến nay, mỗi ngày chúng tôi chở 2 xe stec nước tới cấp cho BV. Phía công ty sẽ duy trì việc chở xe stec đến cấp nước cho BV đến khi nguồn nước Sông Đà ổn định trở lại”, ông Lân nói.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, hiện nay BV 198 có nhu cầu khoảng 340m3/ngày đêm. Tuy nhiên, kể từ sau khi vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nguồn nước cấp cho BV thiếu hụt khoảng 80m3/ngày đêm.
Hiện tại, phía công ty cùng với BV 198 đang nghiên cứu lắp đặt thêm một đường ống mới chạy song song với đường ống cũ. Đường ống mới sẽ chạy từ phố Trần Bình vào BV, có đường kính 80mm. Khi đường ống mới được lắp đặt, nguồn nước cấp cho BV sẽ ổn định hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex (đơn vị quản lý, vận hành khai thác đường ống nước sông Đà) cho hay, trước khi đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần thứ 15, đơn vị cung cấp nước với lưu lượng khoảng 22.000 m3/ ngày đêm. Sau khi khắc phục vết vỡ, đơn vị cấp nước với lưu lượng 230.000m3/ngày đêm. Ông Tốn khẳng định, phía công ty vẫn cung cấp nước đầy đủ, không giảm áp, giảm lưu lượng nước.