Từ những hóa đơn rất nhỏ, đi ăn sáng cùng nhau 2 bát phở anh cũng kêu tôi tự trả phần của mình. Ngày lễ anh không tặng quà mà dẫn tôi đi ăn, ăn xong, chia đôi hóa đơn.
5 năm qua đi, mọi người giục tôi và anh cưới, nhưng nhìn lại chặng đường yêu tôi lại lăn tăn, lại trăn trở: Liệu người đàn ông yêu mình 5 năm, sòng phẳng tới mức keo kiệt và đáng sợ có thể trở thành chồng tốt hay không?
Tôi và anh đã gắn bó với nhau 5 năm. Tôi vốn là cô gái yêu đương nghiêm túc, không thích thay đổi và trân trọng tình cảm. Khi yêu, tôi không muốn vụ lợi hay toan tính quá nhiều. Nhưng chính vì thế giờ đây nhìn lại chặng đường yêu, tôi thấy hình như mình đã thiệt thòi quá nhiều, hoặc giả, tôi đã và đang yêu một người đàn ông keo kiệt, bủn xỉn tới mức không thể chấp nhận được.
Tôi và anh quen nhau từ ngày còn là sinh viên. Chúng tôi bằng tuổi nhau, cùng từ tỉnh lẻ lên thành phố học và cùng là người tự lập cao trong cuộc sống.. Hai đứa thường đi chơi, đi học nhóm riêng cùng nhau. Ngay buổi đầu gặp gỡ, anh nói với tôi rằng: “Anh không tính tình – tiền dính tới nhau, dù có tình cảm đi chăng nữa thì cũng phải tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng. Anh không tiếc tiền nhưng không muốn có cảm giác lúc nào đàn ông cũng phải là người chi trả cho các cuộc gặp gỡ. Và anh cũng không muốn em bị mang tiếng là người lợi dụng hay đào mỏ. Vì vậy, khi yêu, bọn mình cứ công bằng trong chuyện tiền bạc, như thế sẽ thoải mái cho cả anh và em”.
Những cuộc hẹn hò hóa đơn luôn chia đôi. Anh thoải mái cộng tiện và yêu cầu tôi nộp một nửa những hóa đơn đó. (Ảnh minh họa)
Ngày đó tôi bị ấn tượng vô cùng bởi cá tính mạnh của anh. Quả đúng là anh khác biệt so với những chàng trai khác mà tôi quen. Bản thân tôi cũng thích như vậy. Tôi không cho rằng đàn ông là người phải chịu trách nhiệm tất cả về tiền bạc khi yêu. Hơn nữa, chúng tôi mới quen cũng không xác định sẽ đi dài lâu được không, nếu lúc nào cũng bắt anh phải trả tiền thì sau này nếu chúng tôi không đến được với nhau tôi cũng đỡ ngại. Ngoài ra, còn một lí do nữa, tôi hiểu chúng tôi đều là người phải tự lập, phải lo cho cuộc sống của mình nên khi yêu tôi muốn phần nào chia sẻ gánh nặng kinh tế với anh.
Vậy là chúng tôi đã yêu nhau theo cách đó. Những cuộc hẹn hò hóa đơn luôn chia đôi. Anh thoải mái cộng tiền và yêu cầu tôi nộp một nửa những hóa đơn đó. Thời gian đầu tôi thấy thoải mái nhưng càng về sau tôi càng thấy tủi và cảm giác tình yêu này có gì đó không đúng.
Không phải tôi bắt đầu tham lam lên mà cùng với thời gian, yêu nhau lâu nhưng chưa bao giờ anh mời tôi được một bát phở vài chục nghìn chứ đừng nói là những món quà. Mọi thứ bắt đầu đi quá giới hạn nên có. Từ những hóa đơn rất nhỏ, đi ăn sáng cùng nhau 2 bát phở anh cũng kêu tôi tự trả phần của mình. Còn các ngày lễ Tết trong năm anh không bao giờ tặng quà tôi, anh dẫn tôi đi ăn, đi chơi và tất nhiên chi phí của vụ đó lại… chia đôi.
Nhìn vẻ bề ngoài phóng khoáng, đàn ông của anh, không ai nghĩ anh lại tính toán tới như vậy. Không có sự rạch ròi nào đáng sợ tới mức đi ăn sáng vài chục nghìn cũng bắt bạn gái phải chia tiền. (Ảnh minh họa)
Tôi cảm thấy xấu hổ trước những lần thẳng thắn thái quá của anh khi đi chơi cùng. Khi tôi góp ý, anh tỉnh bơ và tỏ vẻ khó chịu: “Từ trước tới giờ vẫn như vậy sao em lại phải xấu hổ vì điều đó. Thời đại nào rồi mà còn quan trọng chuyện đàn ông phải trả tiền? Hay em cũng định biến mình rẻ rúm như mấy cô gái thích lợi dụng khác?”.
Chưa kể, anh còn nói với tôi rằng, em cứ yên tâm, nếu lấy nhau, là vợ chồng anh chẳng tiếc em điều gì. Còn bây giờ đang yêu, mình cứ độc lập thế đi, điều đó chỉ làm em có giá hơn mà thôi. Lúc đầu vì ngại, vì yêu nên tôi tin… Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra bản chất của việc đó không phải là sự công bằng mà là vì anh keo kiệt. Nhìn vẻ bề ngoài phóng khoáng, đàn ông của anh, không ai nghĩ anh lại tính toán tới như vậy. Không có sự rạch ròi nào đáng sợ tới mức đi ăn sáng vài chục nghìn cũng bắt bạn gái phải chia tiền.
Một người đàn ông như thế, có đáng để lấy làm chồng không? Đúng là ngoài việc đó thì anh tốt, mà cũng có thể lấy về anh sẽ khác đi… Nhưng lúc này đây, sự keo kiệt của anh chỉ làm tôi thấy chán nản và khó chịu.