Bí đao giúp dưỡng nhan, giảm cân như thế nào? Tiếc thay phần bí đao cực tốt ai cũng đem vứt thùng rác

DIỆU THUẦN - Ngày 02/05/2023 16:00 PM (GMT+7)

Ngoài dùng để chế biến các món ăn và nước uống giúp giải nhiệt, vỏ bí đao còn dùng để làm thuốc trong đông y.

Cây rau ai cũng thích ăn

Bí đao còn có tên gọi khác là bí xanh, bí phấn… là loại rau quen thuộc của nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ. Loại rau này có thể dùng để nấu canh, luộc, làm trà, làm mứt hay làm nên các sản phẩm làm đẹp, giảm cân.

Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cà Mau, quả bí đao tươi có nhiều thành phần dinh dưỡng, như các chất protid, lipid, cellulose, dẫn xuất không protein, khoáng toàn phần như canxi, phốt pho, sắt. Ngoài ra, bí đao còn có các vitamin caroten, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và vitamin C. Nhiệt lượng do 100g bí cung cấp cho cơ thể là 12calo.

Bí xanh là loại rau ăn mát, được nhiều người thích ăn. Ảnh: Diệu Thuần.

Bí xanh là loại rau ăn mát, được nhiều người thích ăn. Ảnh: Diệu Thuần.

Theo y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, làm tan đờm, làm mát ruột, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: Xơ cứng động mạch, đái tháo đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh tăng huyết áp và béo phì. Nhờ các đặc tính này của rau, ai cũng thích ăn bí đao, nhiều người hầu như ăn thường xuyên.

Lương y Nguyễn Kỳ Nam cho rằng, toàn bộ quả bí đao đều ăn, làm thuốc được. Trong đó, vỏ bí đao (còn gọi là đông qua bì) có thể nấu canh, luộc, nấu trà bí đao hoặc chế biến được nhiều món khác. Trong đông y, vỏ bí đao kết hợp với thực phẩm khác có thể làm thuốc chữa được nhiều bệnh.

+ Trị viêm thận cấp tính, phù thũng: Vỏ bí đao kết hợp với bạch mao căn, mỗi vị 30g, sắc uống ngày 1 thang, uống nhiều ngày. 

+ Trị ho do nhiệt: Vỏ bí dao sắc nước, thêm mật ong, uống nhiều lần trong ngày. 

+ Trị đau lưng do chấn thương: Vỏ bí đao sao vàng, tán bột, uống, mỗi lần 3g, ngày 2-3 lần. 

+ Trị viêm bàng quang, tiểu đục, tiểu buốt, rắt: Vỏ bí đao 12g, sắc uống nhiều lần trong ngày. Uống nhiều ngày.

Vỏ bí đao có nhiều lông sắc nhọn và phấn trắng khi trái già nên nhiều người đã bỏ đi. Ảnh: Diệu Thuần.

Vỏ bí đao có nhiều lông sắc nhọn và phấn trắng khi trái già nên nhiều người đã bỏ đi. Ảnh: Diệu Thuần.

Nhiều người nghĩ vỏ bí đao không ăn được nên vứt bỏ

Vỏ bí đao có nhiều tác dụng như vậy nhưng hiện vẫn có nhiều gọt bỏ đi mỗi khi chế biến các món ăn.

Vợ chồng anh Chí Nghiêm (39 tuổi, ở TP Thủ Đức) tự trồng được bí đao ở mảnh đất trống bên nhà để ăn. “Tôi trồng chỉ được 2 cây nhưng trái ra rất nhiều, phải hái mang cho hàng xóm, bạn bè chứ ăn không hết”, anh Nghiêm chia sẻ.

Anh Nghiêm cho biết, những trái bí vợ chồng anh thu hoạch được sẽ dùng nấu canh, luộc, nấu trà bí đao, làm nước ép bí đao, có khi là các món hấp. Lẽ đương nhiên, khi sơ chế bí vợ chồng anh sẽ gọt bỏ hết vỏ, phần ruột nếu đã già. Anh giải thích, do lớp ngoài vỏ bí có nhiều lông sắc nhọn và phấn trắng khi trái đã già, phần ruột thì không ngon.

Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, việc nhiều người gọt bỏ vỏ bí đao là vô tình bỏ đi những phần dinh dưỡng giá trị của của nó. Tuy nhiên, để phần vỏ bí đao phát huy tác dụng thì chỉ nên chọn trái vỏ căng mọng, to, da màu xanh, không có lớp phấn trắng. Tốt nhất, nên ăn trái bí khi còn non, lúc này, chỉ cần rửa sạch lớp vỏ bên ngoài, cạo đi phần lông ngoài vỏ là ăn được hết các phần của trái. Ngoài ra, việc chọn những trái bí còn non sẽ có vị ngon ngọt đặc trưng của trái hơn.

Món canh bí đao nấu với tôm hoặc thịt bằm được nhiều người thích. Ảnh minh họa.

Món canh bí đao nấu với tôm hoặc thịt bằm được nhiều người thích. Ảnh minh họa.

Lương y Nguyễn Kỳ Nam cũng lưu ý, với trẻ em thì không nên ăn vỏ bí đao, vì lớp vỏ này cứng hơn phần ruột và có nhiều lông nên dễ làm trẻ bị hóc, sặc.

Để ăn bí đao có nhiều tác dụng, lương y lưu ý, với phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ nếu hệ tiêu hóa yếu thì nên hạn chế ăn bí đao để tránh bị khó tiêu.

Với những người bị bệnh dạ dày hay thân hàn nên dùng ít bí đao.

Điều đặc biệt, chúng ta không ăn bí đao với giấm hay đậu đỏ để tránh bị triệt tiêu chất dinh dưỡng của loại rau này, làm tăng lượng nước tiểu đột ngột dẫn đến mất nước.

Tốt nhất, không uống nước ép bí đao sống vì loại quả này có tính xà phòng cao, dễ gây bệnh cho đường tiêu hóa.

Khi nấu bí nhớ để ở mức lửa vừa để có món canh chuẩn vị. Không nên đậy nắp nồi khi nấu vì bí sẽ bị chuyển màu vàng, mùi nồng, không ngon. Khi múc canh bí ra tô cho thêm chút tiêu xay để tăng độ cay thơm quyến rũ.

Cây rau mọc hoang người Việt nhổ bỏ, ở Nhật và Trung Quốc ăn để ngừa ung thư, chữa xương khớp
Theo y học hiện đại, rau càng cua giàu dinh dưỡng, có thể ngừa được nhiều bệnh, trong đó có ung thư, tim mạch nhưng nhiều người không biết, cho rằng...

Thực phẩm phòng bệnh

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh