Liên quan đến hai sự việc trao nhầm con ở Hà Nội gây rúng động dư luận thời gian qua, một chuyên gia ngành sản khoa cho biết, có thể sẽ còn nhiều vụ nhầm con nữa.
Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tại Hà Nội đã xuất hiện hai trường hợp bị trao nhầm con tại nhà hộ sinh cách đây 29 năm và 42 năm về trước. Các trường hợp bị trao nhầm này được trao ở các nhà hộ sinh quận Đống Đa và Ba Đình.
Trường hợp thứ nhất bị trao nhầm là chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, ở thôn Án, Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) và trường hợp thứ hai là của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), bị trao nhầm con cách đây 42 năm.
Nhà hộ sinh Đống Đa nơi đã trao nhầm chị Hiền cách đây 29 năm về trước.
Khi quyết định đưa sự việc bị trao nhầm ra công chúng, những người trong cuộc đều khẳng định mục đích của họ chỉ là mong muốn nhờ phương tiện thông tin truyền thông đưa tin, để hy vọng có thể tìm lại được người thân ruột thịt thật sự của mình. Đồng thời, họ cũng không hề quy trách nhiệm đối với người năm xưa đã trao nhầm. Bởi họ đều có chung suy nghĩ: “Nhầm là duyên phận, nhầm thì mới được làm con của ba mẹ bây giờ”.
Về phương diện những người bị trao nhầm là vậy, nhưng nếu xét về góc độ quản lý và trách nhiệm thì thật sự đây cũng không phải là vấn đề nhỏ, mặc dù nó đã xảy ra cách đây từ khá lâu.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức (Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình) một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa cho biết, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của nhà hộ sinh vào thời điểm cách đây 30-40 năm về trước. Tuy nhiên, việc trao nhầm còn là một sự cố và trách nhiệm phải thuộc về người quản lý vì không đưa ra được một quy trình rõ ràng, rành mạch trong việc giao – nhận trẻ.
“Việc nhầm lẫn này trách nhiệm trước hết thuộc về người quản lý, ví dụ việc đánh dấu bà mẹ này số 2, thì con cũng phải số 2 việc đó phải chính xác 100% không thể lơ đãng rồi quên, hay tắm mờ số lại ghi bừa 1 số vào rồi đem trao cho bà mẹ được.
Đó thuộc về trách nhiệm, quy trình giao con cho mẹ là không chính xác, lỗi đó rất dễ xảy ra, nếu cô nữ hộ sinh nào lơ mơ, quên là mắc phải ngay”, tiến sĩ Đức nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Đức cũng thừa nhận, các nhà hộ sinh ngày xưa rất gian khổ, thiếu thốn đủ mọi bề về phương tiện, kỹ thuật, kể cả là quy chế, quy tắc cũng không thể bằng bây giờ được.
“Trước đây, các nhà hộ sinh làm lộn xộn, mỗi nơi một kiểu không khoa học, ngoài ra còn thiếu thôn cả về nhân lực, vật lực và tài lực, chỉ 1, 2 nữ hộ sinh trông hàng chục em bé thì việc nhầm lẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình Nguyễn Thị Hoài Đức chia sẻ với phóng viên.
Theo tôi, có thể không phải là đại trà, nhưng với cách quản lý như vậy thì chắc chắn không phải chỉ có 1,2 vụ nhầm con mà còn nhiều trường hợp nữa, có thể họ chỉ nghi ngờ, nhưng không đủ can đảm để nói ra vì sẽ làm ảnh hưởng cuộc sống gia đình họ…
Nhưng tôi nghĩ, việc nhầm con này tuy là sự việc không ai mong muốn, nhưng lại có một điều như sự sắp đặt trước của duyên phận đó chính là một người mẹ có hai người con và ngược lại.
Cuối cùng, theo tôi cái gì thuộc về quá khứ thì hãy để cho nó là quá khứ, chứ không nên trách móc làm gì, vì điều kiện cơ sở vật chất ngày đó chỉ có vậy thôi. Cái quan trọng nhất đó chính là cuộc sống của những người đang bị nhầm lẫn đó bây giờ họ sống như thế nào?”, tiến sĩ Đức kết luận.