Ăn lẩu là khoái khẩu vào mùa đông nhưng ăn món này sao cho đúng cách thì không phải ai cũng biết.
Theo quan điểm của chuyên gia dinh dưỡng, không có thực phẩm không tốt cho sức khỏe, chỉ có cách ăn uống không lành mạnh. Món lẩu chính là một ví dụ, đây thực tế là món ăn cũng khá lành nhưng vì cách ăn uống sai mới dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe.
Ăn lẩu dễ gây nhiều vấn đề cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Ưu điểm của món lẩu
1. So với chiên và nướng, lẩu tốt cho sức khỏe hơn
Mặc dù nướng, chiên và lẩu đều được mọi người coi là không tốt cho sức khỏe nhưng các chuyên gia dinh dưỡng vẫn tin rằng ăn lẩu tốt hơn so với chiên, nướng.
Các phương pháp nấu nướng như chiên, nướng ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất có hại như acrylamide, một chất có khả năng gây ung thư. Thực phẩm giàu carbohydrate, đặc biệt khi nấu ở nhiệt độ trên 120 độ C cũng sẽ tạo ra acrylamide. Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê chiên rán và nướng ở nhiệt độ cao là chất gây ung thư loại 2A.
Còn khi nấu lẩu, nhiệt độ sôi của nước dùng là khoảng 100 độ C. Xét về khía cạnh này, nồi lẩu là một loại nước dùng món ăn lành mạnh hơn so với các lựa chọn còn lại.
2. Lẩu giúp chế độ ăn của bạn đa dạng hơn
Theo khuyến nghị, mỗi người nên ăn ít nhất 12 loại thực phẩm mỗi ngày. Do đó, ăn một bữa lẩu đầy đủ dinh dưỡng có thể dễ dàng giúp bạn thực hiện được mục tiêu này.
Khi ăn lẩu, bạn có thể ăn nhiều loại nguyên liệu trong một bữa ăn, bao gồm thịt và rau, thịt đỏ và thịt trắng, rau lá và dưa, cá, tôm, nội tạng...
Lẩu được yêu thích vào mùa lạnh. (Ảnh minh họa).
Cách ăn lẩu sai dễ mắc bệnh
1. Ăn cay, nóng lạnh lẫn lộn
Nhiều người thích ăn lẩu thật cay với nhiều ớt vì cho rằng như vậy mới ngon. Tuy nhiên, chất capsaicin trong ớt có thể gây cảm giác nóng rát và ngứa ran ở đường tiêu hóa của một số người, đồng thời cũng có thể đẩy nhanh nhu động đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.
Ngoài ra, nhiều bạn thích ăn lẩu cay nóng với đồ uống có đá lạnh. Chế độ ăn cay và nóng lạnh lẫn lộn này có thể khiến đường tiêu hóa co bóp bất thường, dễ gây khó tiêu, tiêu chảy.
Do đó, khi ăn lẩu cố gắng cho càng ít ớt càng tốt, không ăn lẩu nóng kết hợp với đồ uống lạnh.
2. Ăn lâu và ăn nhiều
Khi ăn lẩu, đa phần chúng ta thích ăn lâu và ăn nhiều. Trên thực tế, ăn lẩu lâu sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, việc tiết dịch dạ dày, mật, dịch tụy và các dịch tiêu hóa khác trong cơ thể sẽ kéo dài. Nếu quá trình này tiếp tục trong vài giờ và các tuyến của đường tiêu hóa không được nghỉ ngơi bình thường có thể dẫn đến rối loạn chức năng đường tiêu hóa và đau bụng, tiêu chảy...
Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn thậm chí có thể bị viêm dạ dày ruột mãn tính, viêm tụy và các bệnh khác. Ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tăng cân.
3. Ăn đồ quá nóng dễ dẫn đến ung thư thực quản
Trong trường hợp bình thường, nhiệt độ chịu đựng của thực quản con người là 50-60 độ C. Đối với hầu hết mọi người, khi ăn lẩu, nhiệt độ của thức ăn là khoảng 70 độ C, vượt xa nhiệt độ mà thực quản có thể chịu được. Nhiệt độ sôi của nồi lẩu khoảng 100 độ C.
Nếu gắp một miếng thức ăn cho vào miệng, nhiệt độ sẽ ít nhất là 70-80 độ C, khiến miệng và thực quản của bạn không chịu nổi. Đưa thức ăn nóng trực tiếp vào miệng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Nên làm nguội thức ăn lấy ra khỏi nồi trước khi ăn.
4. Ăn lẩu nêm nhiều muối và gia vị
Theo khuyến cáo, người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5 gam muối và 25-30 gam dầu ăn mỗi ngày. Lẩu rất ngon nhưng dễ có hàm lượng dầu và muối tương đối cao, cộng với các gia vị trong nước chấm chắc chắn khiến lượng dầu và muối ăn vào sẽ vượt tiêu chuẩn.
Do đó, khi ăn lẩu nên cho ít dầu, giảm các gia vị khác và không nên uống nước lẩu.
5. Uống nước lẩu và ăn nhiều nội tạng
Món lẩu bạn yêu thích có thể chứa hàm lượng purine cao chủ yếu là do hai điểm sau:
Đầu tiên, cho quá nhiều nội tạng động vật có hàm lượng purine cao. Nhiều người khi ăn lẩu thường chỉ tập trung ăn nội tạng, điều này có thể gây tăng axit uric máu, tình trạng này thậm chí còn tệ hơn đối với những người bị tăng axit uric máu hoặc bệnh gút. Do đó, khi ăn lẩu, những người nêu trên nên ăn ít nội tạng động vật.
Thứ hai, nước dùng lẩu có nhiều purine. Nước dùng làm từ thịt gà, xươn... có hàm lượng purine tương đối cao, khi ăn sẽ cho tôm và thịt vào, nấu càng lâu thì hàm lượng purine càng cao.
Do đó, những người mắc các bệnh về chuyển hóa như bệnh gút, mỡ máu cao không nên uống nhiều nước lẩu.