Hàng ngày nữ sinh H. ít giao tiếp với mọi người, hay mặc váy rộng nên mọi người không phát hiện được đang mang thai.
Ngày 21/8, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính người mẹ vứt con ở khe tường khu nhà trọ ở Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội). Theo đó, người mẹ này tên là N.K.H. (quê Kim Sơn, Ninh Bình), hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Nông Nghiệp.
Em bé bị mẹ bỏ rơi ở khe tường đang được điều trị ở BV Xanh Pôn
H. khai do có thai ngoài ý muốn nên sau khi sinh đã bỏ con qua cửa sổ xuống khe tường giữa 2 ngôi nhà. Được biết, hiện cơ quan chức năng đang đưa H. đi xét nghiệm ADN với cháu bé để củng cố biên bản vụ việc. Ngoài ra, tinh thần cô gái này đang hoảng loạn nên cũng đã được đưa đi khám.
Có mặt tại khu trọ nơi cháu bé bị mẹ vứt bỏ, người dân nơi đây vẫn bàn tán xôn xao về sự việc. Cửa ra vào xóm trọ được quản lý chặt hơn, theo tìm hiểu đa phần người thuê trọ ở đây đều là sinh viên và người mẹ nhẫn tâm vứt con ở khe tường cũng đang ở trong xóm trọ này.
Xóm trọ nơi cháu bé bị bỏ rơi được quản lý rất chặt, muốn ra vào phải mở cửa bằng vân tay.
Khi được hỏi, các sinh viên đang sinh sống tại đây cũng vô cùng bất ngờ và họ cũng chỉ mới biết thông tin này. Theo chia sẻ của một nữ sinh, sau khi sự việc xảy ra gần 1 ngày, đến chiều 20/8 chủ nhà trọ yêu cầu những người thuê trọ ở yên trong phòng để công an đến làm việc.
“Công an đã đưa một nữ sinh ở tầng 3, chính là mẹ cháu bé về trụ sở làm việc”, nữ sinh này kể. Sau khi cơ quan công an rời khỏi, mọi người trong xóm trọ ai cũng bất ngờ vì từ trước đến giờ tuy có gặp nhưng không ai biết nữ sinh này mang thai.
“Cô ấy sống khép kín, hay mặc váy rộng, hay về muộn nên mọi người ít gặp, vì thế cũng khó để phát hiện ra đang có thai”, nữ sinh sống cùng xóm trọ nói.
Khe tường nơi cháu bé bị bỏ rơi.
Một người phụ nữ bán hàng tạp hóa gần ngay xóm trọ cũng rất bất ngờ khi biết N.K.H. chính là mẹ của cháu bé bị bỏ rơi trước đó. Hàng ngày, H. vẫn thường đến tạp hóa này để mua đồ như rau, xúc xích, bim bim… Qua nói chuyện ,chủ tạp hóa còn biết nữ sinh H. ngoài giờ đi học còn đi làm thêm.
“Biết tin H. mang bầu, sinh con rồi bỏ ở khe tường tôi bất ngờ quá, hàng ngày H. hay mặc váy rộng, tôi nghĩ do nắng nóng nên cô ấy hay mặc vậy, ai ngờ mặc váy rộng để che bụng bầu. Bản thân tôi tiếp xúc cũng không hề hay biết H. đang có bầu”, chủ tạp hóa nói.
Trước đó, khoảng 17h50 phút, tại xóm trọ trong phố Đào Nguyên (Trâu Qùy, Gia Lâm) một số người nghe tiếng trẻ con khóc nên nhanh chóng đi tìm và phát hiện 1 em bé còn nguyên dây rốn, không mảnh vải che thân nằm ở giữa khe tường hẹp.
Ngay sau đó mọi người hô hoán nhau đến ứng cứu và báo sự việc đến chính quyền địa phương. Sau khoảng 10 phút khoan tường, người dân đã đưa được cháu bé ra ngoài và giao cho lực lượng chức năng sơ cứu, rồi đưa đến bệnh viện. Hiện tại em bé đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, tình trạng sức khỏe vẫn đang phải theo dõi, đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình, kể cả khi vừa sinh ra. Mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
Luật sư Thơm phân tích cụ thể, xét hành vi của người phụ nữ trong vụ việc này là trái pháp luật và đạo đức xã hội khi đã vứt bỏ con mới sinh. Tuy không có hành vi tác động nào để giết chết con nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hại đến tính mạng con.
Lỗi của người phụ nữ trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Nếu cháu bé bị tử vong thì người phụ nữ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vứt con mới đẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 BLHS.
Tuy nhiên, cháu bé đã được một số người dân và lực lượng Công an phát hiện đưa đi cấp cứu nên cháu bé đã may mắn được cứu sống.
Tội vứt con mới đẻ là tội phạm có cấu thành vật chất, nghĩa là hậu quả chết người là bắt buộc và điều luật cũng đã loại trừ trường hợp phạm tội chưa đạt. Quy định này nó cũng phù hợp với lý luận lỗi cố ý gián tiếp không có giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Như vậy, tuy hành vi của người phụ nữ tuy là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm.
Hành vi vi phạm pháp luật này của người phụ nữ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.