Không muốn chồng con nhập viện ngày Tết, vợ hãy bỏ ngay thói quen này

Ngày 04/01/2017 08:42 AM (GMT+7)

Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo, thói quen tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, nấu đi nấu lại thức ăn… vô cùng nguy hại, khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.

Chỉ còn ít tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã mua sắm các loại đồ ăn, thức uống để chuẩn bị cho những bữa ăn ngày Tết thật đầy đặn, món nào cũng là đặc sản.

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, thói quen tích trữ đủ loại thức ăn và bảo quản lâu trong tủ lạnh chẳng khác gì biến tủ lạnh thành ổ chứa vi khuẩn, thức ăn bị biến chất…

Chị Nguyễn Thanh Bình (Lê Văn Lương, Hà Nội) cho hay, Tết năm nào cũng vậy, vì sợ ngày Tết siêu thị, các chợ không mở sớm nên chị thường tích trữ sẵn thực phẩm trong tủ lạnh. Đặc biệt, dịp Tết, chị về quê và thường được mọi người cho đủ loại thịt gà, thịt lợn, thậm chí là các đặc sản vùng quê nên tủ lạnh nhà chị luôn chật ních, thức ăn sống- chín để lẫn lộn.

“Ngày Tết, nếu không tích trữ như vậy, khi cần đến thứ gì lại không có sẽ rất bất tiện. Tôi vẫn thấy nhiều người tích trữ thịt, cá trong tủ lạnh vài tháng không có vấn đề gì nên cũng học theo và nghĩ nó vô hại”, chị Bình chia sẻ.

Không chỉ chị Bình mà phần lớn các bà nội trợ đều có thói quen tích trữ và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh theo kiểu “không có thời gian sử dụng”. Trước thói quen này của các bà nội trợ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, việc tích trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh và bảo quản dài ngày, không đúng cách sẽ khiến thức ăn không còn tươi ngon, dễ bị hư hỏng, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Cũng theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết là vô cùng quan trọng, nếu cứ ăn uống theo kiểu “nhồi nhét”, không đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm dễ bị nhập viện cấp cứu vì các bệnh như rối loạn đường tiêu hóa...

BS.Lê Thị Hải- Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: “Các bà nội trợ nên bỏ thói quen dự trữ, tích trữ thực phẩm vào ngày tết. Tủ lạnh cũng chỉ là hạn chế đồ bị hỏng thôi, chứ không thể giữ được độ tươi ngon như thực phẩm mới được. Hơn nữa, việc bảo quản đồ ăn sống chín lẫn lộn, tủ lạnh để quá chật chội, không có không khí để lưu thông, lúc đó tủ lạnh lại trở thành ổ vi khuẩn”.

Không muốn chồng con nhập viện ngày Tết, vợ hãy bỏ ngay thói quen này - 1

Nấu đi nấu lại món ăn nhiều lần có nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa (Ảnh Internet).

Cũng theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, việc vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh là vô cùng quan trọng. Nên chia nhỏ thực phẩm thành từng bữa, cho vào bao, túi sạch sẽ và lấy dần ra để nấu, để riêng đồ sống, đồ chín…

“Để đảm bảo an toàn, không mắc bệnh, nhất là các bệnh tiêu hóa trong dịp tết, các bà nội trợ không nên nấu đi nấu lại thức ăn từ ngày này sang ngày khác. Nên bổ sung thực đơn nhiều rau xanh, quả chín, tránh tình trạng ăn quá nhiều thịt, tinh bột”, BS. Hải lưu ý.

Các bác sĩ tiêu hóa khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng ngày Tết vô cùng quan trọng, tránh ăn nhiều đồ ngọt, bia rượu, tránh ăn nhiều thịt để không bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc.Theo đó, ngày Tết mọi người nên hạn chế thức ăn mang tính acid như thịt, cá, trứng gia cầm... Nên ăn nhiều thực thẩm mang tính kiềm, ăn ít thực phẩm mang tính axit. Thực phẩm giàu canxi, magiê, kali đều thuộc nhóm mang tính kiềm. Ví dụ như rau xanh (bí, cà chua, dưa chuột, củ cải, cà tím, rau chân vịt, khoai lang), hoa quả (táo, lê, chuối, đào, dâu, mơ, hồng, nho ...), đậu và chế phẩm từ đậu, rong biển, nấm... Ngược lại cá, thịt, gia cầm, trứng, dầu mỡ... đều là thực phẩm mang tính acid, vì vậy, ngày Tết nên hạn chế ăn là tốt nhất.

Theo Vân An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe mùa đông