Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị Jeab đã xiêu lòng trước tình cảm của chàng trai người Việt này.
Anh Lê Anh Tuấn (30 tuổi, quê Thanh Hóa) vốn có học lực tốt, nhưng vì sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, lại ở tuổi mới lớn tính cách bồng bột nên sau đó anh đã bỏ học theo bạn bè sang Thái Lan làm ăn. Ban đầu anh chỉ làm được những công việc chân tay, nhưng sau đó anh đã đầu tư học tiếng Thái Lan rồi làm hướng dẫn viên du lịch.
Ban đầu, anh chỉ định sang Thái Lan kiếm tiền phụ giúp gia đình, sau này sẽ trở về quê lấy vợ Việt Nam. Nhưng duyên phận đẩy đưa đã cho anh gặp gỡ chị Natthaya Thanasirimethee (30 tuổi, tên thường gọi là Jeab), và chính chị đã níu chân anh ở lại xứ sở Chùa Vàng này.
Kể về lần gặp mặt định mệnh đó, anh Tuấn nói: “Năm 2015, một lần tôi bị ốm và đến một bệnh viện ở Bangkok khám. Khi ấy, Jeab đã khám và kê thuốc cho tôi. Không lâu sau đã khỏi bệnh nhưng tôi lại ‘mắc bệnh’ tương tư nữ bác sĩ có nụ cười và giọng nói dễ thương ấy mất rồi.
Lúc đó tôi cũng băn khoăn lắm, vì tôi và cô ấy có khoảng cách quá lớn từ học vấn đến kinh tế. Khi ấy thu nhập của tôi chỉ dao động khoảng 7-8 triệu/tháng, còn lương Jeab cao gấp ba. Nhưng hình bóng cô ấy cứ chiếm trọn tâm trí nên sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, tôi đã quyết tâm làm theo trái tim mách bảo”.
Những ngày sau, anh Tuấn tấn công chị Jeab dồn dập. Biết chị thích trà sữa, ngày 2 lần chàng trai Việt đều mang nước tới cho người mình thích. Anh còn quan tâm chị tới từng bữa ăn, giấc ngủ mỗi ngày.
Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị Jeab đã xiêu lòng trước tình cảm của chàng trai người Việt này. Tuy nhiên 2 lần đầu tỏ tình, chị Jeab lại từ chối, vì ngày ấy chị đã nghe những lời không hay về đàn ông Việt Nam như gia trưởng, có tính bạo lực, ít chăm lo gia đình nên không dám mở lòng.
Anh Tuấn phải nỗ lực giải thích rằng, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu và xin cơ hội để chứng minh thì chị Jeab mới gật đầu trong lần thứ 3 được tỏ tình.
Sau nửa năm bên nhau, bố mẹ chị Jeab bảo chị dẫn bạn trai về ra mắt. Trước ngày ra mắt gia đình bạn gái, anh Tuấn vô cùng lo lắng vì anh biết người Thái Lan có tiêu chuẩn kén rể rất cao. Cụ thể, nhà trai phải chuẩn bị sính lễ khoảng 150 triệu đồng. Khi đã kết hôn thì đàn ông phải có kinh tế vững vàng để gánh vác gia đình, đồng thời phải biết cách chăm sóc vợ con.
Trong khi đó, lúc ấy thu nhập của anh Tuấn chỉ khoảng 7-8 triệu/tháng. Còn nhà chị Jeab ở thành phố biển Pattaya, có dãy nhà cho thuê, kinh tế khá tốt. Chính vì thế mà anh càng áp lực hơn, anh sợ bản thân không đáp ứng được tiêu chí kén rể của bố mẹ bạn gái đưa ra nên ăn ngủ không yên. “Nói thật, có lúc tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ tình yêu này, về quê lấy vợ thì sẽ không còn lo lắng về những khác biệt đó nữa", anh Tuấn chia sẻ.
Nhưng trái với những điều anh Tuấn lo lắng, ngày về ra mắt bố mẹ chị Jeab lại chào đón anh bằng một cái ôm nồng ấm. Hai ngày ở đây, anh được tiếp đón nồng hậu, các thành viên trong nhà đều nói chuyện thoải mái với nhau.
Bố chị Jeab có ấn tượng tốt với anh Tuấn. Dù vậy, ông cũng nói rõ với anh rằng nhà có con gái cả ly hôn nên ông không muốn chị Jeab đi vào “vết xe đổ” của chị gái. “Khi ấy bố vợ nói với tôi rằng, chồng của Jeab phải là người vừa là trụ cột kinh tế, vừa biết chăm sóc vợ con. Bố cũng sợ sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ sẽ khiến hai đứa khó tìm được tiếng nói chung. Nhưng chúng tôi đã ra sức thuyết phục, giải thích cho bố hiểu. Sau đó, bố đã dặn dò tôi rằng đàn ông phải có khả năng vượt qua những gì ở hiện tại, chịu thương chịu khó ắt sẽ thành công", anh Tuấn kể lại.
Nhờ lời động viên của bố chị Jeab, anh Tuấn có thêm động lực để phấn đấu. Thời gian sau, anh chuyển hướng tổ chức tour du lịch chứ không đơn thuần làm hướng dẫn viên như trước. Nhờ đó, tới năm 2016, anh đã gom đủ 200.000 baht (khoảng 140 triệu đồng) để xin cưới chị Jeab.
Sau khi kết hôn, sự nghiệp của anh Tuấn ngày càng phát triển, trung bình mỗi tháng anh kiếm được 60-70 triệu, thậm chí có tháng lên tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên công việc bận rộn đã cuốn anh đi, tới độ có đợt anh vắng nhà 28 ngày/tháng nên thời gian dành cho gia đình là không có. Vì vậy, dù chàng rể Việt kiếm được 100 triệu/tháng thì vẫn làm bố vợ Thái Lan buồn.
Bố vợ phải khuyên nhủ tới lần thứ 3 thì anh Tuấn mới tỉnh ngộ, nhận ra tiền bạc quan trọng nhưng gia đình còn quan trọng hơn. Chàng rể xứ Thanh tâm sự: “Tôi đã quên mất mục tiêu đặt ra ban đầu, đó là chỉ cần kiếm vài chục triệu mỗi tháng để có thời gian chăm vợ, chăm con. Mãi tới khi bố vợ khuyên lần thứ 3, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát khiến ngàng du lịch bị ảnh hưởng, tôi có nhiều thời gian ở nhà hơn thì tôi mới thấm thía những lời bố vợ nói.
Thời còn nghèo, mỗi sáng đi làm tôi đều được vợ dành cho cái ôm hôn thắm thiết. Tốt về, hai vợ chồng cùng cơm nước rồi chơi với con, thật hạnh phúc biết bao. Nhưng bây giờ nhà cao cửa rộng thì không còn bữa cơm gia đình nữa, người ăn trước người ăn sau, vợ chồng nhìn thấy nhau mà dửng dưng như người xa lạ nên tôi bắt đầu thay đổi mình”.
Thấy chàng rể thay đổi, dành nhiều thời cho gia đình nên bố vợ cũng yên tâm hơn. Còn về phía nhà chồng nàng dâu, chị Jeab cũng rất được gia đình anh Tuấn quý mến. Anh Tuấn kể, từ khi chị Jeab biết nói tiếng Việt thì vợ và mẹ anh đã thân lại càng thân hơn, đi đâu cũng có nhau nên chưa từng có khúc mắc gì. Nhiều lúc nhìn vợ và mẹ mình, anh Tuấn còn hỏi đùa mẹ rằng anh là con của mẹ hay chị Jeab là con ruột của mẹ.
Hiện tại, vợ chồng anh Tuấn đã cưới nhau được 8 năm, có một cậu con trai 7 tuổi và gia đình đang sống ở Thái Lan. Anh Tuấn vẫn túc tắc duy trì công việc cho thuê xe du lịch, còn chị Jeab đã từ bỏ việc làm bác sĩ, chuyển sang kinh doanh online để có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình. Đồng thời, hai vợ chồng còn làm Youtuber chia sẻ về cuộc sống ở Thái Lan.
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, anh Tuấn cho biết vì hai vợ chồng làm hai ngành khác nhau, luôn cần tiền để xoay vòng nên tiền của ai người ấy giữ để tiện chi trả công việc. Tuy nhiên, quỹ chung của hai vợ chồng thì anh Tuấn là người nắm giữ vì khả năng tính toán và sắp xếp của anh nhỉnh hơn vợ một chút.
Mặc dù Việt Nam và Thái Lan có sự khác biệt về phong tục, văn hóa, lối sống,… nhưng kết hôn nhiều năm nên hai vợ chồng anh Tuấn phần nào cũng hiểu thêm về tính cách của nhau. Do đó, cả hai đã cùng nhau cố gắng học hỏi và thích nghi với các văn hóa và tập quán của cả hai nước.
“Nghe thì tưởng là khó nhưng thật ra cũng dễ, chỉ cần cân bằng được cả hai bên là ổn thôi. Ví dụ như, ở Việt Nam khi kết hôn xong thì người phụ nữ thường sẽ phải chăm lo cho gia đình chồng nhiều hơn một chút, nhưng ở Thái Lan thì ngược lại, khi kết hôn thì con trai lại phải chăm lo cho nhà vợ nhiều hơn nhà mình”, anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những lúc giận hờn, cãi vã, vì hai người đến từ hai nền văn hóa khác nhau. Mỗi lần như vậy, vợ chồng anh Tuấn luôn áp dụng phương pháp lấy nhu khắc cương, lấy tĩnh chế động. Cụ thể, khi chồng nóng giận thì vợ bớt lời và ngược lại cũng vậy, đợi tới khi nửa kia bình tĩnh thì cả hai mới ngồi lại với nhau, nhẹ nhàng nói ra vấn đề để cùng nhau giải quyết.
“Vợ chồng cãi nhau mà cả hai đều giữ cái tôi của mình, muốn hơn thua với nhau, phân định rõ đúng sai ngay lúc đó thì ắt sẽ cãi nhau to. Vì vậy nếu thấy vợ đang nóng giận thì tôi sẽ bớt lời và ngược lại vợ cũng thế, đợi khi cả hai đã bình tĩnh, nhìn nhận thấu đáo vấn đề mới nói chuyện với nhau. Do đó, sau mỗi cuộc cãi vã chúng tôi lại càng hiểu nhau hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngẫm lại chặng đường đã qua, anh Tuấn luôn cảm thấy biết ơn và may mắn khi có được một người vợ tốt như chị Jeab. Nhân ngày 8/3, anh cũng muốn nhắn nhủ tới người bạn đời của mình: “Jeab à, cảm ơn em đã luôn yêu thương và đồng hành cùng anh từ lúc khó khăn nhất cho đến khi có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc như hiện tại. Tôi cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả phụ nữ trên thế giới này mãi xinh đẹp, tươi vui, gặp nhiều may mắn và thành công”.