Theo các luật sư, nếu bà Phạm Thị Ngọt không chứng minh được tiền do chồng bà ta gửi về, số tiền trên đương nhiên thuộc về người nhặt được. Trường hợp tiền thực sự của chồng bà Ngọt gửi về nhưng qua con đường không hợp pháp, số tiền 5 triệu yen có thể bị sung công quỹ
Những ngày qua, dư luận luôn “sục sôi” quanh vụ 5 triệu yen sau 1 năm không ai lên tiếng, đến phút cuối lại có người tự nhận là chủ nhân số tiền trên. Thực hư chuyện này còn đang do Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình điều tra làm rõ nhưng “số phận” 5 triệu yen sẽ được định đoạt ra sao vẫn luôn là đề tài bàn tán trên các diễn đàn mạng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) phân tích với các trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với những tài sản là của rơi hay vật vô chủ được quy định tại BLDS năm 2005, cụ thể như sau: Nếu tài sản là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 239 BLDS 2005. Theo đó, vật vô chủ được hiểu là vật (động sản hoặc bất động sản) mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.
Bà Huỳnh Thị Ánh Hồng, người mua ve chai phát hiện 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa thùng
Theo thông tin thì trong quá trình mua ve chai, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng có mua được chiếc loa thùng, về nhà phá ra để lấy phế liệu thì phát hiện có 5 triệu yen Nhật trong đó. Vụ việc được nhiều người biết và sau đó toàn bộ số tiền đã được giao nộp cho cơ quan Công an quận Tân Bình. Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai nhưng vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của bà Hồng theo quy định của pháp luật (Điều 239 BLDS 2005).
Đối với bà Phạm Thị Ngọt (người mới đến nhận tài sản là của mình) thì cần phải đưa ra được những bằng chứng cụ thể để chứng minh mình là người có quyền sở hữu hợp pháp đối với số tiền trên. “Việc xác minh, đối chất trong trường hợp này rất quan trọng. Do đó, bà Hồng cần trình bày sự việc một cách cụ thể, chi tiết để cơ quan công an có thể giao tài sản cho người thực sự được quyền sở hữu tài sản đúng theo quy định của pháp luật”- luật sư Hậu nói.
Cũng theo luật sư Hậu, trong trường hợp này, cơ quan công an sẽ phải tiến hành xác minh nhân thân, kiểm tra, đánh giá những chứng cứ mà người tự nhận là chủ sở hữu đưa ra có căn cứ, chính xác hay không và phải thông báo cho người đã giao nộp- tức là bà Hồng về kết quả xác định chủ sở hữu. Nếu họ thực sự là chủ sở hữu của số tiền trên, cơ quan công an sẽ tiến hành giao trả lại tài sản cho họ; nếu không đủ cơ sở để kết luận thì sẽ giao số tiền cho bà Hồng theo đúng quy định tại Điều 239 BLDS.
Tương tự, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết qua thông tin bà Ngọt cung cấp, có thể thấy việc chuyển tiền, theo trình bày của bà Ngọt sẽ có 2 hướng: Một là, chuyển tiền qua ngân hàng, nếu như vậy bà Ngọt phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan công an các chứng từ liên quan đến việc chuyển tiền, nhận tiền. Hai là, việc chuyển tiền cho bà Ngọt theo con đường không hợp pháp, như vậy sẽ không có chứng từ. Trong trường hợp này cơ quan công an sẽ xem xét theo hướng yêu cầu của bà Ngọt không có cơ sở và đương nhiên số tiền thuộc về bà Hồng.
Trường hợp việc chuyển tiền “chui” có người chuyển, người vận chuyển, người nhận tiền thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 154 BLHS về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và số tiền này sẽ bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo điều 41 BLHS (Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm).