Nhiều người lo lắng hoa quả sau khi cắt xong cất tủ lạnh sẽ bị mất chất dinh dưỡng. Các chuyên gia đã quyết định thử nghiệm với 6 loại trái cây và kết quả thu được không như nhiều người tưởng.
Con người hiện đại bận rộn với công việc và cuộc sống, có người chọn cách cắt trái cây từ đêm hôm trước và cho vào tủ lạnh để tiện cho ngày hôm sau ăn. Hoặc có những gia đình cắt trái cây xong nhưng ăn không hết nên phải cất vào tủ lạnh để lần sau bỏ ra ăn tiếp.
Tuy nhiên cũng vì vậy mà không ít người lo ngại liệu giá trị dinh dưỡng của trái cây để qua đêm có bị mất đi nhiều không và có gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe không. Bởi có nhiều thông tin nói rằng một số loại thực phẩm không nên để qua đêm rồi ăn lại vì có thể sản sinh những chất gây hại cho sức khỏe.
Trên thực tế, miễn là trái cây đã cắt được bảo quản tốt, việc mất chất dinh dưỡng có thể ít hơn so với tưởng tượng và thậm chí có thể tăng một số hàm lượng vitamin C.
Nhiều người lo ngại trái cây cắt ra để lâu sẽ mất sạch dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Trái cây đã cắt để đến ngày thứ 6, dinh dưỡng giảm không quá 25%
Tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm từng đăng một bài báo nghiên cứu, cắt 6 loại trái cây tươi thông thường cho vào hộp rồi bảo quản chung với loại chưa cắt trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5°C. Người ta thấy rằng cho đến ngày thứ 6, vitamin C và carotenoit trong trái cây đã cắt bị mất đáng kể, nhưng không quá 25%, và các chất chống oxy hóa và polyphenol trong trái cây cũng bị giảm không đáng kể. Mặc dù bảo quản trái cây đã cắt trong nhiều ngày sẽ khiến hình thức bên ngoài không đẹp mắt nhưng việc mất chất dinh dưỡng trong chúng không nghiêm trọng như nhiều người vẫn tưởng.
Một số loại trái cây được lưu trữ càng lâu, vitamin C càng cao
Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau khi một số loại trái cây được cắt và bảo quản trong tủ lạnh, hàm lượng chất dinh dưỡng không giảm mà còn tăng lên. Ví dụ như dứa khi đã bổ ra, thời gian bảo quản càng lâu thì hàm lượng axit dehydroascorbic (dạng vitamin C bị oxy hóa) trong chúng càng cao; hay như dâu tây nếu thời gian bảo quản càng lâu thì hàm lượng vitamin C trong nó càng cao.
Sau đây là tình trạng của những loại trái cây khi cắt và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5°C:
1. Dứa
Trong quả dứa đã cắt, chỉ có 25% lượng carotenoid bị mất đi và thời gian bảo quản càng lâu thì hàm lượng axit dehydroascorbic càng cao, hàm lượng này tăng khoảng 10%.
2. Xoài
Trong xoài đã cắt, khoảng 10-15% caroten bị mất và vitamin C tăng 5%.
3. Quả kiwi
Sau 6 ngày bảo quản, hàm lượng carotenoid trong quả kiwi không bị hao hụt đáng kể. Tuy nhiên, lượng vitamin C giảm 12% và nó là loại duy nhất trong số sáu loại trái cây bị mất vitamin C.
4. Dưa hấu
Giống như quả Kiwi, trong dưa hấu lượng carotenoid bị mất đi không đáng kể, chỉ bị mất nước nhưng lượng vitamin C lại tăng thêm 5%.
5. Dâu tây
15% caroten trong dâu tây sẽ bị mất sau khi cắt và vitamin C sẽ tăng 25%.
6. Dưa vàng
Dưa vàng đã cắt bị mất 13% lượng carotenoid và tăng 25% vitamin C.
Một số loại trái cây sau khi cắt và bảo quản trong tủ lạnh sẽ tăng lượng vitamin C. (Ảnh minh họa)
Có thể thấy 5/6 loại trái cây trên đều tăng vitamin C sau khi cắt. Mặc dù không mất nhiều dinh dưỡng nhưng từ góc độ mùi vị và nguy cơ an toàn thực phẩm, trái cây đã cắt miếng nên ăn càng sớm càng tốt, vì thời gian bảo quản càng lâu, không chỉ mùi vị sẽ giảm đi rất nhiều, vi khuẩn cũng có thể phát triển.
Làm thế nào để trái cây tươi và và vẫn giữ được nhiều dinh dưỡng khi cắt?
1. Không để hoa quả đã cắt ở bên ngoài quá lâu
Nếu trái cây đã cắt được đặt ở nhiệt độ phòng trong 1 đến 2 giờ trước khi làm lạnh, vi khuẩn rất dễ sinh sôi, vì độ ngọt và hàm lượng nước trong trái cây khá phong phú, tạo ra môi trường thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn.
2. Sử dụng hộp kín, màng bọc thực phẩm... để bọc kín trái cây
Sử dụng hộp kín để bảo quản hoa quả đã cắt. (Ảnh minh họa)
Cả hai dụng cụ này đều có thể ngăn chặn hiệu quả sự tiếp xúc giữa vi khuẩn và bề mặt trái cây, sau đó bảo quản chúng trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5 độ C trở xuống. Tuy nhiên, vẫn nên ăn trái cây đã cắt trong vòng 3 ngày là an toàn nhất.