Có thể, ai đó đã áp dụng "kinh nghiệm" từ vụ AF447 để cướp máy bay MH370?
Theo Express, ngày 1/6/2009, máy bay AF447 của hãng hàng không Pháp Air France biến mất trên đường từ thành phố Rio de Janeiro, Brazil tới thủ đô Paris, Pháp. Sau đó, người ta tìm thấy xác chiếc máy bay chở 228 người tại vùng biển Đại Tây Dương. Gần 5 năm sau, một thảm kịch tương tự cũng diễn ra khi chiếc máy bay MH370 mất tích bí ẩn với 239 người vào ngày 8/3/2014.
Trong cuốn sách "Chiếc máy bay không ở đó", xuất bản năm 2015, chuyên gia hàng không Jeff Wise chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa hai thảm kịch hàng không của thế giới và đặt câu hỏi: Liệu chúng có liên quan tới nhau?
Theo Wise: "Trong cả hai trường hợp, máy bay đều biến mất sau khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của radar mặt đất vào ban đêm. Nhân viên kiểm soát không lưu không nhận ra điều bất thường vì màn hình hiển thị biểu tượng máy bay như không có chuyện gì xảy ra".
Điều khác biệt duy nhất giữa 2 thảm họa là máy bay AF447 được tìm thấy trong khi MH370 vẫn "biệt tăm".
Vụ máy bay MH370 mất tích có nhiều điểm trùng hợp với một thảm họa hàng không của Pháp.
Lý do chính giúp tìm thấy chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp là nhờ máy bay này thường xuyên gửi các bản cập nhật bảo trì (ACARS) tới trụ sở của Air France.
Bản cập nhật bảo trì từng phút này bao gồm cả dữ liệu định vị GPS, đánh dấu vị trí chính xác của máy bay khi gặp sự cố. Dẫu vậy, 2 năm sau người ta mới tìm thấy hộp đen của AF447.
"Khi công cuộc tìm kiếm MH370 vẫn diễn ra, tôi tự hỏi liệu trường hợp của AF447 có gây ra những hiệu ứng tích cực và tiêu cực. Có thể, ai đó học từ vụ AF447 để áp dụng với MH370 thì sao? Trong trường hợp này, tôi muốn nói đến khả năng MH370 bị không tặc", ông Wise cho hay.
Tác giả cuốn "Chiếc máy bay không ở đó" nhấn mạnh MH370 có thể được tìm thấy nếu gửi các tin nhắn ACARS qua vệ tinh như trường hợp của AF447.