Khi hai anh em ruột không có cùng nhóm máu, người bố vô cùng bất ngờ và đề nghị đi xét nghiệm huyết thống cha con. Vậy, anh em khác nhóm máu liệu có có khác huyết thống? Đại tá Hà Quốc Khanh - Cố vấn khoa học cao cấp Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền Gentis sẽ chia sẻ về vấn đề này.
Hai anh em tôi làm cùng một công ty, gần đây công ty có tổ chức đi khám sức khỏe và kiểm tra nhóm máu. Tôi rất bất ngờ khi phát hiện tôi và anh trai không có cùng nhóm máu. Cụ thể tôi nhóm máu A, còn anh trai tôi có nhóm máu O. Tôi năm nay 23 tuổi, còn anh tôi 26 tuổi.
Sau đó hai anh em về nhà và hỏi bố mẹ thì được biết bố tôi nhóm máu A, còn mẹ tôi có nhóm máu B. Chính vì vấn đề này mà gia đình đã xảy ra một số mâu thuẫn, trong khi trước đó cuộc sống rất hòa thuận.
Gần đây, bố tôi còn đề nghị đi xét nghiệm huyết thống cha-con giữa bố và 2 anh em tôi vì ngoài nhóm máu không giống nhau, nhìn kỹ lại bố tôi cũng nói rằng hai anh em chẳng thấy giống nhau về ngoại hình. Biết được điều này, mẹ tôi rất buồn vì mẹ khẳng định rằng cả hai đều là con ruột của bố, không có gì khuất tất hay bí mật cả. Hai anh em chúng tôi chẳng biết phải làm thế nào.
Tôi rất băn khoăn về việc liệu hai anh em ruột thì bắt buộc phải cùng nhóm máu hay vẫn có trường hợp khác nhóm máu? Rất mong nhận được sự tư vấn của các chuyên gia để tôi giải thích cho bố mẹ hiểu hơn.
Xin cảm ơn!
Với bất kể ai, khi thấy nghi vấn về vấn đề huyết thống đều có những băn khoăn, lo lắng nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp của gia đình bạn, sự lo lắng là hơi thái quá bởi anh chị em ruột có thể có cùng nhóm máu hoặc khác nhóm máu. Điều này đã được chứng mình qua quy luật Mendel về di truyền học trong hệ thống nhóm máu.
Theo quy tắc trên, nhóm máu của bố mẹ kết hợp có thể tạo ra những nhóm máu khác nhau ở đời con. Do đó, nếu gia đình có hai con thì các con có thể mang nhóm máu khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các con có cùng nhóm máu với nhau và cùng nhóm máu với bố mẹ. Cụ thể như hình dưới đây:
Hình ảnh nhóm máu của bố mẹ kết hợp với nhau sẽ ra các nhóm máu con có thể có.
Như vậy, anh chị em ruột không cùng nhóm máu là điều bình thường. Đồng thời, chỉ dựa vào nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống là chưa đủ cơ sở. Để biết chính xác nhất vẫn nên đi xét nghiệm ADN.Tất nhiên, cũng có một số trường hợp, anh chị em ruột sẽ mang cùng một nhóm máu với nhau. Cụ thể:
- Trường hợp 1: Cả bố và mẹ đều cùng nhóm máu O.
- Trường hợp 2: Sinh đôi cùng trứng
Đây là trường hợp một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng tạo thành một hợp tử. Trong quá trình hợp tử phát triển, nó sẽ tự tách đôi và phát triển thành 2 phôi thai. Như vậy, vật chất di truyền ở hai phôi thai hoàn toàn giống nhau nên những trường hợp anh chị em sinh đôi cùng trứng sẽ luôn giống nhau về nhóm máu.
- Trường hợp 3: Bố, mẹ có cùng nhóm máu A và cùng kiểu gen AA, hoặc bố mẹ cùng nhóm máu A, bố có kiểu gen AA và mẹ có kiểu gen AO. Trong trường hợp này, các anh chị em ruột sẽ có nhóm máu giống nhau là nhóm A. Nguyên nhân là vì kiểu gen của con sẽ nhận mỗi bên bố mẹ 1 alen A tạo kiểu gen AA hoặc nhận ở bố 1 alen A, ở mẹ 1 alen A hoặc O tạo kiểu gen AA hoặc AO đều cho nhóm máu A. Tương tự với trường hợp bố mẹ có cùng nhóm máu B.
Với trường hợp của gia đình bạn, nhóm máu không đủ cơ sở để xác định chính xác huyết thống. Do vậy, nếu nghi vấn và muốn làm sáng tỏ về huyết thống của 2 anh em thì có thể đi xét nghiệm ADN.
Mọi thắc mắc của bạn độc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý đọc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |