Thời tiết giao mùa khiến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch, kèm theo đó là tình trạng khô hanh khiến cơ thể không kịp thích nghi, từ đó khiến nhiều căn bệnh “trỗi dậy” gây hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia, hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết có nhiều thay đổi và chênh lệch nhiệt độ rất rõ rệt, đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, virus có hại phát triển và gây bệnh. Nguyên nhân là do cơ thể chưa thích nghi kịp, sức đề kháng bị giảm nên vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập và tấn công gây bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai…
Dưới đây là một số căn bệnh hay gặp phải khi thời tiết giao mùa mọi người cần hết sức chú ý:
Dị ứng thời tiết
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Khoa Nội - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, dị ứng thời tiết dù không phải căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó gây ra rất nhiều phiền toái cho những ai mắc phải. Thực tế, dị ứng thời tiết là phản ứng có hại của hệ miễn dịch đối với các yếu tố thời tiết bao gồm nhiệt độ nóng, lạnh, khô, ẩm, nắng, gió, mưa. Bệnh bùng phát dữ dội vào thời điểm giao mùa do thay đổi đột ngột của thời tiết.
Dị ứng thời tiết thường gây ra các triệu chứng như phát ban, nổi mẩn ngứa, sưng rộp và tấy đỏ trên da, viêm mũi, nổi mề đay cấp tính. Trong đó, dị ứng thời tiết ở mặt và các vùng da hở như cổ, tay, chân phổ biến hơn cả.
Dị ứng thời tiết rất hay gặp phải khi giao mùa gây nên nhiều khó chịu cho người mắc. Ảnh minh họa.
Khi bị dị ứng thời tiết rất khó để chữa khỏi vì liên quan tới cơ địa, hệ miễn dịch của từng người. Thậm chí, bệnh còn có xu hướng tiến triển nặng hơn do những sai lầm trong sinh hoạt như tự ý dùng thuốc, dùng các mẹo dân gian để chữa bệnh dẫn tới tình trạng kháng thuốc và gặp tác dụng phụ teo da, rạn da, giãn mạch, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Để phòng bệnh tốt nhất là điều trị theo từng đợt, điều trị các triệu chứng sớm và hạn chế tiết xúc với các yếu tố thời tiết bất lợi. Đồng thời cần bổ sung nước đầy đủ, ăn uống đủ dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng.
Viêm xoang
Cũng giống như dị ứng thời tiết, viêm xoang dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó gây rất nhiều khó chịu cho những ai mắc phải, đặc biệt bệnh dễ tái phát vào thời điểm giao mùa. Bệnh viêm mũi, viêm xoang có thể gặp ở tất cả các mùa nhưng với mùa lạnh sẽ gây ra khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài và tái phát cũng diễn ra nhanh hơn.
Viêm xoang gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt khi mắc phải. Ảnh minh họa.
Những biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang thường gặp như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt... Khi mắc bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc, học tập cũng như giao tiếp.
Để phòng bệnh, tốt nhất hãy bảo vệ đường hô hấp một cách triệt để như đeo khẩu trang khi ra ngoài, dưỡng ẩm cho mũi và dùng thuốc nếu tình trạng ngày càng tăng nặng. Đồng thời, tránh xa khói bụi, thuốc lá vì đây là những tác nhân khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Cảm cúm
Đây là chứng bệnh phổ biến nhất mà hầu như ai cũng có thể mắc phải khi thời tiết giao mùa. Theo đó, khi thời tiết thay đổi, nóng lạnh đan xen, nắng mưa thất thường liên tục, kèm theo miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi với môi trường khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.
Khi cơ thể gặp các biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy mũi, sốt, ớn lạnh… đó là dấu hiệu cho biết bạn đã bị cảm cúm và cần được nghỉ ngơi, chăm sóc. Cảm cúm thông thường có thể chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng nếu không được thăm khám và điều trị sớm, các loại virus, vi khuẩn xâm nhập sâu vào cơ thể sẽ gây nên những tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn như viêm phế quản, viêm phổi.
Cảm cúm rất thường gặp khi giao mùa. Ảnh minh họa.
Do vậy, mọi người tuyệt đối không chủ quan với cảm cúm, hãy điều trị ngay khi có những triệu chứng nhẹ ban đầu. Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng cũng là cách phòng bệnh hiệu quả, đặc biệt hãy tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm đề phòng bệnh tốt nhất.
Viêm phổi, viêm phế quản
Thời tiết Thu-Đông thường hanh khô khiến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh lý nền mạn tính. Người bệnh bị viêm phổi thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm vì thế rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.
Sai lầm lớn nhất của người dân đó là tự điều trị khi thấy có những dấu hiệu bệnh cảm cúm, chỉ đến khi xảy ra tình trạng ho ra máu, có đờm màu trắng đục hoặc màu xanh, khó thở, rút lõm lồng ngực ở trẻ mới vội vàng đưa đến viện. Khi đó, đa số bệnh đã ở giai đoạn nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng bệnh viêm phổi, viêm phế quản cần phải chăm sóc sức khỏe tốt khi thời tiết giao mùa bằng cách, hạn chế đến nơi đông người, nhất là nơi đang có các ổ dịch lưu hành. Vệ sinh cá nhân, nhất là bàn tay đúng cách để tránh vi khuẩn, virus tấn công, đặc biệt hãy tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn của ngành y tế. Cuối cùng, hãy đi khám khi có các dấu hiệu viêm, đau ở hệ hô hấp.
Hãy bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ đường hô hấp khi thời tiết giao mùa. Ảnh minh họa.
Cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa:
- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng.
- Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi.
- Tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ.
- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch.
- Giữ ấm cơ thể.
- Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ.