Việc đối xử thiếu công bằng, hay so sánh con với người khác vô tình làm tổn thương, thậm chí có thể khiến trẻ gặp sang chấn và phải can thiệp tâm lý.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách hiện đang là Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền Thông, thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam.
Bé trai muốn em biến mất vĩnh viễn vì sự bất công từ bố mẹ
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách - Chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng, giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý Việt Nam) cho biết, gần đây ông tiếp nhận không ít trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm lý khá nặng nề do cách ứng xử chưa phù hợp của phụ huynh.
Một trong những trường hợp điển hình là bé trai tên Huy Hùng, học lớp 8, ở Hà Nội. Hùng có em trai lớp 5 và luôn cảm thấy bố mẹ thiên vị em. “Cái gì em cũng hơn con. Quần áo em mặc đắt tiền hơn. Em mới học lớp 5 mà đã dùng smarphone, trong khi con lớp 8 vẫn chỉ dùng điện thoại cùi chỉ nghe và gọi được”, Hùng tâm sự.
Hùng kể thêm, trong những câu chuyện hằng ngày, bố luôn khen em trai thông minh hơn Hùng. Khi em học toán được điểm 8 là được bố khen, còn Hùng 9 điểm vẫn bị chê. “Khi con có lỗi thì trách phạt nhiều lần, nhưng khi em có lỗi thì luôn được động viên, dạy dỗ. Chẳng những với em, mà bố còn nhiều lần so sánh con với các bạn hàng xóm, các bạn trong lớp khiến con chỉ biết khóc”, Hùng kể lại.
Cảm giác luôn bị so sánh thua kém em trai và bạn bè khiến Hùng thấy chán nản. Ảnh minh họa.
Luôn cảm thấy bị phân biệt và so sánh trong gia đình, Hùng trở nên ngày càng ghét em. “Con thật sự căm ghét em con, chỉ muốn nó biến mất trước mắt mình. Con không thể sống chung với nó. Hay con không phải là con của bố, của mẹ. Con thật sự rất buồn và chán nản”, Hùng bày tỏ.
Nhận thấy, Hùng có những bất thường về tâm lý, một người thân đã đưa em đi khám và khi không có mặt bố ở đó em mới dám tâm sự thật những lời trên với chuyên gia. “Tôi đã lặng người đi khi cậu bé nói. Ánh mắt nó thẫn thờ, đau khổ. Tay cậu bé nắm lấy tay tôi rất chặt. Khi đó, tôi ôm và xoa mái tóc bù xù của nó. Nó nấc lên trong nỗi uất hận và nghẹn ngào”, bác sĩ Bách nhớ lại.
Với trường hợp này, việc trị liệu tâm lý cho bé trai không khó. Điều quan trọng nhất là phải đưa người bố đi khám, vì lỗi chính là ở phụ huynh. Nếu không xử lý được từ gốc vấn đề, thì có trị liệu cho con, mọi chuyện lại đâu vào đó.
Bố mẹ Việt chiều con, nhưng lại hay so sánh, chưa biết nuôi dưỡng tinh thần trẻ
Từ trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, đây là thực tế đang diễn ra ở nhiều gia đình người Việt. Như trường hợp trên, việc bố mẹ so sánh đứa con nọ và đứa con kia, đối xử không công bằng là một sai lầm. Để rồi, ngay trong suy nghĩ của đứa trẻ mới học lớp 8, nó đã có sự thù hận, muốn em trai mình biến mất. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bố mẹ nếu không sớm nhận ra, không thay đổi cách sống, cách giáo dục con thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Theo bác sĩ Bách, so với trước đây, trẻ em ngày này phải chịu áp lực rất lớn về học hành, về việc phải “bằng bạn bằng bè”. Thêm vào đó, những kỳ vọng của bố mẹ đã tạo nên áp lực vô hình đối với con trẻ. Bố mẹ thường có sự so sánh “con nhà người ta”.
Phụ huynh cần dừng ngay việc so sánh con với bạn cùng trang lứa, nhất là về kết quả học tập. Ảnh minh họa.
Trong thời điểm cuối mỗi kỳ học, năm học thường sẽ có buổi họp phụ huynh. Tại đây, khi giáo viên gửi kết quả học tập, phụ huynh bắt đầu so sánh. Rồi về nhà, có người sẽ mắng xối xả rằng, tại sao cùng học mà bạn A, bạn B như thế, còn con (mày) lại thế này… Hay có người chẳng nói gì, chỉ đặt tờ kết quả học tập rồi thở dài một tiếng… Tất cả điều đó, với một đứa trẻ đang ở lứa tuổi nhạy cảm (12-16), đều là đòn đau, tạo cho chúng một góc nghĩ khác.
“Việc so sánh này sẽ khiến các con cảm thấy xấu hổ khi không đạt được sự kỳ vọng của bố mẹ, đến lớp thì không được bằng bạn bè hay phải chịu áp lực từ thầy cô giáo. Tất cả sẽ đẩy trẻ vào trạng thái não bộ bị kích tố lên, tư tưởng có sự đấu tranh để vượt qua áp lực. Nếu trẻ có sức chống chịu yếu thì có thể tìm đến những điều tiêu cực”, bác sĩ Bách cảnh báo.
Bác sĩ cho rằng, bố mẹ Việt rất chiều con, nhưng họ lại chưa biết nuôi dưỡng tinh thần của con, không "hạ mình" về lứa tuổi của con để hiểu con mà luôn lấy tư cách làm cha mẹ để áp đặt. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ là một thực thể sống, có não bộ riêng, cơ thể riêng. Tại sao cha mẹ lại cướp đi quyền suy nghĩ của con?
Theo bác sĩ Bách, kỷ luật để rèn sức chịu đựng của con là tốt, nhưng cần khéo léo và đối xử công bằng với trẻ.
Bố mẹ nên hành xử ra sao để trẻ không thấy bị thiên vị
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong một gia đình dù đông anh em hay chỉ có hai anh/chị em, việc tối kỵ nhất là đối xử không công bằng. Điều này khiến cho trẻ có thể cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi và làm trẻ bị tổn thương. Vì thế, hãy luôn dành thời gian riêng tư, san sẻ tình yêu thương cho các con. Như vậy, sẽ giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình, không bị cho ra rìa hay bị bỏ rơi.
Muốn làm được như vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý một số điều sau:
- Không nên so sánh hai đứa trẻ: Với một đứa trẻ, đặc biệt đang ở tuổi dậy thì, khi nhận được lời so sánh như "Nhìn anh/chị làm như thế nào, sao mà ngốc thế?"; "Nhìn em trai/chị ngoan ngoãn mà sao con lại nghịch ngợm thế này"…chúng sẽ nghĩ “mình là người thừa”; “bố mẹ không cần/không yêu mình nữa”. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm, nó sẽ làm gia tăng thái độ thù địch với người được so sánh, bản thân trẻ cảm thấy tự ti hoặc thậm chí từ bỏ chính mình.
- Đừng bắt ép các con phải xin lỗi ngay lập tức: Trong gia đình nhiều anh chị em, việc giải quyết mâu thuẫn phải thật tế nhị. Tuyệt đối, không bắt con xin lỗi ngay lập tức, trước mặt bạn bè hoặc anh chị em khác. Bởi khi đó, các con đang trong trạng thái quá tải về mặt cảm xúc thì mọi phương pháp giảng hòa, định hướng hay khuyên nhủ hoặc kỷ luật sẽ không mang lại tác dụng. Ngược lại, nó sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ vì bản thân bị hạ thấp, sỉ nhục.
- Ở một mình với con: Khi con mắc lỗi, thay vì kỷ luật, bắt con xin lỗi, hãy nhẹ nhàng với con và nói chuyện sau về lỗi con mắc phải. Tốt nhất, nên lựa chọn ở một mình với con để khuyên nhủ con, giúp con nhận ra lỗi của mình. Khi đó, đứa trẻ cảm thấy được tôn trọng, được yêu thương thì chúng sẽ dễ nhận lỗi và sửa lỗi. Đặc biệt, chúng sẽ kính trọng bố mẹ hơn và không cảm thấy mình bị ghét bỏ.
Không nên kỷ luật, bắt con xin lỗi ngay lập tức mà hãy lựa thời điểm để khuyên nhủ con. Ảnh minh họa.
- Hãy trở thành cầu nối giữa những đứa trẻ: Khi con mắc lỗi, hay có mâu thuẫn, bố mẹ nên là người hòa giải cho các con bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, từ tốn. Không nên đổ hết lỗi cho đứa trẻ nào, những câu nói như "vì con là anh/chị nên phải nhường em"... chỉ khiến cho mối quan hệ giữa các con thêm xấu đi. Bố mẹ cần tách hai đứa trẻ, kìm nén cơn giận và chỉ phân tích cho các con hiểu khi chính bố mẹ đang ở trong trạng thái tâm lý ổn định nhất.
Cuối cùng, để giải quyết được vấn đề trên được tốt nhất, bác sĩ Bách khuyên các bậc phụ huynh, hãy đối xử công bằng giữa các con, ngừng so sánh trẻ với bạn bè. Bản thân cha mẹ cần đồng hành và luôn đặt mình vào vị trí của con, quan sát một cách tế nhị, từ hành vi, lời nói. Bên cạnh đó, phụ huynh nên thấu hiểu con em mình bằng những thế mạnh của bản thân chúng, con mạnh ở đâu thì hỗ trợ ở đó.
Không chỉ gia đình, mà nhà trường cũng cần chú ý đến tư vấn tâm lý học đường, tìm các chuyên gia chuẩn mực phụ trách giải quyết các vấn đề tâm lý cho học sinh trong các nhà trường. Mỗi nhà trường cần có một phòng hỗ trợ tâm lý để sàng lọc ban đầu, từ đó, có thể nhận ra vấn đề học sinh đã gặp phải, giúp đỡ kịp thời trước khi quá muộn.
* Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi
Tin liên quan
Khi gặp bế tắc trong công việc, áp lực về tâm lý, không ít bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc để đi "chữa lành", hành động này liệu có thật sự mang...
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, chị Hoàng Ý Loan bị trầm cảm và chỉ biết “nhốt” mình trong phòng, nghĩ đến những điều tiêu cực. Tới khi bị...
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, thuốc điều trị rối loạn lo âu sẽ khiến người uống cảm thấy bồn chồn, bốc hỏa, run, rối loạn cương dương hoặc...
Tin bài cùng chủ đề Mental Health
Do bất đồng với bố mẹ, chàng thiếu niên lấy sách làm bạn, thậm chí là lấy nhà vệ sinh làm không gian sống, để rồi sau đó mắc bệnh phải trị liệu.