Trước cả họ, bà Mai tuyên bố tặng cháu nội khoản tiết kiệm 300 triệu. Nhưng ngay sau lời của bà, Nhung đứng lên nói thẳng việc sẽ ly hôn để bà tìm dâu mới.
Thấm thoát Nhung cũng đã về làm dâu được hơn 3 năm. Có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày đầu khi về ra mắt và thái độ ghét bỏ ra mặt của bà Mai. Trong mắt bà, Nhung chẳng có gì xứng đáng để bước vào cửa nhà bà bởi cô chỉ là một cô gái học cao đẳng, xuất thân từ nông thôn. Ngoại trừ cái vẻ ngoài xinh xắn thì từ gia cảnh, học vấn đều không đáng để trở thành con dâu trong một gia đình bề thế như nhà bà Mai.
Thế nhưng, cái thai trong bụng đang ở tháng thứ 3 khiến bà Mai chẳng thể nào chối bỏ. Cũng vì đứa bé này mà Nhung gạt đi nước mắt, chấp nhận tủi hờn để chỉ mong một đám cưới diễn ra. Cô cảm thấy có lỗi với bố mẹ mình khi còn chưa giúp đỡ được gì cho bố mẹ mà đã “ễnh bụng ra”. Nếu giờ không cưới, bố mẹ cô sẽ phải chịu điều tiếng, dị nghị từ phía mọi người. Hơn nữa, đứa trẻ trong bụng cô cũng cần phải có một gia đình… Những gì ngày hôm nay là do Nhung lựa chọn nên cô chấp nhận chịu trách nhiệm trước những việc mình làm dù thân con gái cũng đầy những tổn thương trước sự coi thường, khinh rẻ của nhà chồng tương lai.
Bà Mai không đồng ý cô con dâu có thân phận thấp kém như Nhung. (Ảnh minh họa)
Nhung và chồng quen nhau khi anh về trường cô phối hợp làm chương trình thiện nguyện. Với nhan sắc nổi bật, Nhung nhanh chóng khiến Mạnh phải chú ý và tìm cách tán tỉnh. Chỉ sau vài tháng quen nhau, cả hai đã đi quá giới hạn. Kết quả là Nhung có bầu trong sự hoang mang của cả hai người. Bản thân Mạnh cũng không thực sự sẵn sàng cho việc kết hôn, làm bố nhưng sự đã rồi anh cũng không lỡ bỏ đi giọt máu của mình. Vậy là, một đám cưới được diễn ra trong sự cam chịu của cả hai.
Kết hôn với tâm lí không thoải mái cho lắm, Mạnh dù có tình cảm với vợ, thương con nhưng cũng chịu tác động không lớn từ mẹ. Bà Mai luôn nhồi vào đầu anh cái suy nghĩ: “Con xem, vợ con nó chưa nghề ngỗng gì, cưới về phải nuôi không hai mẹ con nó. Nhưng con nên nhớ, nhà nó ở quê nghèo, giờ có con gái lấy chồng nhà giàu như thế này chắc chắn sẽ phải giấu giếm chút ít cho bố mẹ. Con cũng chưa yêu lâu thì đã bị nó cho vào tròng ép cưới nên phải cẩn thận, không rồi cứ lai lưng ra làm nuôi vợ, nuôi cả nhà vợ thì khổ…”
Chính bởi cái tư tưởng này mà từ ngày Nhung về làm dâu, bà Mai quản lý hết tiền bạc, cơm nước. Mỗi tháng chồng đưa cho cô 1 triệu để mua sắm, chi tiêu việc cá nhân, còn lại mọi thứ đã có mẹ chồng lo liệu. Nhung không bao giờ dư giả lấy vài triệu mà mua gì biếu bố mẹ kể từ ngày đi lấy chồng. Thậm chí mỗi lần cô về quê ngoại chơi, ngoài tiền tàu xe, bánh kẹo mà mẹ chồng chuẩn bị cho, Nhung không còn đồng nào trong người… Càng nghĩ cô càng thấy tủi.
Từ ngày về làm dâu, cả chồng và mẹ chồng đều kiểm soát từng đồng, Nhung không mấy khi có tiền trong người. (Ảnh minh họa)
Thế rồi khi con được hơn 1 tuổi, cô gửi con và đi làm. Vì chỉ học cao đẳng, sau khi tốt nghiệp lại nghỉ ở nhà sinh nở, nuôi con nên bây giờ cô cũng chỉ kiếm được công việc làng nhàng, làm tạp vụ cho một công ty. Mặc dù thế, Nhung cảm thấy yêu đời, phấn chấn hơn vì ngày ngày được đi làm và mỗi tháng có thêm thu nhập. Cô cố gắng để hỗ trợ bố mẹ ít nhiều vì gia đình vay nợ cho cô đi học, từ khi học xong đến giờ, Nhung chưa giúp được bố mẹ điều gì thì đã vội lấy chồng.
Suốt những năm tháng qua, Nhung tủi hờn, cam phận việc bị nhà chồng coi thường, khinh rẻ. Nhưng cô chẳng còn cách nào khác khi con thì nhỏ, tiền bạc trong người không có. Hơn 1 năm qua, Nhung đi làm trở lại, cô cố gắng làm thêm, tiết kiệm để có cho mình một khoản vốn, bán thêm hàng trên mạng. Được lộc buôn bán, Nhung cũng có một khoản kha khá mà gia đình chồng không hay biết.
Cho tới sau Tết vừa rồi, trong ngày đầu xuân gặp mặt cả họ, trước đông đảo bao nhiêu người, mẹ chồng cô đứng lên tuyên bố:
- “Tiện đây, hôm nay bà cũng tặng cho cu Tít cuốn sổ tiết kiệm 300 làm quà. Nhưng cái này phải đưa bố giữ nhé chứ mẹ con một xu không có, bao năm nay nhà này nuôi hết, sợ có khoản lớn thế này rồi không khéo vài hôm lại không cánh mà bay…”
Bị mẹ chồng khinh thường bao năm, Nhung đứng lên, gạt đi những tủi hờn để tuyên bố ly hôn. (Ảnh minh họa)
Nghe lời mẹ chồng vừa nói, cảm giác căm uất dâng lên tận cổ, Nhung cười nhạt, đi lên phòng, cầm xuống tờ đơn ly hôn đã viết sẵn đặt lên bàn:
- “Cảm ơn mẹ đã có lòng, nhưng khoản tiền đó mẹ cứ giữ lại mà dưỡng già. Con tự lo cho cháu được. Con cũng muốn thông báo luôn chuyện con muốn ly hôn. Có lẽ đây là cách tốt nhất để mẹ tìm cho mình một nàng dâu mới. Bao năm qua, sống cùng một nhà mà tối ngày, từng giờ từng phút phải đề phòng có người mang của lả trong nhà đi, chắc mẹ mệt lắm. Giờ mẹ có thể yên tâm ngồi nhà giữa tiền, không sợ ai giấu giếm mang đi nữa rồi”.
Nói rồi cô bước ra khỏi nhà cùng với con trai. Sức chịu đựng của Nhung đã tới giới hạn cuối cùng. Cô thất vọng không phải chỉ vì mẹ chồng cay nghiệt mà quan trọng hơn là người chồng vô tâm, không hiểu vợ. Nhìn cảnh ấy, chẳng những bà Mai không lo lắng mà còn hả hê, ngăn con trai lại:
“Kệ nó, xem được mấy bữa, một xu dính túi không có, nhà thì nghèo kiết xác lại còn ra điều thể diện với tự ái. Rồi được vài hôm lại mò về thôi…”
Cả bà Mai và chồng Nhung đều không ngờ rằng, ngay ngày hôm đó, với số tiền đã tích cóp được trước đó, cô ra ngân hàng làm thủ tục vay vốn để mua một căn chung cư nhỏ. Cô sẽ bắt đầu một cuộc sống mới cùng với con của mình để nhà chồng phải hối hận vì sự coi thường bao năm qua cô phải gánh chịu.