Theo thống kế từ phía gia đình nạn nhân Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, chi phí mà họ bỏ ra trong suốt quá trình tìm xác chị Huyền lên tới gần 650 triệu đồng.
Tin tức từ bản cáo trạng mới nhất của vụ án thẩm mỹ viện cát Tường cho hay, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân vụ thẩm mỹ viện Cát Tường đã thống kê chi phí cho việc tìm kiếm xác chị Huyền, theo đó, tổng chi phí hết số tiền là 639.613.837 đồng.
Cụ thể, thuê thuyền tìm xác trên sông hết 163 triệu đồng, thuê thuyền và thơ lặn hết 56 triệu đồng; thuê xe ô tô vân chuyển hết 17 triệu đồng; chi phí rước vong lên chùa hết 15 triệu đồng; chi phí thuê nhà nghỉ tại các tỉnh hết 6 triệu đồng; chi tín ngưỡng tâm linh hết 43.580.000 đồng, chi phí khác hết 50 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hằng (vợ của Tường) đã bồi thường cho gia đình nạn nhân (chị Lê Thị Thanh Huyền) số tiền 250 triệu đồng. Đại diện gia đình nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền) yêu cầu bồi thường tiếp tổn thất về vật chết tìm kiếm thi thể và tổn thất tinh thần là 161 triệu đồng. Ngoài ra các chi phí phát sinh khác gia đình sẽ đề nghị tại tòa khi xét xử.
Theo thống kê, gia đình nạn nhân vụ Cát Tường đã phải chi gần 650 triệu cho việc tìm thi thể chị Huyền.
Trong một diễn biến khác, vì Nguyễn Mạnh Tường không bị kết tội Giết người, nên rất nhiều người liên quan đến vụ án, không tố giác hành vi phạm tội của Tường cũng “vô can”.
Cụ thể, đối với Nguyễn Thị Hằng (vợ của Tường) biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xuống sông. Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác chị Huyền. Sauk hi Tường và Khánh vứt xác chị Huyền xuống sông, Hằng không đến cơ quan chức năng để tố giác là sai phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 314 BLHS thì hành vi trên của Hằng không cấu thành tội. Cơ quan điều tra quyết định xử lý hành chính là có căn cứ.
Đối với Lê Xuân Chiêm (anh trai của Tuyết - nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường) được Tuyết gọi đến nhờ mang chiếc máy ảnh và máy tính của TMV Cát Tường về chỗ ở của Lê Thị Thúy Mai. Khi cơ quan điều tra thông báo, Chiêm tự nguyện mang giao nộp. Hành vi trên của Chiêm không phạm tội, cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính là có căn cứ.
Đối với Lê Thị Thúy Mai làm nhiệm vụ quản lý nhân viên, Kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn và quảng cáo; Lê Thị Ánh Tuyế, Lê Văn Công, Lê Huy Anh, Phạm Minh Trâm, Ngô Hà Ly, Bùi Thị Kim Chung, Nguyễn Thị Hạnh, Lương Thị Thanh, Vũ Thị Kim Cúc, đều là nhân viên của thẩm mỹ viện Cát Tường biết Nguyễn Mạnh Tường đã thực hiện việc hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền tại thẩm mỹ viện Cát Tường gây hậu quả cho chị Huyền bị tử vong nhưng các đối tượng này không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của các đối tượng này không cấu thành tội, cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính là có căn cứ.
Đối với Nguyễn Quang Thành, bác sỹ khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai được Tường gọi đến thẩm mỹ viện để giúp Tường cấp cứu chị Huyền, nhưng chị Huyền tử vong. Sau khi chị Huyền tử vong, Thành không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của Thành không cấu thành tội, cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
Chiều qua (13/11), trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội, là một trong hai luật sư bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh cũng cho biết, các luật sư vừa nhận được giấy mời của TAND TP Hà Nội tham dự phiên tòa xét xử vụ án bác sĩ vứt xác phi tang bệnh nhân tại Hà Nội.
Chủ tọa trong phiên tòa trên là thẩm phán Lê Thị Hợp. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trước Tòa là kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn. Có năm luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường dự kiến sẽ diễn ra vào 2 ngày 4 và 5/12 sắp tới.