Khi cốt cháy thành tro thì ADN cũng bị đốt cháy hoàn toàn nên không thể làm giám định ADN. Tuy nhiên, nếu sau khi hỏa thiêu vẫn còn xót lại mẫu xương, răng thì vẫn có thể giám định được nhưng tùy điều kiện.
Mới đây, vụ việc một gia đình vay 600 triệu đưa con đi chữa bệnh nhưng nhận lại hũ tro cốt đang gây xôn xao dư luận. Gia đình anh N.H.N sau khi phát hiện con trai 3 tuổi có dấu hiệu chậm phát triển đã quyết định liên hệ với ông L.M.Q. (trú tỉnh Lâm Đồng) để gửi vào cơ sở nuôi dạy và điều trị trẻ có dấu hiệu chậm phát triển, tự kỷ.
Với hy vọng con có thể khỏe mạnh, gia đình đã bỏ ra số tiền 600 triệu để ông Q. đưa con trai anh N. vào TP Bảo Lộc chữa trị. Tuy nhiên một thời gian sau, vợ chồng anh N. nhận được tin con trai mắc COVID-19 qua đời và chỉ nhận lại được hũ tro cốt.
Anh N.H.N., bố của nạn nhân đã nộp mẫu tro cốt của con trai và mẫu tóc của vợ cho Công an.
Trước sự ra đi đột ngột của con, gia đình anh N. nhận thấy có những điều bất thường nên đã quyết định báo cơ quan CSĐT để làm rõ nguyên nhân cái chết và xác định tro cốt mà ông N.M.Q đưa cho vợ chồng anh N. có đúng là con của họ hay không.
Sau khi thông tin sự việc được đăng tải rộng rãi, rất nhiều người vô cùng thương xót cho gia đình và cũng có không ít thắc mắc về việc liệu tro cốt có xét nghiệm ADN được không?
Xét nghiệm ADN như thế nào?
Trước khi muốn hiểu rõ việc tro cốt có xét nghiệm ADN được không, chúng ta cần phải hiểu cách thức xét nghiệm ADN như thế nào.
Xét nghiệm ADN là hình thức xét nghiệm sử dụng ADN trong các tế bào của cơ thể để xác định quan hệ huyết thống giữa hai cá thể. Bởi vì ADN của một người được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ và quy định đặc điểm riêng biệt của từng cá thể. Đây chính là cách chính xác nhất để xác định quan hệ huyết thống.
Với mẫu ADN của bố mẹ và con khớp với nhau trong từng gen thì có tới 99,999% hai chủ nhân mẫu vật có quan hệ huyết thống. Trong khi đó, nếu hai mẫu ADN không khớp với nhau từ 2 gen trở lên thì hai mẫu này tuyệt đối không có quan hệ huyết thống.
Xét nghiệm ADN cần dựa trên các mẫu như mẫu máu, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng,... (Ảnh minh họa)
Việc xét nghiệm ADN dựa trên các mẫu như mẫu máu, tế bào bên bên niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng,... với độ chính xác không có nhiều khác biệt.
Xét nghiệm ADN có thể thực hiện ở mọi độ tuổi vì hệ gen của con người đã được hình thành ngay tại thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối có chứa các tế bào của thai nhi. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ADN từ tro cốt của người chết liệu có khả thi?
Tro cốt có xét nghiệm ADN được không?
Khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt). Trong các lò hỏa táng, nhiệt độ hỏa thiêu trong khoảng từ 760℃ - 1000℃ và toàn bộ quá trình hỏa thiêu diễn ra trong 90-120 phút mới có thể biến thi hài thành tro cốt.
Việc hỏa thiêu sẽ phá hủy hoàn toàn tất cả các cơ quan, mô và chất béo, thi hài người chết lúc này đã biến thành tro, không ở dạng hữu cơ cũng như không còn tồn tại bất kì mẫu vật phẩm nào có chứa ADN để xác định huyết thống.
Tuy nhiên, nếu một số mô cứng còn sót lại như xương và răng, có thể sử dụng để phân tích ADN. Xương và răng của con người được cấu tạo chủ yếu từ canxi photphat và canxi cacbonat. Những khoáng chất này cung cấp sức mạnh và độ bền của chúng nên trong một số trường hợp thi hài được hỏa thiêu vẫn có thể còn sót lại mảnh xương và răng chưa cháy hết.
Tuy nhiên, khi xương qua hỏa táng đã thành tro và cháy thành bột trắng thì hiện nay không có cách nào để xét nghiệm ADN.
Tro cốt cháy thành tro hoàn toàn sẽ không thể giám định ADN. (Ảnh minh họa)
Tóm lại, khi tro cốt cháy thành tro thì ADN cũng bị đốt cháy hoàn toàn và sẽ không thể giám định ADN được vì tế bào đã bị phá hủy. Với trường hợp cốt còn mẫu xương, răng không qua thiêu thì vẫn có thể giám định được. Các chuyên gia có thể trích xuất DNA từ những đoạn này và tiến hành kiểm tra chúng. Tuy nhiên còn tùy theo điều kiện, nếu mẫu xương răng bảo quản không tốt, mẫu kém không đảm bảo thì có thể không xét nghiệm được.