“Do lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất ít nên nhà trường chỉ còn cách chờ đợi. Nếu thí sinh không đến, chúng tôi sẽ phải giảm bớt giáo viên”, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội thông tin.
Hiện nhiều trường top trên và top giữa đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1, tuy nhiên, nhiều trường top dưới (trường dân lập) lại đang lo không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo đến hết ngày 1.9, cả nước có 169 trường đại học, cao đẳng trên xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong số này có 66 trường đại học, học viện, gồm 28 trường đại học phía Nam và 38 trường phía Bắc. Số trường CĐ là 97 trường, gồm 44 trường phía Bắc và 53 trường phía Nam. Đa số các trường có điểm xét tuyển tương đối thấp, chỉ bằng điểm sàn do Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định là 15 điểm với bậc đại học, 12 điểm với bậc cao đẳng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập cho biết, số hồ sơ xét tuyển bổ sung vẫn ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu nhưng một số ngành dự kiến.
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội cho biết, năm 2015, nhà trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, trong đó, nguyện vọng 1 đã tuyển được 450 chỉ tiêu, còn lại 750 chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh ở nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, từ ngày 26.8 đến ngày 31.8, mỗi ngày nhà trường chỉ nhận được khoảng từ 40 đến 50 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tính đến hết ngày 31.8, nhà trường cũng mới nhận được khoảng 300 hồ sơ.
Mặc dù trong những ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường Đại học Tài chính- Ngân hàng đã nhận được 300 hồ sơ nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn lo lắng sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu.
Theo ông Phạm Ngọc Ánh, xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có 3 giấy đăng ký nguyện vọng, lượng hồ sơ “ảo” sẽ rất nhiều. Ước tính, cả ba đợt xét tuyển nhà trường cũng chỉ tuyển sinh được 80% chỉ tiêu đã đề ra.
“Tôi nhận định chỉ có khoảng 1/3 thí sinh đến làm thủ tục đăng ký nhập học so với chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung”, ông Ánh cho hay.
Trong khi đó, tại trường Dân lập Phương Đông, ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng cho biết, xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhà trường còn tất cả chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo. Hiện các trường đại học, cao đẳng mọc ra như nấm, số lượng thí sinh có hạn nên sẽ việc tuyển đủ chỉ tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Còn ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội thông tin, những ngày qua số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường rất èo uột, lèo tèo vài chục thí sinh đến nộp. Đến thời điểm này, trường mới chỉ nhận được khoảng 400 bộ hồ sơ so với 4.200 chỉ tiêu xét tuyển đại học và 450 chỉ tiêu cao đẳng.
“Do lượng thí sinh đến nộp hồ sơ còn rất ít nên nhà trường chỉ còn cách chờ đợi. Nếu thí sinh không đến chúng tôi sẽ phải sa thải bớt giáo viên”, ông Hóa nói.
Trước tình trạng, số thí sinh đến nộp hồ sơ lèo tèo như những ngày vừa qua, chuyên gia khuyến cáo thí sinh tính toán kỹ, đảm bảo cơ hội trúng tuyển vào các trường. Ngoài ra, tất cả các trường cũng thành lập tổ công tác khiếu nại của thí sinh, thí sinh có thể liên hệ giải đáp thắc mắc liên quan đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung, tìm cơ hội vào đại học.